Khi đến đây, chúng tôi được bà Lê Thị Thoa cho xem nhiều tài liệu do Thượng tướng Trần Văn Trà viết lúc còn sống. Đáng chú ý trong đó có nhiều trang ông kể lại những kỷ niệm, dấu ấn sâu sắc của bản thân với Bác Hồ.

Nhiều năm qua, bà Thoa và con cháu trong gia đình đã tập hợp những bài viết của ông in thành sách. Theo đó, chính tư tưởng cách mạng và tấm gương ngời sáng của Bác là ánh sáng soi đường chỉ lối cho người thanh niên Trần Văn Trà đi theo cách mạng, noi gương Bác trọn đời phấn đấu, hy sinh cho lý tưởng cao đẹp. Được phép của bà Lê Thị Thoa, chúng tôi xin lược trích những kỷ niệm sâu sắc của Thượng tướng Trần Văn Trà từ nguồn tư liệu vô giá này...

leftcenterrightdel
Thượng tướng Trần Văn Trà (ngồi thứ tư, từ trái sang) thăm lại chiến trường xưa ở Đồng Tháp Mười, năm 1976. Ảnh do bà Lê Thị Thoa cung cấp

Đôi chân vạn dặm về với Bác

…Năm 1948, Trần Văn Trà được gặp Bác Hồ lần đầu tiên tại Chiến khu Việt Bắc. Đây là niềm mong đợi từ lâu, là hạnh phúc lớn lao của cuộc đời ông. Trước đó, dù chưa từng được gặp Bác, nhưng tư tưởng, tầm ảnh hưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã in sâu trong tâm trí Trần Văn Trà. Trong một bài viết về Bác sau này, Thượng tướng Trần Văn Trà kể rằng, có lần tại sở mật thám Catina của Pháp ở Sài Gòn, trong khi tra tấn ông, tên trùm mật thám Đông Dương Bazin đã thốt lên: “Mày chỉ là một tên quèn mạt hạng, không đáng tao phải dơ tay. Nếu mày được bằng một phần nào của Nguyễn Ái Quốc hay Trần Phú thì tao mới phục, mới chịu thua”. Không ngờ câu miệt thị, nhục mạ của kẻ thù lại trở thành niềm phấn khích cho ông, thổi bùng lên niềm tự hào đối với lãnh tụ, thôi thúc ý chí quyết tâm. Ông tự nhủ: Tại sao ta lại không được một phần nhỏ của các đồng chí đi trước? Những người cũng “máu đỏ đầu đen” như ta tại sao lại được kẻ thù tàn bạo nhất phải nể phục, phải chịu thua? Nhất định phải noi theo tấm gương của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, của đồng chí Trần Phú. Tên Bazin có ngờ đâu khi hắn nhắc đến tên Nguyễn Ái Quốc, đối với Trần Văn Trà giống như là một câu “thần chú” ngay trong những thời khắc sinh tử, đối mặt không khoan nhượng với kẻ thù…

Từ năm 1947, chiến tranh du kích đã phát triển mạnh mẽ, rộng khắp ở các địa phương Nam Bộ. Đồng chí Trần Văn Trà lúc bấy giờ là Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Khu trưởng Khu 8, đã tổ chức thành lập đơn vị chủ lực đầu tiên mang tên Tiểu đoàn 307, nức tiếng chiến công khắp vùng. Do yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo kháng chiến ngày càng khó khăn, gian khổ, ác liệt, Trung ương chỉ thị cho Xứ ủy Nam Bộ cử người ra trực tiếp báo cáo tình hình. Đầu năm 1948, thực hiện chỉ thị của Trung ương, Xứ ủy Nam Bộ, Khu 8 thành lập đoàn cán bộ quân, dân, chính từ Đồng Tháp Mười ra Việt Bắc gặp Bác Hồ và Trung ương Đảng. Đoàn do đồng chí Trần Văn Trà làm trưởng đoàn, phụ trách quân sự; đồng chí Nguyễn Đức Thuận đại diện Xứ ủy Nam Bộ; đồng chí Trần Bửu Kiếm đại diện Ủy ban Hành chánh Nam Bộ; Tỉnh ủy Gia Định có đại diện là đồng chí Nguyễn Văn Khung; khối công đoàn có đồng chí Kiều Quế Lâm; đại diện Công giáo kháng chiến có Linh mục Nguyễn Bá Kình; lực lượng Bình Xuyên có đồng chí Lương Văn Trọng… Cuối mùa khô năm 1948, đoàn làm lễ xuất quân, lên đường.

Cuộc hành trình từ vùng sông nước Nam Bộ ra tận núi rừng Việt Bắc thật gian nan, nguy hiểm, nhưng ai cũng háo hức lên đường để được gặp Bác Hồ, được báo cáo với Bác và Trung ương tình hình kháng chiến và tấm lòng đồng bào Nam Bộ đối với Người. Đoàn cử một trung đội vũ trang đi theo bảo vệ. Trực tiếp đồng chí Trần Văn Trà chỉ huy công tác trinh sát, chiến đấu, mở đường và làm công tác dân vận, nhờ các địa phương hướng dẫn, giúp đỡ trong suốt cuộc hành trình. Đoàn đã đi bộ hơn 6 tháng liên tục vượt dãy Trường Sơn. Những đôi chân bất chấp hiểm nguy, băng qua những con suối cuồn cuộn đỏ ngầu mùa mưa lũ, chinh phục những ngọn núi cao hàng nghìn mét trong dày đặc sương mù, băng qua những vùng gió cát chang chang bỏng rát, chèo thuyền vượt biển, luồn qua vùng địch dày đặc đồn bốt… Nhọc nhằn, thiếu thốn, đói rét, ốm đau, bệnh tật… trăm ngàn gian khổ khó khăn chồng chất, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua nổi, nhưng ý chí được ra Bắc gặp Bác Hồ đã thôi thúc những trái tim mãnh liệt, phải luôn tiến về phía trước…

Chuyến đi này là một kỷ niệm sâu sắc trong đời hoạt động cách mạng của Thượng tướng Trần Văn Trà. Ông nhớ rất chi tiết mọi diễn biến trong cuộc hành trình đầy gian nan, thử thách. Có lần đoàn đã họp, thảo luận để đi đến quyết định có đi tiếp hay quay trở lại. Trong đoàn có Linh mục Nguyễn Bá Kình, sức khỏe yếu. Dù đôi bàn chân đã bật máu, cơ thể rã rời, nhưng trong cuộc họp, Linh mục Nguyễn Bá Kình đã thể hiện ý chí quyết tâm rất mạnh mẽ. Ông nói: “Tôi muốn được gặp Bác Hồ, con người suốt đời vì dân, vì nước mà đồng bào Công giáo tin theo. Dù gian khổ hiểm nghèo đến mấy, tôi cũng quyết đi tới đích để báo cáo với Người về công cuộc tham gia kháng chiến của đồng bào Công giáo…”. Thế là không có lý do gì để những đôi chân vạn dặm tìm đường quay trở lại.

Niềm tin thắng lợi theo lời Bác

Dù kẻ địch phục kích, truy đuổi, cho phi cơ giội bom, đổ lính dù xuống vây bắt ở vùng tự do Vân Đình, phía tây Hà Nội nhưng chúng đều thất bại. Đại ngàn Việt Bắc bao la hùng vĩ đã đón đoàn đến đích an toàn vào cuối năm 1948. Nhìn thấy Bác Hồ và các đồng chí tươi cười đón đoàn, mọi người quên hết vất vả mệt nhọc, chạy ùa đến bên Bác như những đứa con đi xa lâu ngày ùa vào lòng mẹ yêu thương. Trần Văn Trà đã trao tặng Bác bức tranh lụa của họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ Bác với dáng ngồi hiền từ, ôm 3 em bé thiếu nhi 3 miền Bắc, Trung, Nam chụm đầu dưới chòm râu của Bác. Đây là bức vẽ được họa sĩ Diệp Minh Châu thực hiện vào dịp Lễ Quốc khánh 2-9 tại Đồng Tháp Mười vào năm 1947, trước khi đoàn lên đường ra Việt Bắc. Trong niềm xúc động trào dâng, họa sĩ đã lấy dao rạch tay mình, lấy máu vẽ lên tấm lụa trắng, là chiến lợi phẩm bộ đội ta thu được của địch trong trận Giồng Dứa (Mỹ Tho). Cùng với bức tranh, họa sĩ Diệp Minh Châu còn gửi tới Bác Hồ một bức thư, thể hiện tình cảm của một người con đối với người Cha mà tác giả vô cùng kính trọng.

leftcenterrightdel
Bác Hồ xem bức tranh họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ bằng máu, do đồng chí Trần Văn Trà trao tặng tại Việt Bắc. Ảnh tư liệu

Cùng với bức tranh có ý nghĩa đặc biệt này, đồng chí Trần Văn Trà cũng thay mặt đoàn dâng tặng Bác khẩu súng tiểu liên do quân giới Nam Bộ sản xuất. Không khí buổi họp mặt diễn ra vô cùng ấm áp, cảm động. Bác ngồi lặng một lúc rồi khen ngợi Diệp Minh Châu, khen ngợi công nhân quân giới Nam Bộ. Bác nói: “Chúng ta phát huy sức mạnh đoàn kết cả nước, lòng quyết tâm và sáng tạo, chắc chắn chúng ta thắng”.

Sau những ngày làm việc với các ngành, các đơn vị, đoàn trở về Nam. Lúc tiễn đoàn trở về, Bác trao cho đồng chí Trần Văn Trà một thanh gươm và nói: “Bác trao cho chú thanh gươm quý này đưa về cùng đồng bào Nam Bộ diệt thù. Chú báo cáo với đồng bào rằng lòng Bác, lòng Đảng lúc nào cũng bên cạnh đồng bào. Chúng ta đồng lòng vì nước, nhất định chúng ta thắng”.

Bác nói ít, ngắn gọn. Mỗi lời của Bác là một căn cứ cho niềm tin, sưởi ấm mọi tấm lòng.

Đường về Nam gian nan, vất vả hơn nhiều so với khi đi, vì địch đã biết, chúng bố trí đón lõng, phục kích khắp nơi. Nếu lúc ra đi, lòng mong muốn được gặp Bác thôi thúc ý chí mọi người thì lúc trở về, những lời dặn dò, gửi gắm của Bác đã trở thành động lực, niềm tin son sắt, quyết chí trở lại chiến trường diệt giặc. Niềm tin thắng lợi theo lời Bác giúp đoàn vượt núi băng sông thành công, trở về Nam Bộ tiếp tục lãnh đạo đồng bào kháng chiến.

Ròng rã những năm sau đó, Nam Bộ chịu nhiều tổn thất do giặc giã và lụt lội, thiên tai. Vừa gồng mình chống “giặc đói”, vừa căng sức đánh giặc ngoại xâm, đồng bào Nam Bộ vẫn một dạ kiên trung theo Đảng, chiến đấu ngoan cường. Mỗi khi khó khăn, thử thách, đồng chí Trần Văn Trà lại truyền đạt lời căn dặn của Bác, động viên đồng chí, đồng bào xốc lại tinh thần, đồng lòng vượt khó, thi đua lao động, sáng tạo, chiến đấu, quyết tâm đi đến thắng lợi cuối cùng...

LỮ NGÀN