Cựu chiến binh Trần Hữu Quân là con trai của nhà báo Trần Hữu Tòng, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa - Thông tin cơ sở (nay là Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), người có 20 năm (từ 1969 đến 1989) là phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Tôi đến thăm cựu chiến binh Trần Hữu Quân tại nhà riêng ở phố Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ông Quân kể: “Năm 1987, bố tôi 50 tuổi, là Trung tá, phóng viên Phòng Văn hóa - Văn nghệ (nay là Phòng biên tập Văn hóa-Thể thao) của Báo Quân đội nhân dân, lúc đó bác Phạm Phú Bằng là Trưởng phòng.
Chiến trường Vị Xuyên diễn biến ác liệt, bố tôi cùng một số phóng viên theo xe của tòa soạn di chuyển lên Hà Giang để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền. Tôi vẫn nhớ, khi tôi gặp bố ở chiến trường, trên lưng bố là chiếc ba lô đựng máy ảnh, bộ quần áo và cuốn sổ, hông đeo khẩu súng ngắn hành quân ra mặt trận. Tôi nghe bố kể, khi được giao nhiệm vụ, bố háo hức lắm. Háo hức hơn cả những chuyến được theo các đơn vị vào Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, giải phóng Quảng Trị, chiến trường cực Nam Trung Bộ... năm xưa. Bởi chuyến đi lên Mặt trận Vị Xuyên lần này, bố được thăm tôi đang thực hiện nhiệm vụ ở trên điểm chốt hang Dơi của Trung đoàn 165”...
|
|
Chiến sĩ Trần Hữu Quân (bên trái) và bố - nhà báo Trần Hữu Tòng tại hang Dơi, Vị Xuyên, Hà Giang, năm 1987. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Một ngày đầu tháng 9-1987, biết tin bố lên thăm, đơn vị đã cho Trần Hữu Quân và một chiến sĩ tên Hồng ra đón tại thôn Nà Cáy, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang). Bữa cơm đầu tiên tại Vị Xuyên của nhà báo Trần Hữu Tòng là tại hang Dơi. Bữa cơm ấy, đồng chí Lê Văn Phương (đồng hương Hà Nội, bạn thân của Quân tại trường Chu Văn An) đã “chiêu đãi” bố của bạn món canh củ mài mới tìm được trong buổi đào công sự, rau rừng nấu với thịt hộp ăn với nắm bột mì luộc và xôi nếp. Món xôi ngũ sắc là quà đặc biệt của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thanh Thủy do chị Chủ tịch Hội Chúng Thị Phà mang lên tặng.
Ăn cơm xong, nhà báo Trần Hữu Tòng đem máy ảnh Ki-ép ra để chụp ảnh cho các chiến sĩ. Nhưng lần nào đưa máy lên ngắm, Phương cũng quay mặt đi. Phương nói: “Cháu vừa bị sốt rét, mặt cháu bị phù. Cháu xin hẹn chú lần sau”. Đâu ngờ, khi nhà báo Trần Hữu Tòng trở về tòa soạn hơn một tháng thì nhận được thư của Quân. Quân báo Phương đã hy sinh ngày 10-10-1987 bên suối Thanh Thủy, lúc ra đón đồng đội chuyển vũ khí và thư, báo lên. Vậy là chiến sĩ Phương không có tấm ảnh nào để lại. Điều này khiến nhà báo Trần Hữu Tòng áy náy đến mãi về sau.
Trước khi di chuyển sang những nơi khác để làm nhiệm vụ của người phóng viên, nhà báo Trần Hữu Tòng muốn chụp cùng con trai một bức ảnh. Vậy là nhà báo đã nhờ Hạ sĩ Hoàng Văn Hùng, Tiểu đội trưởng chụp cho hai bố con một tấm hình để làm kỷ niệm. “Bố dặn tôi rằng anh em chịu được, mình cũng chịu được, phải giữ gìn kỷ luật. Bố mẹ và gia đình tự hào vì tôi, mong tôi giữ gìn sức khỏe, hoàn thành nhiệm vụ và trở về lành lặn. Bố ngồi tại cửa hang, trầm ngâm lâu lắm. Lúc đó tôi rất tự hào với đồng đội vì có bố là sĩ quan Quân đội, là nhà báo và được gặp bố ở giữa chiến trường”, ông Quân kể.
Tháng 7-2020, cựu chiến binh Trần Hữu Quân đưa bố trở lại hang Dơi thăm chiến trường xưa. Sau 33 năm, con dìu bố đi từng bước chầm chậm trên lối xưa. Đọc hai câu thơ: “Hang Dơi Thanh Thủy vùng biên máu/ Đồng đội nằm đây xin chớ quên” mà mình tặng con trai và đồng đội 33 năm trước, giờ đã được hội cựu chiến binh khắc lên đá đặt trước cửa hang Dơi, nhà báo Trần Hữu Tòng rưng rưng nước mắt. “Giờ đây, bố đã mất, mỗi lần nhớ bố, tôi lại lấy bức ảnh hai bố con chụp với nhau ở hang Dơi, Thanh Thủy ra xem, thế là bao nhiêu ký ức lại ùa về!”, ông Quân chia sẻ.
HUYỀN TRANG