Theo giới thiệu của các cựu chiến binh tổ 12, phường Thắng Lợi, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên và sự giúp đỡ của gia đình, chúng tôi đã gặp cựu chiến binh Vũ Đình Ới, khi ông đang điều trị tại Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện C (tỉnh Thái Nguyên). Tuy tuổi cao song trí nhớ còn tốt nên ông đã kể lại với chúng tôi kỷ niệm trong những ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tháng 8-1952, thanh niên Vũ Đình Ới, sinh năm 1934, quê ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương (nay là phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nhập ngũ và được biên chế về Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 12). Qua nhiều lần kiểm tra, đầu năm 1954, chiến sĩ Vũ Đình Ới được điều động làm nhiệm vụ tại Mặt trận Điện Biên Phủ.
Ông Ới cho biết: “Nhiệm vụ của tôi là truyền đạt bằng miệng lệnh, mệnh lệnh, chỉ thị... và phải chính xác từng câu, không được để “rơi chữ” và không làm thất lạc thông tin. Cụ thể, mỗi khi cần truyền mệnh lệnh tới cấp dưới, cấp trên giao nhiệm vụ cho 3-4 chiến sĩ không được cầm giấy tờ, văn bản, tài liệu mà phải học thuộc nội dung chỉ thị, mệnh lệnh của trên. Cấp trên kiểm tra chính xác nội dung thì các chiến sĩ liên lạc mới bắt đầu thực hiện nhiệm vụ...”.
Việc chỉ huy các chiến sĩ liên lạc truyền đạt được giao cho một cán bộ. Khi chiến sĩ thứ nhất đi được khoảng 5-10 phút thì chiến sĩ thứ hai nhận lệnh lên đường. Chiến sĩ thứ ba cũng đi với độ chênh lệch thời gian tương tự... Khi chiến sĩ thứ nhất truyền đạt lệnh tới người nhận, họ phải ngồi chờ cho đến khi người thứ hai tới truyền đúng lệnh đó thì mới được về. Lần lượt như vậy cho đến khi hết người truyền đạt. Điều đặc biệt là các chiến sĩ truyền đạt không biết ai được giao làm việc cùng với mình và chỉ biết làm nhiệm vụ của mình. Nếu cấp trên giao cho ai truyền đạt thì người đó đến gặp cấp trên để học lệnh, mệnh lệnh...
Có lẽ nhờ có thời gian làm nhiệm vụ truyền đạt nên dù ở tuổi 90 nhưng ông Vũ Đình Ới vẫn nhớ như in 56 ngày đêm “ăn hầm, ngủ hào”, thậm chí là cả những mệnh lệnh mà ông từng truyền đạt. Ông nhớ lại: “Khi đánh đồi Him Lam, tôi được cấp trên giao nhiệm vụ truyền lệnh tới đồng chí Nhụy, Chính trị viên Đại đội 3 với nội dung: Đại đội 3 ngăn chặn không cho địch tiến lên phía trước và cũng không cho địch lùi về phía sau. Vào 20 giờ ngày 6-5-1954, tôi có nhiệm vụ truyền lệnh của cấp trên tới đồng chí Dương Quốc Long, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, nhanh chóng rời khỏi đồi D1 về chân đồi D2 đào công sự và chờ lệnh, đồng thời lệnh cho toàn đơn vị sẵn sàng tổng công kích trận đánh cuối cùng ở Điện Biên Phủ khi có tiếng bộc phá nổ...”.
Có một kỷ niệm ông Vũ Đình Ới nhớ mãi, đó là vào chiều tối 6-5-1954, đồng chí bí thư chi bộ thông báo ông cùng 3 đồng chí được đồng chí Trần Quân Lập, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung đoàn 209 ký quyết định kết nạp vào Đảng. Tuy nhiên, do điều kiện chiến trường, phải đến ngày 10-10-1954, chiến sĩ Vũ Đình Ới mới được tổ chức lễ kết nạp Đảng.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Vũ Đình Ới được phong quân hàm Thiếu úy, Quyền Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 154, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Tháng 1-1967, ông được cấp trên điều động biệt phái làm giảng viên Phòng Quân sự-Thể dục (nay là Khoa Giáo dục Quốc phòng), Trường Đại học Mỏ-Địa chất. Đến năm 1979, ông nghỉ hưu.
Trong quá trình công tác, ông Vũ Đình Ới được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Ba; 1 Huy chương Chiến thắng hạng Ba; 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; nước bạn Lào tặng Huy chương Hữu nghị và nhiều phần thưởng cao quý khác.
NGUYỄN KIÊN THÁI