Mặc dù bị tấn công bất ngờ, nhưng các LLVT ta ở tuyến biên giới đã khẩn trương triển khai lực lượng chiến đấu tại chỗ, kiên quyết ngăn chặn, đánh trả các mũi tiến công của địch nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Ngay sáng 1-5-1977, chỉ huy Sư đoàn 330, Quân khu 9 đã lệnh cho toàn Trung đoàn 1-U Minh chúng tôi nhanh chóng cơ động lên biên giới thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Chúng tôi là đơn vị bộ binh nhưng đánh theo lối của đặc công, cơ động rất nhanh, chủ yếu là “đánh lướt”, nên lúc thì Tân Châu, Khánh An, Khánh Bình, khi thì Cầu Sắt, Núi Sam, Tịnh Biên, núi Phú Cường, Tri Tôn (An Giang), Giang Thánh, Hòn Heo, Hà Tiên (Kiên Giang)... Đến cuối năm 1978, tôi được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 2 (thành lập trên cơ sở Tiểu đoàn 307 trước đây), Trung đoàn 1. Anh Mai Quang Phấn (sau này là Thượng tướng, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) là Chính trị viên Đại đội.

Bấy giờ, Đại đội 2 của tôi được lệnh tiến công về hướng thủ đô Phnom Penh. Mục tiêu trước mắt là truy quét, tiêu diệt quân địch đồn trú ở dãy Bà Ca thuộc huyện R’Mia, tỉnh Tà Keo. Tôi nhớ trận đánh khoảng 3 ngày trước khi nước bạn được giải phóng, chỉ sau loạt pháo mở màn, bộ binh chúng tôi đã nhanh chóng tiến công làm chủ mục tiêu rồi tiếp tục phát triển vào căn cứ R’Mia. Tận dụng thời cơ thuận lợi, Đại đội 2 của tôi cơ động theo Quốc lộ 2, đánh chiếm sân bay Pochentong. Chúng tôi đánh đến đâu, địch đều không chống cự nổi, bỏ lại vũ khí, trang bị, chạy tán loạn đến đó. 18 giờ ngày hôm ấy, đại đội tôi đánh tới trung tâm thủ đô Phnom Penh. Đến đây, địch kháng cự yếu rồi cũng tháo chạy. Hợp cùng các hướng, ta làm chủ hoàn toàn thủ đô Phnom Penh.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Trịnh Xuân Nại (bên trái) cùng đồng đội xem lại kỷ vật hồi chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Ảnh: TUẤN TÚ 

Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ bị lật đổ, song tàn quân địch còn ngoan cố. Chúng cho từng tốp nhỏ lẻ tập kích vào vị trí đóng quân của ta, rồi cho quân phá cầu, gài mìn cản trở xe tăng ta phát triển lên phía Tây Bắc Phnom Penh. Chúng tôi được lệnh phải nêu cao tinh thần cảnh giác, quân Pol Pot vẫn chưa từ bỏ tham vọng của mình. Chúng chủ trương thực hiện chính quyền “hai mặt”. Ban ngày thì chúng trà trộn như những người dân bình thường, nhưng khi đêm đến là từng toán trang bị vũ khí tìm cách tấn công ta...

Sang tháng 2-1979, chúng tôi vào địa phận tỉnh Pursat. Tại đây, địch lợi dụng rừng núi ẩn náu, chống trả mạnh hơn. Thực hiện mệnh lệnh của Trung đoàn, Tiểu đoàn 2 tổ chức đánh phản kích địch trên hướng Tây, cách huyện lỵ Krakor (tỉnh Pursat) khoảng 5km. Qua hơn một giờ chiến đấu, chúng tôi đã đánh thẳng vào khu vực chỉ huy, chia cắt đội hình địch. Bị bất ngờ, quân địch bỏ chạy trong hoảng loạn, trốn vào rừng. Ta tiêu diệt tại chỗ 49 tên địch, thu 31 súng các loại. Đến ngày 14-2-1979, trên đường hành quân truy quét địch ở hướng Đông và Đông Bắc Krakor nhằm mở rộng hành lang hoạt động theo chỉ đạo của trên, tôi không may trúng đạn địch, bị gãy tay, được đưa về đội phẫu, sau đó về nước điều trị.

Tôi bàn giao đơn vị cho đồng chí Thường, Phó đại đội trưởng chỉ huy. Ngày 18-2-1979, đang ở Viện Quân y 121, được thông báo có thương binh từ Campuchia về, tôi vội chạy ra đón. Không ngờ trong đó, đại đội tôi có 2 cán bộ trung đội và một số chiến sĩ bị thương nặng. Hỏi tình hình Ban chỉ huy Đại đội, tôi được biết anh Mai Quang Phấn cũng bị thương, nhưng rất may mắn là chỉ bị thương nhẹ, vẫn ở lại lãnh đạo, chỉ huy Đại đội 2. Còn tôi, sau khi về nước dưỡng thương, tiếp tục được lệnh trở lại chiến trường Campuchia đảm nhiệm chức vụ Trợ lý tác chiến Trung đoàn 1. Đến tháng 12-1987, thêm hai lần bị thương nữa, sức khỏe tôi suy giảm và được trên cho về nghỉ, hưởng chế độ thương binh hạng 4/4, với quân hàm đại úy.

TRỊNH XUÂN NẠI