Trở thành sĩ quan trên đất Campuchia

Phan Văn Hùng sinh năm 1966, lớn lên tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tháng 8-1984, Phan Văn Hùng lên đường nhập ngũ, huấn luyện chiến sĩ mới tại Tiểu đoàn 719 thuộc Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng. “Sau khi kết thúc khóa huấn luyện, ngày 3-11-1984, 150 chiến sĩ mới, trong đó có tôi, được lệnh hành quân sang thực hiện nhiệm vụ tại Campuchia. Đó là lần đầu tiên Lâm Đồng có số quân đi làm nhiệm vụ ở Campuchia với quy mô tập trung và số lượng đông đến thế”, Đại tá Phan Văn Hùng nhớ lại.

Tại Campuchia, chiến sĩ Phan Văn Hùng được biên chế về Tiểu đoàn 2, Đoàn quân sự 5503, Mặt trận 579 (Quân khu 5), đóng quân tại thị xã Stung Treng, tỉnh Stung Treng. Trong trí nhớ của ông, thị xã nằm cạnh ngã ba sông, nơi sông Sê Kông đổ vào sông Mê Công. Một phố thị nhỏ bé, hiu hắt, tàn tạ vừa thoát khỏi thời kỳ đen tối của chế độ diệt chủng Pol Pot và chiến tranh khốc liệt.

leftcenterrightdel
Đại tá Phan Văn Hùng. 

Về đơn vị một thời gian ngắn, ông được cử đi đào tạo sĩ quan tại Trường Quân chính Mặt trận 579 cách thị xã Stung Treng khoảng 3km. Khóa học có khoảng 100 học viên được tuyển chọn từ các đơn vị trong toàn mặt trận về học tập. Cơ ngơi của trường chỉ là những mái nhà bạt, nhà tranh tạm bợ. Một số cán bộ, chỉ huy được điều động từ chiến trường về trường làm giáo viên trực tiếp giảng dạy, một bộ phận khác từ Trường Quân chính Quân khu 5 sang. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên, học viên của nhà trường luôn hăng say dạy và học, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Đại tá Phan Văn Hùng kể: “Tôi nhớ như in hình ảnh Thượng tá Lê Minh Châu, sau này là Thiếu tướng, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 5. Hiệu trưởng Châu là người từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tuy chiến tranh đã lấy đi cánh tay phải của ông nhưng với tinh thần quốc tế cao cả, ông đã xung phong sang Campuchia đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng. Ông luôn để lại ấn tượng sâu sắc đối với cán bộ, giáo viên và đội ngũ học viên chúng tôi về tinh thần tận tụy, mẫu mực; vốn kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn phong phú”.

Tháng 12-1985, các học viên của Trường Quân chính Mặt trận 579 tốt nghiệp, về các đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Riêng học viên Phan Văn Hùng khi tốt nghiệp được phong quân hàm Thiếu úy. “Với tôi, trở thành sĩ quan trên chiến trường là dấu ấn đặc biệt trong quãng đời binh nghiệp. Việc mở trường đào tạo cán bộ, sĩ quan trên nước bạn, giữa bốn bề rền vang tiếng súng cùng với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn có lẽ là sự kiện có một không hai, phản ánh quyết tâm, chủ trương cũng như tầm nhìn độc đáo, vượt trội về công tác đào tạo và nghệ thuật quân sự của Quân đội ta”, Đại tá Phan Văn Hùng khẳng định.

Những kỷ niệm không quên

Trở về đơn vị, Thiếu úy Phan Văn Hùng được bổ nhiệm giữ chức Trung đội trưởng, chỉ huy đơn vị tham gia công tác dân vận, xây dựng chính quyền cơ sở và chiến đấu chống lại lực lượng Pol Pot. Tại chiến trường Stung Treng, ông đã cùng đồng đội đi qua những năm tháng gian khổ, khốc liệt trên đất nước chùa tháp, tham gia hàng trăm trận đánh, giành được nhiều chiến thắng nhưng cũng nếm trải không ít thất bại. Vào thời điểm đó, dù các đơn vị chủ lực của Pol Pot đã bị đánh bại, tan rã nhưng tàn quân của chúng thì vẫn còn và không ngừng tấn công, chống phá chính quyền non trẻ nước bạn và các đơn vị bộ đội, chuyên gia của ta sang giúp bạn.

Thủ đoạn thường xuyên của chúng là lợi dụng địa hình rừng núi hoang vu, hiểm trở, dân cư thưa thớt để xây dựng căn cứ bí mật, có cơ hội là trà trộn vào trong dân, cấu kết với một số thành phần “hai mặt” trong bộ máy chính quyền cơ sở, thường xuyên tổ chức các đợt tập kích, phục kích vào đơn vị đóng quân hoặc đội hình hành quân, đội hình công tác của ta, tổ chức cướp bóc, khủng bố, giết hại người dân và cán bộ nhằm gieo rắc nỗi lo sợ trong dân chúng. Khi bị phát hiện, truy kích, chúng sẽ chạy vào rừng ẩn nấp và chống trả quyết liệt, gây nhiều khó khăn, tổn thất cho ta.

Đầu năm 1986, nguồn tin từ lực lượng trinh sát của ta báo về cho biết, có một nhóm tàn quân Pol Pot từ biên giới Campuchia-Thái Lan trở về hoạt động tại huyện Thala Barivat thuộc tỉnh Stung Treng. “Nhận được lệnh, trung đội tôi gồm 15 cán bộ, chiến sĩ trang bị đầy đủ vũ khí, lương thực lập tức lên đường. Sau khi hành quân tới vị trí tập kết, chúng tôi bắt đầu khảo sát, nghiên cứu địa hình và phát hiện một con đường mòn mới mở trong rừng rậm.

Nhận định đây là đường mòn mà tàn quân Pol Pot sử dụng để di chuyển, chúng tôi quyết định triển khai đội hình phục kích, bố trí hỏa lực, chia thành hai tổ thay nhau mật phục suốt ngày đêm. Sau 5 ngày bám trụ, khi mọi hy vọng tưởng như đã kết thúc thì nhóm tàn quân Pol Pot bỗng xuất hiện trên đường mòn. Khi quân địch lọt vào trận địa, tôi ra lệnh cho anh em nổ súng tấn công, địch hoàn toàn bị bất ngờ, chúng chống trả yếu ớt và bị đơn vị tiêu diệt hoàn toàn”, Đại tá Phan Văn Hùng kể.

leftcenterrightdel

 Chiến sĩ Phan Văn Hùng (người đứng, đội mũ) cùng đồng đội tại Campuchia, năm 1985. Ảnh chụp lại

Bên cạnh những trận đánh giành thắng lợi, Đại tá Phan Văn Hùng cùng đồng đội cũng phải nếm trải không ít khó khăn, thất bại trong chiến đấu. Ông chia sẻ: “Một lần, trung đội tôi tham gia công tác dân vận tại một phum (làng) hẻo lánh. Theo quy luật, mỗi tuần, dân làng sẽ tập trung đi làm rẫy xa vài ngày vào một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, có một lần chúng tôi thấy người dân đi làm rẫy sớm hơn thường lệ. Linh tính mách bảo có điều gì đó bất thường, tôi lệnh cho trung đội triển khai đội hình chiến đấu, sẵn sàng đánh địch ngay trong đêm. Dù đã chuẩn bị trận địa rất chu đáo với tinh thần quyết tâm cao nhưng chờ cả đêm vẫn không thấy quân Pol Pot hành động. Ngày hôm sau, khi đơn vị tổ chức đi đón xe lương thực tiếp tế thì bị chúng tập kích. Chiếc xe cùng toàn bộ số lương thực chở theo bị địch bắn cháy. Rất may, chỉ một số anh em bị thương. Sau này, khi tra hỏi tù binh, chúng tôi mới biết, sở dĩ hôm ấy tàn quân Pol Pot không đánh vào làng là do chúng cho một số tên trèo lên cây trinh sát, khi nhìn vào làng, chúng phát hiện chúng tôi đã thu dọn tăng, võng. Trước đó, chúng đã báo tin với một số dân làng là sẽ tấn công, yêu cầu người dân rời khỏi làng. Tuy nhiên, vào phút cuối, biết chúng tôi đã nắm được ý đồ của chúng nên chúng quyết định không tấn công nữa mà chuyển sang phục kích khi đơn vị di chuyển. Đó là bài học lớn đối với tôi về công tác giữ bí mật và nghi binh địch”.

Năm 1988, Phan Văn Hùng trở về nước, giữ chức vụ Trợ lý tác chiến của Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng, rồi đảm nhiệm nhiều cương vị khác trong các đơn vị trực thuộc Bộ CHQS tỉnh. Trước khi nghỉ hưu, ông là Đại tá, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng. 40 năm đã trôi qua kể từ ngày cùng đồng đội đặt chân lên đất nước chùa tháp, nhưng kỷ niệm về những ngày tháng chiến đấu gian khổ, hào hùng ở nước bạn vẫn còn in đậm trong ký ức của Đại tá Phan Văn Hùng và mỗi khi nhắc tới lại khiến ông rưng rưng xúc động.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG