QĐND - Hải quân Sài Gòn được phương Tây xem là một lực lượng phát triển nhanh nhất, rất hiện đại vào đầu những năm 70 của thế kỷ 20, nhưng lực lượng này đã không ngăn chặn được những “chiến binh bí mật” của Đoàn 125 Hải quân nhân dân Việt Nam, làm nhiệm vụ tiếp tế đường biển cho cách mạng miền Nam.

Di sản thực dân cũ

Trần Văn Chơn thời là Trung úy Hải quân của Pháp đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Ảnh: Lưu trữ Hoa Kỳ

Cuối những năm 40 của thế kỷ 20, hải quân (ngụy) thuộc Pháp và chỉ có vỏn vẹn dăm tàu thuyền nhỏ.

Cuối năm 1954, người Pháp cho “Quân đội quốc gia” của Bảo Đại thừa hưởng một phần gia tài ở Đông Dương của họ. Đáng kể có 70 tàu chở quân và chiến xa (LCM), 3 tàu quét mìn, hai tàu tuần duyên (garde côtière GC), 200 ca-nô tuần tiễu nhỏ (vedette) các loại, và 3 tàu tuần tiễu (PC), 15 sà lan, trong đó chỉ có một sà lan máy, 3 tàu dắt (remorqueur)… Tất cả đều đã được khai thác nhiều năm.

Trong số sĩ quan hải quân (ngụy) của Pháp, chỉ có một đại úy, còn lại là trung úy, thiếu úy, trong đó có một số vừa tốt nghiệp Trường Hải quân Bơ-rét (Brest) (École Navale de Brest). Trần Văn Chơn, năm 1953 còn giữ chức Phó chỉ huy Biệt đoàn Hải giang xung kích số 23, tới 1956 đã được đôn lên Tư lệnh phó Hải quân cho chế độ Ngô Đình Diệm.

Tới tháng 7-1955, Hải quân Việt Nam cộng hòa (VNCH) chia làm Hải lực và Giang lực, có 3.858 quân, kể cả 1.291 lính thủy quân lục chiến (quân Sài Gòn lúc đó khoảng 150.000). Có 22 tàu chiến loại lớn. Hải quân VNCH bắt đầu nhận được sự chi viện ồ ạt của Mỹ về vật chất và các cố vấn, thông qua Cơ quan Viện trợ và Cố vấn quân sự Mỹ (MAAG).

Các căn cứ hải đoàn của Sài Gòn thời Diệm đặt ở Cần Thơ, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long Xuyên, Cát Lái. Các căn cứ của lực lượng tuần tiễu ven bờ (duyên khu), đặt ở Phú Quốc, Nha Trang (gồm cả Trung tâm huấn luyện Hải quân), Vũng Tàu, Đà Nẵng.

Khởi chiến chống “Đoàn tàu không số”

Theo Nach Jim (Nát-sơ Gim) trong Lịch sử hình thành cơ cấu chỉ huy và lực lượng vũ trang của VNCH(1), từ cuối những năm 50 (thế kỷ 20), Bắc Việt Nam bắt đầu đưa người và vũ khí vào lãnh thổ VNCH bằng đường biển. Để ngăn chặn, chính quyền Sài Gòn đã thành lập Lực lượng Hải thuyền (Coastal Junk Force), lấy quân từ lực lượng bán chính quy để tuần biển, sau đổi tên thành các Duyên đoàn (Costal Groups). Lực lượng này được điều binh bố trận bởi các Vùng chiến thuật, hơn là thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của Hải quân VNCH.

Năm 1964, khi "Chiến tranh đặc biệt" thất bại, quân số là 8.100 lính; năm 1967, hải quân Sài Gòn đã lên tới 16.300 quân, 639 tàu chiến. Phương Tây đánh giá: “Với sự hiệp trợ của Mỹ, hải quân Sài Gòn đã nhanh chóng trở thành một trong những hải quân lớn nhất thế giới, với 4,2 vạn quân, gần 1.500 chiến thuyền (672 tàu xuồng đổ bộ, 20 tàu rải thủy lôi, 450 tàu tuần tiễu, 56 tàu hậu cần trợ chiến, và 242 ca-nô chiến đấu(2)).

Về các chiến dịch chống Đường Hồ Chí Minh trên biển như Market Times (Phiên chợ)  hải quân Sài Gòn hợp lực với hệ thống kiểm soát của hải quân và không lực Mỹ đồ sộ, dày đặc, hiện đại. Tuy vậy, một câu hỏi lớn đặt ra: “Chiến hạm của Hoa Kỳ nhập cuộc rất đông, xem như vây kín duyên hải VNCH. Thế nhưng Cộng sản Bắc Việt có chịu chùn bước xâm nhập không?”.

Theo các cố vấn Mỹ, ngay sau Hiệp định Pa-ri, hải quân Sài Gòn được đánh giá đứng hàng thứ tư thế giới về trang bị. Nhưng Sài Gòn vẫn “xin” thêm tàu to hơn, hiện đại hơn. Theo tờ Vietnam Courrier (Tin tức Việt Nam), phỏng vấn các cựu “đô đốc, đề đốc Sài Gòn”, họ làm thế chủ yếu để làm giàu.

Nguyễn Văn Thiệu xây dựng Hải quân VNCH như… thương vụ tỷ đô, ém sẵn các tay chân của mình. Đề đốc Chung Tấn Cang (Tư lệnh những năm 1963-1965), đã trục lợi trong vụ cứu trợ nạn nhân lụt năm 1965; Lâm Ngươn Tánh, bạn đồng khóa với Thiệu tại Trường Hàng hải cuối những năm 40 của thế kỷ 20, đã khét tiếng buôn lậu từ hồi còn chỉ huy cụm căn cứ Rạch Sỏi - Tân Châu - Long Xuyên. Trần Văn Chơn, hai lần tư lệnh, không hẳn do hai lần làm Giám đốc Binh xưởng Hải quân và từng là Tư lệnh Hải quân thời Diệm, mà có lẽ do luôn “bao (và) che” Thiệu, khi “tổng thống” này xuống Ô Cấp (Vũng Tàu) du hí.

Gần đây, các cựu chỉ huy hải quân Sài Gòn vẫn còn ca ngợi Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ thời “Việt Nam hóa”, đã cấp tốc chuyển giao hơn 500 chiến hạm, tàu chiến các loại cho hải quân VNCH, theo đúng lịch trình của kế hoạch ACTOV (Accelerated Turnover to the Vietnamese)(3).

Tư lệnh Hải quân VNCH Trần Văn Chơn (trái) và Đô đốc Mua-rơ  (T. Moore) Tư lệnh các chiến dịch Hải quân Mỹ, thanh tra một đơn vị hải quân Sài Gòn vừa nhận bàn giao tuần tiễu từ một đơn vị Hải quân Mỹ, tháng 9-1969. Lưu trữ quân đội Mỹ

Đó là vì tài sản của họ từng tăng vọt nhờ “Việt Nam hóa”? Các chuyến đi Gu-am, Phi-líp-pin, Ô-ki-na-oa, Hồng Công, ngay cả Oa-sinh-tơn hay Niu Y-oóc để nhận tàu, để huấn luyện trên các tàu chiến hay tại các công xưởng hải quân Mỹ, thường kéo dài hàng tuần, hàng tháng, có khi nửa năm. Đây là dịp tốt cho các sĩ quan cao cấp đầu cơ ngoại tệ, vàng và bạch phiến. Họ thường trở về trong túi đầy ắp đô-la sau những chuyến đi này. Như Trần Văn Chơn thừa nhận với Vietnam Courrier, những chiến hạm do Mỹ chuyển giao gồm cả những chiếc cũ, cần sửa chữa thường xuyên, những dịp này cũng trở thành “thương vụ” béo bở cho sĩ quan hải quân.

Theo Vietnam Courrier, các vụ buôn lậu bạch phiến qua công cán chính thức của Hải quân VNCH khiến công luận Mỹ xôn xao. Bạch phiến phát xuất từ vùng Tam Giác Vàng (Miến Điện - Thái Lan - Lào) được buôn lậu Thái Lan đưa lên các chiến hạm của hải quân VNCH, hoặc từ Hạ Lào qua các tàu chiến trên sông Cửu Long trong lãnh thổ Cam-pu-chia. Đường dây này do Thiệu và tướng Đặng Văn Quang tổ chức, bảo kê, đem lại lời lãi lớn hơn đường buôn lậu hàng không của Nguyễn Cao Kỳ.

Mỗi Bộ tư lệnh Vùng Hải quân (Coastal Zone), mỗi bến cảng quân sự là một cấm địa dành riêng cho một tướng tá. Viện lẽ "an ninh quốc gia”, hay “bảo mật quân sự” cấm dân chúng bén mảng tới các khu tàu đậu. Trên thực tế, đó là những địa điểm bốc dỡ hàng nhập cảng lậu. Hàng hóa càng thuộc loại quốc cấm, càng đầy rẫy tại những khu vực này.

Năm 1976, tại trại cải tạo dành cho các tướng Sài Gòn, có một nhân vật tròn trĩnh, hồng hào, tuổi trạc 55, trông vẻ trẻ trung. Đó là Trần Văn Chơn, cựu Tư lệnh Hải quân Sài Gòn. Ông ta cố sống tách biệt, ăn uống một mình, làm bộ kiêng khem, “tu tại gia”. Ông ta tự giới thiệu mình rất ham đọc sách Kinh Phật “để tìm thấy niết bàn trong tâm hồn”. Tuy nhiên, những cựu sĩ quan các binh chủng khác của Sài Gòn kháo nhau: “Mẹ kiếp, cả một đời sống trong chùa cũng không tẩy rửa được những hành động xấu xa trong hải quân (Sài Gòn)”, Vietnam Courrier viết tiếp.

Đặng Lê

(1)http://www.buttondepress.com/secretstuff/ttu2006/Units.pdf, tr. 31.

(2)http://en.wikipedia.org/wiki/Republic_of_Vietnam_Navy

(3)http://haisu.tripod.com/toanthe.htm