QĐND - Để đưa nhanh Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 5-1941 vào cuộc sống, hướng dẫn, tổ chức quần chúng nhân dân vào các hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, tích cực xây dựng và mở rộng căn cứ địa cách mạng, Hồ Chí Minh quyết định xuất bản Báo Việt Nam Độc lập. Theo đó Việt Nam Độc lập ra số đầu tiên ngày 1-8-1941, được đánh số 101 với ý nghĩa kế tục sự nghiệp báo chí cách mạng đã ra đời trước đó và giữ bí mật. Lúc mới ra đời, Việt Nam Độc lập là cơ quan tuyên truyền của Tỉnh bộ Việt Minh Cao Bằng. Theo đà phát triển của phong trào Việt Minh, từ số 129 ra ngày 21-6-1942 là của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, rồi từ số 187, ra ngày 30-1-1944 là của ba tỉnh Cao-Bắc-Lạng. Mỗi tháng báo ra 3 kỳ, mỗi kỳ 2 trang, in thạch khoảng 400 bản. Lúc đầu cơ quan in báo đặt ở Khuổi Nậm, sau chuyển về vùng núi đá Lam Sơn, Hòa An. Đến ngày 20-8-1945, báo ra được 126 số, đánh số 226 và 3 họa bản (Họa bản số 1, ra ngày 25-5-1945, Họa bản số 2, ra ngày 25-6-1945 và Họa bản số 3, ra tháng 7-1945 có ghi: “Quân đội Mỹ là bạn ta / Cứu phi công Mỹ mới là Việt Minh. Ai cứu được phi công Mỹ, đoàn thể Việt Minh trọng thưởng”). Trong thời kỳ bí mật, đây là tờ báo ra được nhiều số, đứng thứ hai sau tờ Thanh Niên (208 số) cũng do Hồ Chí Minh sáng lập năm 1925 ở Quảng Châu.

Báo Việt Nam Độc lập do Bác Hồ sáng lập.  Ảnh chụp lại

Trên măng-sét của báo, bên trái là tên báo, số báo, tên địa phương; bên phải là một câu ca dao hoặc một câu ngạn ngữ mang thông điệp của số báo. Như số 1, có câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng!” kêu gọi đoàn kết để đánh Pháp, đuổi Nhật. Số 1 còn dẫn giải: “Tây cốt làm cho dân ta ngu hèn. Báo Việt Nam Độc lập cốt làm cho dân ta hết ngu hèn, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật, làm cho “Việt Nam độc lập”, bình đẳng, tự do! Bức tranh vẽ Ai cũng đọc báo “Độc Lập” vẽ 3 người đang đọc Báo Việt Nam Độc lập: Trẻ con, đàn bà, đàn ông.

Trên 30 số Việt Nam Độc lập có dấu ấn trực tiếp của Hồ Chí Minh trong tất cả các khâu của nghề làm báo, từ ý tưởng từng số, tác giả bài viết, tranh vẽ, sửa bài đến viết chữ ngược trên bàn đá, lo phương tiện in, địa điểm in và tổ chức phát hành hệt như lúc Người làm tờ báo Le Paria bên Pháp. Sau khi Hồ Chí Minh sang Trung Quốc công tác, từ tháng 9-1942, Phạm Văn Đồng thay Người phụ trách tờ báo.

Trong khuôn khổ nhỏ hẹp của bài báo không thể nói hết những nét đặc sắc của tờ báo, chỉ xin dừng lại ở một vài khía cạnh. Trước hết, khi lật giở tờ báo ra, điều dễ nhận thấy đầu tiên là báo ít mục (Xã luận, Tin trong nước, Tin thế giới, Vườn văn, Hộp thơ, Ủng hộ báo), kiệm lời, có tranh minh họa. Đặc điểm thứ hai đập vào mắt ta là báo sử dụng rộng rãi các thể loại văn vần (Lục bát, Song thất lục bát, vè 4 chữ…) để tuyên truyền một vấn đề gì đó như tờ báo Khai Hóa Nhật báo của Bạch Thái Bưởi những năm 20 thế kỷ trước. Bởi văn vần dễ học thuộc, nhớ lâu và phù hợp với trình độ quần chúng ở vùng dân tộc và thuận tiện cho việc truyền miệng.

Tất cả những bài vở, tranh vẽ đăng trên báo không ghi tên tác giả, nhưng có thể dễ dàng ghi nhận một số bài viết và tranh vẽ là của Hồ Chí Minh. Do khan hiếm giấy nên số lượng báo phát hành không lớn, chỉ từ 400 đến 600 bản mỗi số, có lúc tưởng như phải tạm ngừng vì “kho giấy” dự trữ đã cạn. Ta biết được điều đó qua tin đăng trên số 182, ra ngày 1-12-1943: Xin lỗi độc giả, báo không ra được, vì không có giấy.

Qua nội dung bài vở đăng tải trên báo, ta thấy Việt Nam Độc lập theo sát sự phát triển của phong trào Việt Minh được nhen nhóm từ Cao Bằng rồi lan truyền khắp cả nước và hoàn thành xuất sắc các chức năng của báo chí thời cách mạng như tuyên truyền, hướng dẫn và định hướng dư luận, tập hợp lực lượng và đưa quần chúng ra đấu tranh. Trước hết, báo kể tội: “Giặc Nhật cưỡi cổ giặc Tây/ Giặc Tây cưỡi cổ một bầy dân Nam”, làm cho dân ta cực khổ vì sưu cao, thuế nặng, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu muối với đồng bào miền núi, nạn bắt thanh niên đi lính chết thay cho chúng. Dân tộc ta, nhân dân ta muốn sống thì phải mau mau đoàn kết lại đánh đuổi Pháp, Nhật. Việt Nam Độc lập chú trọng đem những bài học lịch sử của tổ tiên ra giáo dục cho đồng bào như: “Chị em ta nên kỷ niệm Hai Bà Trưng” (số 154, ra ngày 1-3-1943), “Kỷ niệm Trần Hưng Đạo” (số 160, ra ngày 1-5-1943, “Kỷ niệm Nghệ An đỏ 12-9-1930” (số 175, ra ngày 21-9-1943), “Kỷ niệm khởi nghĩa Bắc Sơn” (số 178, ra ngày 21-10-1943). Đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung là một việc cấp bách, nóng bỏng không thể chần chừ.

Ngay từ đầu năm 1942, quần chúng vừa giác ngộ, mới gia nhập các hội cứu quốc của Việt Minh, đã nóng vội muốn có súng, nên chủ trương khởi nghĩa để lấy súng giặc đánh giặc. Báo liền có bài định hướng dư luận “Bao giờ khởi nghĩa”, số 121, ra ngày 21-3-1942 chỉ rõ:  Không phải do ý muốn chủ quan, mà phải có những điều kiện khách quan và chủ quan nhất định thì khởi nghĩa nổ ra mới giành được thắng lợi. Báo hướng dẫn tổ chức và chỉ đạo hoạt động của Việt Minh từ xã đến tỉnh như thành lập Việt Minh xã, tổng, châu, tổ chức đại hội các cấp, phổ biến kinh nghiệm khai hội định kỳ để làm cho Việt Minh sinh hoạt đều đặn, chặt chẽ hoặc phê bình khuyết điểm của Ban Chấp hành Cứu quốc các cấp.

Báo Việt Nam Độc lập cũng luôn theo sát những bước đi của đội quân vũ trang chính quy đầu tiên của ta. Chẳng hạn số 204, ra ngày 2-2-1945 đăng Thông cáo về Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân như sau: “Đêm 15 tháng Chạp ta, tức là ngày 28-1-1945, đội tuyên truyền có làm một cuộc vũ trang tuyên truyền rất có ảnh hưởng tại phố Quảng Uyên. Đêm hôm ấy, lúc 9 giờ đội tuyên truyền phái nhiều tốp, trong đó có đội viên phụ nữ tham gia rải truyền đơn, dán biểu ngữ, cắm cờ đỏ sao năm cạnh khắp các con đường đi Cao Bằng, đi Trùng Khánh, đi Tà Lùng. Sau đó anh em đốt cháy một trại lính mới làm, ngọn lửa chói sáng một góc trời… Ngày 16 là ngày chợ Quảng Uyên và bao nhiêu người về chợ chỉ bàn tán và khen ngợi đội tuyên truyền”.

Báo bám sát sự phát triển tình hình chính trị trong nước, báo cũng luôn có những bài bình luận sắc sảo về những sự kiện chính trị quan trọng xung quanh cuộc đảo chính của Nhật ngày 9-3-1945. Số 208, ra ngày 13-3 đăng bài “Một sự chuyển biến to ở Đông Dương: Phát xít Nhật triệt người Pháp” đã viết: “Trên trường chính trị Đông Dương, đoàn thể Việt Minh và dân chúng Đông Dương chỉ có một kẻ thù là quân phát xít Nhật và tất cả lực lượng và mũi tên của người ái quốc Việt Nam hoàn toàn chĩa vào kẻ thù duy nhất ấy là quân phát xít Nhật”. Bài “Thái độ của chúng ta đối với người Pháp” xác định rõ: “Đối với người Pháp có ý chống Nhật và bị Nhật khủng bố chúng ta phải tỏ lòng thân thiện và họ muốn bắt tay với chúng ta đánh Nhật thì chúng ta vui lòng bắt tay”. Số 213, ngày 21-4-1945 có bài “Triều đình Huế đã tự kết án tử hình”.

Tiếp sức cho Báo Việt Nam Độc lập, Báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh ra số đầu ngày 25-1-1942 để cùng với báo Đảng Cờ Giải phóng, dẫn dắt quần chúng nhân dân xốc tới làm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công.

PGS, TS PHẠM XANH