QĐND - Ngày 22-9-1940, quân Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân Pháp trên đường thua chạy đã rút qua châu Bắc Sơn. Nhân cơ hội đó, ngày 27-9-1940, Đảng bộ Bắc Sơn lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền, tiến công các đồn bốt và các đơn vị lính Pháp đang bỏ chạy, tước vũ khí, xây dựng LLVT cách mạng. Khởi nghĩa Bắc Sơn đã để lại những bài học quý báu về khởi nghĩa vũ trang, xây dựng chính quyền, đặt nền móng cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng với những LLVT đầu tiên mà sau này phát triển thành Việt Nam Cứu quốc quân.

Kỷ niệm 76 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940/27-9-2016), chúng tôi xin trích dịch một số đánh giá của các nhà nghiên cứu nước ngoài về sự kiện này.

Di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn.

VÙNG ĐẤT GIÀU TRUYỀN THỐNG

Châu Bắc Sơn (nay là huyện Bắc Sơn) nằm ở phía tây nam tỉnh Lạng Sơn, diện tích khoảng 800km2, địa thế hiểm trở, núi cao, lắm hang động kỳ vĩ, có 5 dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Hoa và Kinh sinh sống. Thời điểm xảy ra khởi nghĩa, người Tày đông nhất, chiếm 80% dân số. Bắc Sơn nằm trên con đường Lạng Sơn - biên giới Việt-Trung. Do vị trí chiến lược nằm dọc hai bên đường giao thông chính giữa miền Nam Trung Quốc và vùng Đồng bằng sông Hồng, các dân tộc ở đây đã đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam đấu tranh chống lại các thế lực phương Bắc để duy trì quyền tự chủ của dân tộc mình.

Nhân dân ở đây còn có truyền thống cách mạng, mà một trong những người con ưu tú là nhà lãnh đạo Hoàng Văn Thụ.

Về Khởi nghĩa Bắc Sơn, tờ tin của Hiệp hội những cựu sinh viên và bạn bè Đông Dương của Pháp số ra quý 3 năm 1995, đăng bài Lính bộ binh thuộc địa Đông Dương ở châu Á trong Chiến tranh Thế giới thứ hai có đoạn: “Ngày 22-9-1940, Sư đoàn 5 quân Nhật từ Trung Quốc đột ngột tràn qua biên giới, chiếm Lạng Sơn. Các đơn vị bộ binh thuộc địa của Pháp rã ngũ, bỏ chạy tản mát trong các làng bản…”.

Tác giả Đa-vít Ma-rơ (David Marr) trong cuốn sách Việt Nam 1945: Cuộc giành chính quyền xuất bản năm 1997 tại Mỹ, ở trang 158 có viết: “Cuối tháng 9, khi lính bộ binh của Pháp rút chạy qua Lạng Sơn, những người dân miền núi thuộc dân tộc Tày, Nùng, Dao đã tước vũ khí của một số tàn binh, vận động các toán lính khác bỏ ngũ, thu hàng trăm vũ khí. Tăng chí khí bởi tin đồn chính quyền thuộc địa hoàn toàn sụp đổ trên toàn Đông Dương, những người nổi dậy đánh chiếm vài đồn cảnh sát, trấn áp những người làm việc cho Pháp… Cùng lúc, một số đảng viên Cộng sản thoát khỏi nhà ngục Lạng Sơn đã bắt liên lạc được với một chi bộ Đảng, quyết định tổ chức một cuộc khởi nghĩa. Đêm 27-9, khoảng 600 người trang bị súng tước được của Pháp và mã tấu, gậy gộc đã tiến về chiếm huyện lỵ Bắc Sơn…”.

Nghiên cứu vùng đất sản sinh ra Khởi nghĩa Bắc Sơn, các học giả quốc tế đã đi sâu tìm hiểu ý thức chống đối chế độ thực dân mạnh mẽ của các dân tộc thiểu số tại Việt Bắc. Học giả phương Tây thường dẫn luận án tiến sĩ của Gi-ran Hích-ki (Gerald Hickey) thuộc đại học Chicago, Mỹ nhan đề: Hệ thống xã hội của Bắc Việt Nam, để đề cập chính sách của chính quyền Trung ương Việt Nam tại các tỉnh miền núi phía Bắc nhằm củng cố mối đoàn kết cộng đồng các dân tộc Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc, trong đó có nỗ lực xây dựng một tầng lớp tinh hoa có văn hóa và trình độ cai trị địa phương gần với văn hóa chung của toàn dân tộc. Các học giả đề cập đến vai trò của Chu Văn Tấn, Bí thư Đảng bộ Bắc Sơn, lúc đó đã nhanh chóng liên hệ với Xứ ủy Bắc Kỳ để biến cuộc nổi dậy tự phát thành cuộc đấu tranh vũ trang của Đảng.

Tới mùa thu năm 1941, Cứu quốc quân đã kiện toàn được hai trung đội. Chu Văn Tấn chỉ huy một trung đội đóng tại một vùng thuộc tỉnh Thái Nguyên, cận kề với vùng Đồng bằng sông Hồng. Một trung đội khác hoạt động tại vùng phía Bắc dưới sự chỉ huy của Phùng Chí Kiên, cho tới khi bị rơi vào ổ phục kích của đối phương và bị thiệt hại nặng… Tới tháng 2-1942, sau 8 tháng tác chiến liên tục, các khó khăn về bảo đảm vũ khí, đạn dược đã khiến Cứu quốc quân phải phân tán thành từng nhóm nhỏ, vận động cách mạng trong vùng các dân tộc thiểu số…

Nữ du kích Bắc Sơn. Ảnh tư liệu

NHỮNG ĐÁNH GIÁ VỀ KHỞI NGHĨA BẮC SƠN
Trong sách Việt Nam: Những cội nguồn của cuộc cách mạng, Mác A-lít-xtơ (McAlister) dành nhiều trang nói về vai trò Khởi nghĩa Bắc Sơn. Ông viết:

“Nhờ thành lập Mặt trận Việt Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tận dụng được hiệu ứng của việc Nhật đánh Pháp, chiếm Đông Dương (1941). Sự kiện này đã làm cho người Việt Nam nhận rõ được sự suy tàn của ách cai trị của Pháp, trước cả khi Nhật gạt bỏ chính quyền thực dân của Pháp vào tháng 3-1945. Cảm thấy gió đang đổi chiều, những người dân Việt Nam tham gia Việt Minh, đồng lòng với sự nghiệp độc lập dân tộc của Mặt trận do Đảng Cộng sản lúc đó còn hoạt động bí mật lãnh đạo. Từ tư tưởng yêu nước, sau này những thành viên mới của Việt Minh đã đứng vào hàng ngũ của Đảng, vào lực lượng Cứu quốc quân đang hình thành tại vùng căn cứ Bắc Sơn”.

Cùng thời kỳ này, công cuộc vận động quần chúng đã kiến tạo các chỗ đứng chính trị-quân sự của Việt Minh trên một vùng rộng lớn trùm lên 4 tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc. Tới đầu năm 1943, LLVT của Việt Minh đã thành lập được hơn 19 đội, bao gồm hơn một trăm cán bộ tuyên truyền, cho phép đẩy mạnh công việc kiến thiết chính quyền cách mạng. Tới khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3-1945, những người Cộng sản đã hoàn thiện một mạng lưới các căn cứ trong rừng núi. Nhờ đó, họ đã tiến hành tiếp nhận viện trợ về vũ khí và trang bị của Đồng minh vào giữa năm 1945, chính quy hóa LLVT cách mạng, tiến lên đóng vai trò then chốt trong Cách mạng Tháng Tám. Mác A-lít-xtơ nhận định:

“Cuộc nổi dậy bắt nguồn từ Khởi nghĩa Bắc Sơn về cơ bản là kinh nghiệm đầu tiên của những người Cộng sản Việt Nam về chiến tranh du kích, dù còn là ở dạng sơ khai. Bài học này cho thấy kiên trì tiến hành chiến tranh du kích có thể làm mất sức chiến đấu của một kẻ thù mạnh hơn, nhưng cần có các an toàn khu để cung ứng, bồi dưỡng sinh lực cho các đơn vị du kích. Trong hình thái này của đấu tranh vũ trang, một bài học xương máu là nếu thiếu vắng một phong trào chính trị rộng khắp sẽ là hạn chế lớn nhất cho việc phát triển chiến tranh du kích. Những người Cộng sản Việt Nam cũng nhận thấy du kích cần liên tục tăng trưởng về số lượng và chất lượng, bảo đảm tính cơ động cao, thường xuyên thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh mới của chiến tranh”.

Sách Việt Nam: Những cội nguồn của cuộc cách mạng viết tiếp: “Mặc dù những người Cộng sản luôn tiếp cận có hệ thống trong nhiệm vụ tiến hành chiến tranh cách mạng, lợi thế của Đảng lại đến từ một tập hợp những cơ hội nảy sinh ra như Khởi nghĩa Bắc Sơn. Cơ hội này đã tạo nên thời cơ để Đảng kịp thời nắm vai trò lãnh đạo và nhờ đó mà giành được chỗ đứng chân chiến lược tại Việt Nam…”.

LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)