Đường đến Điện Biên Phủ

Dù đã bước sang tuổi 87, song vẻ đẹp, nét duyên dáng, xuân sắc như vẫn còn nguyên vẹn với NSƯT Trần Ngà, nhất là giọng nói nhỏ nhẹ như thủ thỉ, tâm tình khiến mỗi câu chuyện bà kể càng lôi cuốn người nghe. 46 năm quân ngũ, bà đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử; vinh dự là đại biểu thanh niên Việt Nam dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ VI diễn ra tại Moscow (Liên Xô), năm 1957; nhiều lần được phục vụ Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đón tiếp khách quốc tế... Chúng tôi gặp bà tại nhà riêng ở khu tập thể C2 (Trần Phú, Hà Nội) và được nghe bà kể lại những câu chuyện năm xưa...

Đầu năm 1951, Trần Ngà rời quê hương Hải Dương theo gia đình tản cư lên Yên Thế, Bắc Giang. Một lần tình cờ, khi đến thăm gia đình người bạn thân, phát hiện ra năng khiếu nghệ thuật của cô nữ sinh lớp 7, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã tuyển chọn Trần Ngà về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị (bấy giờ là Tổng đội Văn công). Theo lời kể của nghệ sĩ Trần Ngà, các diễn viên của đoàn chưa chuyên biệt theo từng loại hình nghệ thuật nên mỗi người có thể làm nhiều nhiệm vụ cùng lúc như hát, múa, diễn kịch, chơi đàn...

leftcenterrightdel

 

Nghệ sĩ Trần Ngà (hàng đầu, thứ hai, từ phải sang) vinh dự chụp ảnh cùng Bác Hồ và khách quốc tế tại nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bước vào Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự chỉ huy, dẫn dắt của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đoàn văn công xung kích của Tổng cục Chính trị gồm 20 người, trong đó có Trần Ngà lên đường đi Tây Bắc. Họ hành quân theo đội hình của Đại đoàn 308, mang trên mình nào quân tư trang, quần áo biểu diễn, bao tượng đựng gạo... rồi cả cuốc, xẻng để có thể sẵn sàng tự đào hầm cá nhân khi có lệnh. Trung bình mỗi ngày, đoàn phải vượt khoảng 30km đường rừng. Bà Ngà tâm sự: “Đó là cuộc hành quân gian khổ vô cùng. Chúng tôi đi gần như suốt đêm, đến 2, 3 giờ sáng. Nhiều lúc các cô đổ gục vào nhau vì quá mệt. Đến điểm dừng chân, khi tìm được một bãi đất phẳng, chúng tôi phạt cây, đào hầm, trải lá, đặt lưng xuống mà thả lỏng cơ thể. Gian nan, vất vả là vậy, thế nhưng khi đứng trước các chiến sĩ, chúng tôi lại hát, múa hết mình để cổ vũ tinh thần, giúp các thương binh bớt đau, các chiến sĩ bớt nhớ nhà và cũng là cổ vũ tinh thần cho chính mình”.

Theo lời kể của bà Ngà, thường sau khoảng hơn một tiếng hành quân thì toàn đội hình sẽ nghỉ ngắn 15 phút. Lúc này, văn công nhanh chóng “dựng sân khấu” để biểu diễn cho bộ đội xem. “Đoàn chúng tôi ngoài anh Đỗ Nhuận còn có nhạc sĩ Văn Chung và một số nhạc công. Các anh sáng tác bài gì là phổ biến ngay, chúng tôi tranh thủ học, luyện tập rồi biểu diễn phục vụ bất cứ lúc nào có điều kiện thuận lợi. Ban đầu tôi chưa quen, cứ thấy mọi người bảo nhau đi là đi, mà chẳng biết đi đâu. Đường rừng, đêm tối, muỗi vắt khắp nơi, lại thêm cả bom đạn địch rình rập, tôi đã bật khóc không ít lần”, bà Ngà nhớ lại.

Đâu có giặc là ta cứ đi

Đối với một thiếu nữ tuổi mới 16 hồi ấy thì những cảm xúc đó là điều dễ hiểu. Ngày nghỉ, đêm đi mãi rồi cô cũng quen, lại thấy vui khi được chuyện trò với các anh bộ đội, được hòa mình trong đoàn quân tiến ra mặt trận. Ai cũng trẻ trung, sôi nổi và hừng hực khí thế nên dường như những mệt mỏi, căng thẳng đều bị bỏ lại phía sau. Bấy giờ, bộ đội chưa được phổ biến sẽ đi đâu, làm gì, chiến đấu ra sao, chỉ nghe cấp trên thông báo đi Chiến dịch Trần Đình. Thế mới có chuyện, trong lúc giải lao, một số chiến sĩ nêu thắc mắc: “Đi đâu, làm gì chẳng nói, cứ Trần Đình, Trần Đình. Thế Trần Đình ở đâu?”. Rồi có tiếng trả lời dứt khoát của một chiến sĩ khác: “Các cậu thắc mắc làm gì, đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi”... Đoàn văn công, trong đó có nhạc sĩ Đỗ Nhuận ngồi bên cạnh, nghe được cuộc trò chuyện, liền nảy ra tứ để phát triển và sáng tác ca khúc “Hành quân xa”.

“Trên đường hành quân, anh Đỗ Nhuận nhanh chóng hoàn thành ca từ cùng giai điệu và cho chúng tôi tập luyện để biểu diễn. Đến bây giờ, tôi vẫn luôn thấy mình may mắn được là một trong những người đầu tiên thể hiện ca khúc vang mãi với thời gian này của anh”, NSƯT Trần Ngà hạnh phúc kể, rồi bà ngân nga hát: “Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ/ Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi/ Mắt ta sáng, chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước/ Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi...”.

Đến Điện Biên Phủ, đoàn văn công của bà chia ra thành từng tổ 3 người đi biểu diễn tại các hầm, hào. Thời điểm cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, Đoàn văn công Tổng cục Chính trị chỉ có 3 người là nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nghệ sĩ accordion Trần Ngọc Sương và nghệ sĩ kèn trumpet Nguyễn Tiến được trực tiếp có mặt tại giao thông hào để biểu diễn, đồng thời có thể tham gia chiến đấu nếu phát sinh tình huống. Các Đại đoàn như: 308, 312, 316... đều có văn công riêng đi theo đơn vị. Nghệ sĩ Trần Ngà kể: “Vậy là các cô dừng biểu diễn, ở lại tuyến sau tập luyện các tiết mục rồi tham gia làm đoạn đường dài 10km dẫn vào sở chỉ huy ở Mường Phăng. Chúng tôi cũng ra suối cào cát, sỏi, cuốc đất để gánh về đắp nền đường. Tôi nhớ, khoảng 5 ngày trước khi kết thúc chiến dịch, đoàn chúng tôi đến biểu diễn tại sở chỉ huy, có cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các cố vấn Trung Quốc dự. Tiết mục múa xòe Thái gồm 3 nữ, 1 nam đang biểu diễn thì Đại tướng đến. Vỗ vai đồng chí nam mặc váy của đồng bào dân tộc Thái, Tổng Tư lệnh hỏi tại sao lại mặc như vậy. Sau khi nghe giải thích là do đoàn thiếu diễn viên nữ nên để đủ người, diễn viên nam phải đóng giả gái. Đại tướng cười, nói vui: “Khán giả ngồi xem gần thế này thì lộ hết bí mật rồi còn gì!”. Lúc sau, Đại tướng gọi anh Đỗ Nhuận ra ngoài gặp riêng”. 

leftcenterrightdel
 Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ngà. Ảnh: NGỌC MAI

Đêm ấy, trở về nơi nghỉ, anh chị em trong đoàn thấy nhạc sĩ Đỗ Nhuận bỏ cả ăn, một mình ngồi bên góc bếp nhà sàn, thỉnh thoảng tay cầm đàn búng búng, còn miệng thì âm ư hát. Trần Ngà đến hỏi thăm thì biết chuyện buổi chiều, nhạc sĩ vừa được Đại tướng dặn: “Đỗ Nhuận phải nhanh sáng tác một bài về Điện Biên giải phóng đi nhé”. Nghe vậy, Trần Ngà vội chạy về báo tin vui cho mọi người. Tổng Tư lệnh đã nói thế, chiến thắng chắc chắn sẽ nay mai thôi. “Hôm sau, anh Đỗ Nhuận mang theo chiếc vỏ bao thuốc lá trên đó có ghi lời bài hát mới sáng tác, anh gọi chúng tôi tới rồi hát cho nghe những ca từ đầu tiên. Ai cũng thấy hay và đề nghị anh dạy ngay. Anh hát câu nào, chúng tôi hát theo câu đó. Thuộc bài là đoàn biểu diễn cho bộ đội nghe luôn. Vừa hành quân chúng tôi vừa hát phục vụ bộ đội, trong khi ấy, nhạc sĩ Đỗ Nhuận còn tiếp tục viết lời hai cho ca khúc. Một ngày sau chiến thắng, bài hát đã được nhạc sĩ Đỗ Nhuận hoàn thành trọn vẹn”, NSƯT Trần Ngà nhớ lại.

Câu chuyện mà nghệ sĩ Trần Ngà chia sẻ chính là hoàn cảnh ra đời bài hát “Chiến thắng Điện Biên” nổi tiếng. Vừa xuất hiện, bài hát đã nhanh chóng được phổ biến khắp mặt trận như một sự khích lệ, động viên các chiến sĩ quyết tâm chiến đấu thắng lợi. Giờ đây, nhớ lại những ngày tháng ấy, nhất là giây phút nhận được tin chiến thắng, ánh mắt người nữ văn công sắp bước vào tuổi thượng thượng thọ vẫn bừng lên niềm hạnh phúc xen lẫn tự hào. Bà xúc động kể: “Chiều tối 7-5, như thường lệ, chúng tôi ra suối gánh cát đắp đường thì thấy trên đỉnh dốc có anh bộ đội đang hối hả đạp xe đến. Một tay anh giơ cao vẫy vẫy, miệng liên tục hô vang: “Chiến thắng rồi! Điện Biên giải phóng rồi!”. Mọi người nhảy lên vui mừng, quăng hết quang gánh trên vai xuống, ôm chầm lấy nhau mà nói, mà cười, mà khóc trong niềm hạnh phúc vô biên!”.

BẢO LINH