Cụ kể cho con cháu nghe về quãng đời hoạt động cách mạng ở Pháp, hay khi về nước là Giám đốc quân giới Nam Bộ, chế tạo súng đạn lõm diệt được nhiều xe tăng, xe cơ giới địch. Đặc biệt, cụ nhớ lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 khi Người sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau.
Cụ Lê Tâm quê làng Niêm Phò (Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế), sinh ra trong một gia đình danh gia vọng tộc. Tên cha mẹ đặt cho cụ là Nguyễn Hy Hiền. Nguyễn Hy Hiền hồi nhỏ học Trường Paul Bert cùng Nguyễn Kim Thành, tức nhà thơ Tố Hữu và Hà Văn Lâu (Đại tá, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, từ trần cuối năm 2016), rồi học tiếp Quốc học Huế. Năm 1939, chàng trai 19 tuổi ấy thi đậu thủ khoa cả tú tài toán lẫn tú tài triết, được nhận học bổng du học Pháp. Anh học trường đại học cầu đường, sau nghiên cứu thêm về toán-lý cao cấp ở Đại học Sorbonne. Cuối năm 1941, anh cùng những người bạn đang du học tại Pháp là Nguyễn Khắc Viện (bác sĩ), Phạm Huy Thông (Tiến sĩ Văn chương), Lê Văn Thiêm (Tiến sĩ Toán học)… thành lập Hội Những người Việt Nam tại Pháp. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, biết Pháp có dã tâm chiếm lại nước ta một lần nữa, anh đã đề xuất hội họp báo và rải truyền đơn chống thực dân Pháp, sau sự việc này anh cùng Trần Đức Thảo (Thạc sĩ Triết học) bị bắt giam và anh được thả sau hai tháng. Năm 1946, phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Pháp đàm phán ở Fontainebleau, anh cùng Phạm Huy Thông được hội chỉ định giúp đỡ đoàn, tìm tài liệu cho các ông Phạm Văn Đồng (trưởng phái đoàn), Tạ Quang Bửu, Phan Anh để đàm phán về kinh tế.
|
|
Nhà giáo Lê Tâm (thứ hai, từ phải sang) cùng đồng nghiệp, học trò cũ tại tư gia, tháng 6-2018. Ảnh: QUANG PHẠM |
Hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức chiêu đãi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Pháp Maurice Thorez, khách mời hàng trăm người, trong đó có nhiều trí thức nổi tiếng như nhà bác học nguyên tử Joliot Cuire, nhà hóa học đoạt giải Nobel Irene Cuire, nhà thơ Aragon... Trước đó, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đưa cho Phạm Huy Thông và Nguyễn Hy Hiền hai bản nhạc “Tiến quân ca” và “Thiên thai” của tác giả Văn Cao đem từ trong nước sang. Ông Phạm Văn Đồng nói: Trong buổi chiêu đãi của Bác tuần sau nên có ai đó hát một bài ca Việt, không lẽ lại hát bài Quốc ca, chỉ có bài “Thiên thai” là hợp, các anh cố gắng tìm được người hát bài này. Hai người bàn nhau: Khó mà tìm được một ca sĩ chuyên nghiệp Việt kiều ở Paris. Vợ anh Phạm Huy Thông là chị Denise vốn là diễn viên ở Viện Nhạc kịch thành phố cũng bập bẹ biết tiếng Việt, có thể đảm nhiệm việc này. Nguyễn Hy Hiền ngày ấy là kỹ sư cầu đường mới tốt nghiệp loại xuất sắc, song anh rất say mê âm nhạc, chơi được đàn piano, thế là anh xin đứng ra hướng dẫn cho Denise hát. Đến buổi tiệc, sau khi trà bánh, nói chuyện và tặng hoa tất cả các quý bà trong hội trường lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến trước cử tọa nói: “Hôm nay, tôi xin giới thiệu một cháu người Pháp làm dâu Việt Nam, tặng các bạn một bài ca hiện đang nổi tiếng ở Hà Nội”. Denise duyên dáng trong bộ váy áo dạ hội, tươi cười đến trước Bác Hồ, nói tiếp: “Xin cảm ơn ngài Chủ tịch đã giới thiệu, tôi chưa nói giỏi tiếng Việt nhưng cũng xin hát một bài hát Việt mới học được tuần này”. Khi Denise vừa đứng trước micro, tiếng piano đánh nốt “la” khe khẽ vang lên sau bức màn, rồi chị cất tiếng hát bài “Thiên thai” rất đúng “tông”. Ấy là Nguyễn Hy Hiền theo quy ước từ trước với chị, đã đứng sau màn rộng che lấp cái piano bí mật đặt trong đó và gõ lên một nốt chuẩn. Tiếng hát của Denise ngân vang hào hứng, đến khi kết thúc lập tức có tràng pháo tay nổi lên tán thưởng. Bác Hồ vui vẻ đến bên cô ca sĩ nghiệp dư khen ngợi và tặng bánh kẹo.
Kỹ sư Lê Tâm sau này trở về nước theo lời kêu gọi của Bác Hồ vào bưng biền Nam Bộ và lập được chiến công xuất sắc. Tháng 2-1947, ông được giao nhiệm vụ Giám đốc quân giới Nam Bộ, nghiên cứu chất nổ phá cầu, đồn bốt địch. Đến đầu năm 1951, những nghiên cứu của quân giới Nam Bộ đã thành công ngoài mong đợi, nhất là với súng đạn lõm SS (còn gọi là súng Rừng Sác) làm cho quân Pháp vô cùng khiếp sợ, sau này trở thành công trình khoa học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 (năm 1996).
PHẠM QUANG ĐẨU