Đến thăm bà Bùi Thị Loan tại nhà riêng, chúng tôi được bà cho xem bức ảnh kỷ niệm thời công tác và chiến đấu của mình. Bà kể: “Năm 1972, khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi viết đơn tình nguyện tham gia thanh niên xung phong và được biên chế về Tiểu đội 1, Đại đội 915, Đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái. Nhiệm vụ của Đội là làm và tu sửa đường giao thông; vận chuyển vũ khí, lương thực, hàng hóa... từ các cảng cạn và ga Lưu Xá (Thái Nguyên). Chập tối 24-12-1972, khi tôi cùng đồng đội đang khẩn trương bốc xếp những chuyến hàng cuối cùng để chuẩn bị ăn cơm tối thì bất ngờ trên trời xuất hiện nhiều máy bay B-52 đánh phá vào khu vực ga Lưu Xá và Nhà máy Gang thép Thái Nguyên. Thấy vậy, cán bộ, đội viên Đại đội 915 nhanh chóng sơ tán xuống hầm trú ẩn có 3 cửa cách đó vài chục mét.
|
|
Bà Bùi Thị Loan tham quan lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Mường Phăng, Điện Biên). Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Khi mọi người vừa kịp chạy xuống hầm thì một loạt pháo sáng và bom trút xuống. Ngay sau đó, cả căn hầm bất ngờ rung lên vì bị bom đánh trúng. Sau tiếng nổ “long trời lở đất”, tôi nghe thấy đồng đội vừa khóc vừa hô hầm bị trúng bom. Nhiều người bị hất văng lên cao, có người lại bị ép xuống dưới vì một khối bê tông, đất đá lớn sập xuống. Trong khói bụi mù mịt, tôi lịm dần đi”.
Sau đêm hôm ấy, bà Loan được đồng đội tìm thấy và đưa ra khỏi đống đổ nát trong tình trạng bị chấn thương sọ não, giập bả vai, cánh tay và một phần xương hông phải. Lúc ấy, bà ngừng thở nên ai cũng nghĩ rằng bà đã hy sinh và chuyển vào nghĩa trang để mai táng. Khi đồng đội đang khâm liệm thì phát hiện môi bà còn động đậy nên đưa đi cấp cứu.
Sau lần trở về từ cõi chết, bà Loan được các bác sĩ chẩn đoán bị rối loạn tâm thần và mất khả năng giao tiếp. Sau hơn một năm điều trị, bà dần hồi phục và chuyển về đơn vị làm nuôi quân. Năm 1978, bà chuyển ngành làm công tác văn thư ở Xí nghiệp Phốt phát Lam Sơn (huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng).
Đầu năm 1979, bà Loan gia nhập Đội dân quân tự vệ Lam Sơn ở huyện Hòa An và tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày ngày, bà cùng đồng đội âm thầm gánh cơm, gánh nước từ hậu cứ, vượt qua những cung đường hiểm trở để tiếp tế cho các chốt. Những chuyến đi ấy không chỉ nặng nề bởi những vật phẩm trên vai mà còn bởi sự rình rập của bom đạn và cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Trong một lần thực hiện nhiệm vụ qua thôn Lũng Vài, xã Đình Phùng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, bà bất ngờ bị một mảnh đạn sượt qua vai, làm cả gánh cơm trên vai rơi xuống, cơm nước văng tung tóe khắp nơi. Do bất ngờ, bà mất thăng bằng, trượt chân ngã lăn xuống chân đồi, bị va đập mạnh và ngất đi.
Khi tỉnh lại, bà nhận ra mình đã thoát chết trong gang tấc nhưng chân bị trẹo khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Mặc dù đau đớn và kiệt sức, bà vẫn cố gắng lê bước suốt nhiều giờ, đến mãi tối muộn mới quay về được hậu cứ. Nhìn thấy bà trở về, đồng đội vui mừng bởi mọi người đi tìm bà suốt cả ngày mà không thấy, ai cũng tưởng bà đã hy sinh. Sau đó, bà hồi phục sức khỏe và tiếp tục hăng say với nhiệm vụ dù hằng ngày vẫn luôn phải đối mặt với bao gian khổ, hiểm nguy.
Sau khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc, bà Loan quay trở về xí nghiệp công tác đến năm 1998 thì nghỉ hưu. Về địa phương, bà tích cực tham gia hoạt động công tác xã hội và đảm nhiệm nhiều vị trí như: Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi bản Lắc (xã Bằng Lãng), Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Bằng Lãng...
THU HOÀI