Hơn nửa thế kỷ sau ngày Mỹ bắt đầu đánh phá Đường Hồ Chí Minh, mạng hỏi-đáp Quora của Mỹ có trụ sở đặt tại bang California đã đặt câu hỏi: Các hoạt động không kích của Mỹ chống tuyến đường vận tải chiến lược này đã hiệu quả đến mức nào?
Tác giả Jay Borwick, một cựu sĩ quan thuộc hải quân Mỹ đã trả lời ngày 22-5-2017:
Tháng 9-1966, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đã viết báo cáo gửi Tổng thống Johnson, cho rằng Đường Hồ Chí Minh “là một trong những vấn đề nan giải của chúng ta”.
Bắt đầu các chiến dịch từ Leaping Lena năm 1964, liên tục có những nỗ lực đập gãy dòng chảy tiếp tế của đối phương bằng các đơn vị nhỏ hoạt động trên bộ, nhưng không có hiệu quả. Cũng từ năm 1964 đã bắt đầu các chiến dịch không kích một số mục tiêu trọng điểm thuộc tuyến Đường Hồ Chí Minh, đó là các Chiến dịch Barrel Roll rồi Chiến dịch Rolling Thunder. Tuy nhiên, các cuộc ném bom đã không thể làm chậm mức độ thâm nhập từ Bắc vào Nam của đối phương qua đường Trường Sơn.
    |
 |
Hố bom Mỹ ở A Sầu (Thừa Thiên-Huế). Ảnh: PHILIP JONES GRIFFITHS. |
Sau khi Tổng thống Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom Bắc Việt Nam vào ngày 31-10-1968, hoạt động không kích của Mỹ tập trung vào ngăn chặn tuyến Đường Hồ Chí Minh. Từ ngày 15-11-1968, Chiến dịch Commando Hunt đã được tiến hành như một nỗ lực ồ ạt để ngăn chuyển vận binh lực và quân khí dọc theo Đường Hồ Chí Minh. Năm năm tiếp theo đó, hơn 3 triệu tấn bom được ném xuống đất Lào.
Chiến dịch Commando Hunt nhằm đánh phá các đoàn ô tô vận tải chạy trên tuyến đường. Năm 1969, không quân Mỹ đếm được hàng nghìn xe tải của đối phương bị bắn cháy, bắn hỏng, trong khi đó, theo số liệu của tình báo Mỹ, trên toàn Bắc Việt Nam chỉ có 6.000 xe vận tải. Để bảo vệ đường Hồ Chí Minh, Hà Nội đã tăng cường lực lượng pháo cao xạ và các cỗ súng 85mm và 120mm được triển khai để bảo vệ hệ thống giao thông. Tới gần giữa thập niên 1970, mỗi tháng có tới 8.000 người và 10.000 tấn phương tiện chiến tranh đến được miền Nam. Có thể nói, không một nỗ lực nào của Mỹ nhằm cắt Đường Hồ Chí Minh là thành công.
Jay Borwick còn trích diễn đàn về chiến sử Armchair General, nơi đặt câu hỏi: Vì sao Đường Hồ Chí Minh không bị cắt đứt trong chiến tranh Việt Nam? Một câu trả lời là: “Trên thực tiễn, con đường chính là một mạng lưới nhiều con đường kết nối chặt chẽ với nhau. Có đường rộng, có đường hẹp, có đoạn dài, có đoạn ngắn, đều nằm dưới tán cây rậm rạp. Các nỗ lực ném bom ồ ạt của Mỹ thường cắt được con đường ở một số đoạn, nhưng sau đó, hàng tiếp tế được điều chuyển sang các đoạn đường chưa bị phá hủy, cho đến khi các đoạn vừa bị hư hại được sửa chữa xong. Kết quả là đã không có đình đốn đáng kể trên dòng chuyển động của hàng tiếp vận”.
Lá chắn “trời cho”
Sau chiến tranh, Viện Nghiên cứu chiến lược RAND của Mỹ đã có một tổng kết nhan đề “Các chiến dịch không-địa của Mỹ chống đường mòn Hồ Chí Minh 1966-1972”. Báo cáo này có đoạn viết: Tán thực vật gồm ba tầng cây bao bọc phía trên đã làm cho Đường Hồ Chí Minh trở thành vô cùng khó theo dõi từ trên không. Đại sứ Mỹ ở Lào, William Sullivan báo cáo: “Tán cây rừng không thể xuyên thủng đã khiến cho các máy bay phản lực bay cao không thể quan sát được… Ngoại trừ hai đoạn lộ thiên, không có khúc nào trên đường này quan sát được. Ngay cả khi bay chậm bằng trực thăng, con đường vẫn là không thể nhìn thấy từ trên. Tôi nhận thức rõ ràng rằng, một số lượng đáng kể hàng tiếp vận chắc vẫn đang được chuyển vận trên các con đường mà các phi cơ không kích của Mỹ không thể làm gì được”.
    |
 |
Lữ khách thuộc một tour du lịch 4 ngày trên Đường Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: Asiattractions.com. |
Các kỹ thuật ngụy trang lão luyện đã được triển khai bởi Binh đoàn Trường Sơn-đơn vị chịu trách nhiệm kiến thiết, duy tu và bảo vệ con đường này, đã khiến tầm nhìn từ trên không càng suy giảm thêm. Nơi nào Đường Hồ Chí Minh bộc lộ, Quân đội nhân dân Việt Nam đan các cành nhánh trên ngọn cây thành giàn che. Tới khi kết thúc chiến tranh, theo số liệu ở Hà Nội, Binh đoàn Trường Sơn đã ngụy trang tới gần 2.000 dặm trên tuyến đường 12.000 dặm. Việc sử dụng cầu ngầm dưới mặt nước của binh đoàn đã khiến máy bay Mỹ không thể phát hiện được chúng. Tuy nhiên, bởi tầm quan trọng chiến lược của nó, Đường Hồ Chí Minh đã khiến Hà Nội động viên các nguồn nhân vật lực vô cùng lớn để xây dựng, duy trì và bảo đảm an ninh. Tại bất kỳ thời điểm nào, luôn có khoảng hơn 10 vạn người được huy động làm việc trên tuyến đường, từ lái xe đến công binh, dân công, các lực lượng vệ binh và pháo cao xạ. Lực lượng cao xạ khai chiến từ năm 1965, tới năm 1970, toàn con đường đã được che chở bởi lưới lửa mặt đất với một số pháo cao xạ được trang bị cả ra đa…
Chiến trường điện tử
Ngày 30-3-1972, tờ The New York Times thông báo một tin gây sốc, đó là lần đầu tiên, một “chiến hạm bay AC‐130” bị tên lửa SAM-2 bắn hạ trên đường Hồ Chí Minh từ một trận địa cách Sê Pôn 15 dặm về phía tây. Cho tới trước sự kiện này, theo giới quân sự Mỹ, AC-130 được trang bị tối tân, được xem là binh khí hữu hiệu nhất trong ngăn chặn vận tải cơ giới trên Đường Hồ Chí Minh.
Gần ba tháng sau, ngày 18-6-1972, một chiếc AC-130 khác đã bị bắn rơi bởi một loại tên lửa đất đối không khác, SA-7, thuộc biên chế của bộ binh, trong khi chiếc máy bay này tuần tiễu trên thung lũng A Sầu, cách Huế 25 dặm về phía tây nam. 12 thành viên của tổ lái tử trận, 3 thành viên khác thoát được nhờ tìm cứu bởi trực thăng Mỹ.
Tới lúc này, cán cân trên chiến trường điện tử đã thay đổi hẳn. Nhưng Mỹ vẫn còn “chủ bài” không quân chiến lược B-52. Nhưng tới ngày 22-11-1972, một chiếc B-52 đã bị tên lửa SAM-2 bắn hạ.
“Hạch toán kinh tế”
Quay lại với phúc trình về tác chiến không-bộ chống đường Hồ Chí Minh, Viện RAND cho rằng, chiến lược ngăn chặn tiếp tế của Mỹ, dù tự hạn chế về quy mô mục tiêu, đã trở thành chiếc thùng không đáy chứa chi phí và tổn thất quá sức chịu đựng. Báo cáo này viết:
Giữa thập niên 1960, Hoa Kỳ bắt đầu các chiến dịch ngăn chặn Đường Hồ Chí Minh. Chiến dịch Barrel Roll ở phía Bắc Lào và Stell Tiger ở Nam Lào được thiết kế để giảm khả năng của Việt Nam dân chủ cộng hòa trong vận chuyển binh lực và vật tư trên tuyến đường. Ý đồ của các chiến dịch này, cũng như của các chiến dịch kế tiếp, theo tướng William Momyer, tư lệnh không đoàn 7 Mỹ, không hề là chặn đứng dòng chảy của giao thông, mà chỉ nhằm làm giảm nhịp độ vận chuyển tới mức đối phương không thể cấp hàng tiếp viện đủ để cung cấp cho các chiến dịch dài ngày. Các máy bay không tập các đoàn xe vận tải, cũng như các cơ sở hạ tầng, cầu phà… Các cuộc ném bom cũng cố cắt các con đường nhằm tạo ùn tắc để không kích vào các đoàn xe co cụm lại trước các điểm kẹt xe.
Nhưng sự kết hợp các yếu tố rừng rậm, thời tiết xấu và kỹ thuật giấu quân, nghi binh của quân đội Việt Nam đã làm cho các phi công cực kỳ khó trong phát hiện mục tiêu. Đặc tính chiến kỹ thuật của phương tiện chiến tranh áp dụng trong nhiệm vụ ngăn chặn từ trên không cũng áp đặt các khó khăn trong tìm diệt các mục tiêu trên con đường. Các máy bay bay nhanh như F-105 chỉ có vài giây để phát hiện mục tiêu và cắt bom…
Một nhân tố nữa hạn chế hiệu quả không kích phá hoại của Mỹ là cách mà Hà Nội tiến hành cuộc chiến tranh. Với một số lượng các nguồn lực vô cùng hạn hẹp so với những gì mà Hoa Kỳ sở hữu, họ đã buộc phải phát động một cuộc chiến dài ngày, với trang bị kỹ thuật chủ yếu còn thô sơ, nhằm tận dụng được các ưu thế tương đối là nhân lực và thời gian, và hạn chế các mặt yếu.
Những nhu cầu hạn chế của quân đội Việt Nam lại trở thành một lợi thế đáng kể, gây ra những hệ lụy to lớn cho các chiến dịch quân sự của Mỹ ở chiến trường này. Các lực lượng Mỹ thường tiêu hao hàng nghìn tấn hàng tiếp tế cho quân vụ trong một ngày. Trong khi đó, lực lượng cách mạng thường chỉ tiêu thụ khoảng 15 tấn/ngày, tại các chiến dịch cũng chỉ đạt đỉnh cao 60 tấn/ngày (theo số liệu của sách "Chiến lược tồn tại của Bắc Việt Nam" của tác giả Van Dyke).
Báo cáo của RAND kết luận: Tần suất ném bom ở đường Hồ Chí Minh trước khi Johnson tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc là 150 lượt chiếc máy bay/ngày, sau đó lên tới 450 phi vụ mỗi ngày, thì vẫn chắc chắn có 15 xe tải (tương đương 60 tấn hàng) thoát khỏi sự phong tỏa đường không và đường bộ của Mỹ, đã đi đến đích.
LÊ ĐỖ HUY (trích dịch)