Đặc biệt, trên mặt trận sông Lô, lần đầu tiên pháo binh ta áp dụng cách đánh đặt gần, bắn thẳng đã gây cho giặc Pháp những tổn thất nặng nề.
PHÁO ĐẶT GẦN, BẮN THẲNG
Trong ký sự “Chiến thắng Sông Lô”, cố tác giả Phạm Đức Hóa, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Khu 10 trong Chiến dịch sông Lô kể lại: Sau khi đoàn tàu địch bị ta phục kích ở Khoan Bộ (huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc), chỉ huy quân Pháp cho sửa soạn một đoàn tàu đến ứng cứu. Có được thông tin này, Bộ tư lệnh Khu 10 quyết định bố trí ngay trận phục kích thứ hai ở Đoan Hùng, nhằm mục đích tiêu diệt gọn một đoàn tàu địch. Bộ đội ta được lệnh chuẩn bị trận địa suốt đêm 23-10-1947, với cách đánh là pháo đặt gần, bắn thẳng. Bộ tư lệnh Khu 10 chỉ định Tham mưu trưởng Vũ Hiển làm Chỉ huy trưởng trận đánh. Trung đội pháo 200 do Trung đội trưởng Lê Hộ chỉ huy bố trí tại làng Ngọc Trúc, Chí Đám. Chủ công trong trận này là khẩu sơn pháo 75mm được bố trí ngay sát bờ sông do Khẩu đội trưởng Nguyễn Trọng Dần đảm nhiệm và Trung đội phó Trần Thái Quang trực tiếp chỉ huy; khẩu 75mm pháo cao xạ nặng hơn 4.000kg cũng tức tốc được khiêng từ trên đồi cao xuống đặt ngay ven sông. Ngoài ra, hai khẩu pháo khác “ngồi” kín đáo sau những bụi lau rậm rạp trông như hai con voi phục vươn vòi chĩa xuống dòng Lô.
Sáng 24-10-1947, bộ đội ta tranh thủ cơm nước và nghỉ ngơi chờ địch. Đến 12 giờ trưa, Ban chỉ huy trận Đoan Hùng cấp báo, địch còn cách ta 3 cây số.
Đoàn tàu địch yên trí với việc thám thính sục sạo của máy bay, tiến vào trận địa Đoan Hùng. Trên boong chiếc tàu đi đầu, binh lính lố nhố đi lại. Theo sau chiếc xích hầu này, cách khoảng 300 thước, hai chiếc tàu chở quân đi sóng đôi. Cách xa nữa là hai chiếc tàu nhỏ nối đuôi nhau. Tàu giặc đến trước miệng súng, cách 500m. “Bắn!”- lệnh của người chỉ huy lập tức được phát ra. Chiếc đi đầu bị bắn hai quả đạn liền, chết lặng. Quả thứ ba trúng vào giữa thân tàu. Đến lần thứ tư thì nó nghiêng mình xoay ngang, chìm dần.
Các chiến sĩ pháo binh trong Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông, năm 1947. Ảnh tư liệu
Bị giáng một đòn bất ngờ, chiếc tàu đi đầu bị tiêu diệt, hai chiếc sau đang tiến song hành vội vàng chuyển thành hàng dọc, lái dạt sang phía tả ngạn sông Lô. Trung đội phó Trần Thái Quang bình tĩnh hạ lệnh và động viên Khẩu đội trưởng Nguyễn Trọng Dần nhằm bắn chiếc thứ hai, ngắm thật chắc, không cho chúng chạy thoát. Nhận lệnh, khẩu đội pháo cao xạ 75mm do Nguyễn Trọng Dần chỉ huy nã một phát trúng ngay trước mũi tàu địch, khẩu sơn pháo 75mm bồi phát thứ hai. Phát thứ 5 bắn trúng giữa tàu. Phát thứ 6 nổ to khác thường, tàu địch bốc lên một luồng khói đen kịt và có nhiều tiếng nổ lốp bốp. Buồng đạn và kho xăng tàu địch đều bốc cháy dữ dội. Binh lính địch nhảy ào xuống sông, bơi vào làng Hữu Đô. Đoàn tàu chiến của địch 5 chiếc thì hai chiếc đã bị diệt, trôi theo dòng nước và chìm dần.
BỂ LỬA KHE LAU
Hồi tưởng lại không khí của quân và dân ta đánh địch trên dòng sông Lô trong những ngày tháng 10-1947, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 42 (Tiểu đoàn Bình Ca) cho biết, sau chiến thắng của ta ở Đoan Hùng với lực lượng pháo binh làm nòng cốt, quân dân Việt Bắc phấn khởi, quân dân cả nước vui mừng. Đặc biệt, nhân dân Đoan Hùng sau những ngày bị địch dùng máy bay tàn phá nhà cửa, của cải, nghe tin bộ đội ta thắng trận, ai cũng hể hả.
Không ngủ mơ trong chiến thắng, Bộ tư lệnh Khu 10 nhận định: “Nhất định địch phải bỏ Chiêm Hóa kéo về Tuyên Quang”. Vì vậy, ta phải chuẩn bị đánh địch trên Đường số 2 và đánh một trận phục kích lớn nữa trên sông Lô, phía bắc Tuyên Quang, đoạn gần ngã ba sông Lô-sông Gâm. Tình hình rất khẩn trương, ngày 5-11-1947, một đoàn cán bộ do đồng chí Vũ Hiển, Tham mưu trưởng Khu 10 phụ trách lập tức lên đường tìm nơi bố trí trận địa, lập kế hoạch tác chiến tại chỗ. Cũng theo lời kể trong ký sự “Chiến thắng sông Lô” của cố tác giả Phạm Đức Hóa: Lần đầu tiên lực lượng pháo binh của ta phải vận động xa, vai các chiến sĩ sưng u, nhưng không ai chịu tụt lùi, bỏ cuộc, ba ngày đêm đi liên tục, pháo nặng vẫn theo sát được bộ binh vượt chặng đường hơn 100km đến điểm tập kết. Chỗ ta đặt pháo là sườn dốc đứng, đổ thẳng xuống ven sông, lực lượng pháo binh của ta phải cải tạo địa hình, đào đất, đắp thành bệ cho “voi” phục vững chắc. Phía sau lưng, trên các điểm cao là các khẩu đại liên, trung liên của bộ đội phòng không. Hai bên cạnh “voi” có công binh, bộ binh tạo thành lưới lửa trên một quãng sông dài ngót một cây số.
Đúng như dự đoán của Bộ tư lệnh Khu 10, sau trận thua ở Đoan Hùng, quân Communal ở Chiêm Hóa buộc phải rút về Tuyên Quang; khi chúng lên bằng cả đường bộ lẫn đường thủy, thì khi về, chúng cũng về bằng hai con đường đó. Ngày 11-11-1947, hai tàu và một ca nô chở phần lớn quân của Tiểu đoàn Petit xuôi sông Gâm, còn một đại đội do viên quan ba Bruno chỉ huy đi ven sông yểm hộ. Khoảng 2 giờ chiều, tàu địch ra gần đến ngã ba sông Lô-sông Gâm. Đội hình tàu địch đang xuôi dòng nước, chúng nhởn nhơ tưởng như cuộc hành quân này là một cuộc “du ngoạn”... 400m, rồi 300m, gần quá, “voi” của ta vẫn lặng thinh, mặc cho địch bắn vu vơ. 150m, “voi” vẫn lặng im, “voi” ta đã dày dạn chiến đấu nên rất gan lỳ. Bỗng một tiếng nổ vang rung chuyển cả khúc sông, trận đánh bắt đầu. Quân địch chưa kịp giật mình thì một quả trọng pháo đã nã trúng chiếc tàu đi đầu, lửa bốc lên ngùn ngụt. Pháo của ta nổ rền, cả hai con tàu địch biến thành hai ngọn đuốc khổng lồ. Súng bộ binh, bazooka của công binh ta hòa với tiếng gầm của những nhịp pháo bắn rất mãnh liệt, địch trên hai con tàu rú lên điên cuồng trong những đám lửa đang cháy rực, chỉ một số ít nhảy được xuống sông. Hai con tàu chìm dần, khói bốc mù mịt. Chiếc ca nô đi sau cùng lao vào giữa đám khói lửa chạy thục mạng nhưng vẫn dính đạn pháo, dạt sang bên tả ngạn nằm đổ nghiêng...
Trận đánh kết thúc nhanh. Cả hai con tàu bị cháy và chiếc ca nô bị trọng thương đều theo dòng nước cuốn trôi về xuôi.
NGÔ DUY