Sau khi chuẩn bị tốt về mọi mặt, hai đội hành quân lên Tây Bắc cùng phối hợp với hai Đội TNXP 36 và 38. Đợt hành quân dài ngày lần này vô cùng vất vả. Mỗi người mang theo ba lô nặng khoảng 25kg gồm tư trang và lương thực, thực phẩm, mỗi ngày chỉ hành quân được 20-25km. Tết Giáp Ngọ 1954, chúng tôi đến Sơn La. Ban chỉ huy Đội TNXP 34 đóng quân ở Chiềng Đông, khu vực rừng cách trung tâm huyện Yên Châu (Sơn La) vài chục ki-lô-mét. Chúng tôi làm rất nhiều việc, nhưng chủ yếu và quan trọng nhất là bảo đảm giao thông. Lực lượng TNXP phá bom được chọn lựa kỹ từ sức khỏe đến phẩm chất dũng cảm, nhiệt huyết, sẵn sàng đối mặt với tử thần trong khi thực hiện nhiệm vụ. Họ được các cán bộ Quân đội huấn luyện quân sự, huấn luyện phá bom các loại...

Khi thực dân Pháp xây dựng Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chúng cho máy bay quần thảo đánh phá các tuyến đường lên Điện Biên Phủ. Chính vì thế, khi vừa lên nhận nhiệm vụ, Ban chỉ huy Đội TNXP 34 và 40 phải đi bộ khảo sát tuyến Đường 41 (từ Khu 3 và Khu 4 lên mặt trận) và Đường 13 (nối thông các tỉnh Việt Bắc với mặt trận). Sau đó họp bàn, nghiên cứu, xác định các địa điểm địch có thể đánh phá để bố trí lực lượng. Mỗi điểm bình thường bố trí 1-2 đại đội TNXP, còn những điểm địch bắn phá nhiều như: Ngã ba Mộc Châu, đèo Chiềng Đông, Tà Vài, cầu Yên Châu (Sơn La) phải bố trí 3-4 đại đội TNXP; đối với Ngã ba Cò Nòi và đèo Pha Đin... vì địch liên tục bắn phá nên phải bố trí mỗi nơi 6 đại đội TNXP và một số đơn vị cơ động để bổ sung khi có yêu cầu.

leftcenterrightdel

Tác giả đọc tư liệu lịch sử về Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: VIỆT HÀ 

Ngày 13-3-1954, khi ta bắt đầu mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, địch cho không quân tăng cường đánh phá. Ác liệt nhất vẫn là Ngã ba Cò Nòi và đèo Pha Đin, có ngày, chúng huy động đến 69 lượt máy bay B-26, B-29 ném hàng trăm quả bom. Vì những địa điểm này là “yết hầu” của tuyến đường lên Mặt trận Điện Biên Phủ nên thực dân Pháp đã biến nơi đây thành túi bom đủ loại, từ bom cháy đến bom tấn, bom bươm bướm (gây sát thương chủ yếu cho lực lượng TNXP)... Tôi còn nhớ, gần cuối tháng 3-1954, tôi được giao nhiệm vụ lên báo cáo tình hình với hai ông Nguyễn Văn Trân và Trần Đăng Ninh ở Căn cứ T100 (Mai Sơn, Sơn La). Khi cách Ngã ba Cò Nòi vài trăm mét, bỗng nhiên máy bay địch tổ chức đánh phá ác liệt. Ngay lập tức, tôi vứt xe đạp và lao vào chỗ ẩn nấp. Tiếng bom rền vang, đất đá bay rào rào, rung chuyển núi rừng. Sau hơn một giờ đồng hồ thì tiếng bom dứt, tôi liền chạy ra kiểm tra, rất may chiếc xe đạp còn nguyên vẹn. Ngước mắt về phía Ngã ba Cò Nòi, tôi chỉ thấy khói bom mù mịt, mặt đường dường như bị sụp hẳn xuống do bom, đạn cày xới. Khung cảnh tan hoang. Biết không thể đi tiếp bằng đường chính, tôi vác xe trên vai, lần theo lối mòn vòng qua Ngã ba Cò Nòi để tiếp tục đến Căn cứ T100. Khi về, tôi ghé thăm anh em. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, họ lao động hăng say, đầy dũng cảm trong sự đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau...

Nhiệm vụ bảo đảm giao thông của TNXP ở Ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin và các trọng điểm khác bị địch đánh phá vừa nguy hiểm vừa vất vả. Sau khi địch ném bom, các đội phá bom khẩn trương phá bom chưa nổ, sau đó tổ chức san lấp hố bom để bảo đảm cho việc vận chuyển thông suốt. Ở các trọng điểm, TNXP quyết tâm rất cao với tinh thần “có thể hy sinh nhưng đường lên mặt trận không thể ách tắc”. Nhiều sáng kiến thiết thực của TNXP được ứng dụng vào thực tế như: Nhồi thuốc nổ vào bao ruột tượng đặt ngang thân bom và ngòi nổ, sau khi kích hoạt nổ thì bom bị chia cắt làm hai ngay tại chỗ. Nhờ vậy, tổn thất giao thông giảm được rất nhiều, đồng thời rút ngắn thời gian khắc phục mặt đường. Hay để phá bom bươm bướm, TNXP đứng dưới hố bom rồi để cây nứa dài lên trên miệng hố, dùng sức mạnh của hai tay để quét đi, gạt lại cây nứa khiến bom nổ hàng loạt, vừa tiết kiệm thời gian vừa dọn đường để đồng đội di chuyển vào san lấp hố bom...

Công việc khắc phục giao thông cũng vất vả không kém, TNXP chỉ có những vật dụng thô sơ như: Cuốc, xẻng, sọt, xe cút kít, búa và quang gánh... để khai thác hàng nghìn tấn đất đá trong núi rừng về san lấp hố bom. Trời khô còn đỡ, lúc trời mưa, toàn bộ con đường nhão nhoét như vũng bùn, trơn trượt, sình lầy. Do vậy, TNXP vừa lấp hố bom vừa phải cải tạo đường giao thông dưới mưa dầm rét lạnh khiến nhiều người đổ bệnh. Hàng trăm TNXP đã hy sinh trong quá trình phục vụ chiến dịch.

Giữa lúc chiến trường đang căng thẳng, chúng tôi nhận được thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh chiến dịch. Lời động viên của Đại tướng đã nâng đỡ tinh thần cho lực lượng TNXP. Chúng tôi xây dựng phong trào thi đua, ra nghị quyết chuyên đề về khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, làm thất bại âm mưu đánh phá của địch. Ngày 7-5, Điện Biên Phủ được giải phóng thì vài ngày sau, lực lượng TNXP vinh dự đón nhận thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã sao chép và chuyển nội dung bức thư đến toàn thể các đơn vị TNXP đang làm nhiệm vụ.

NGUYỄN TIẾN NĂNG (Nguyên Phó đội trưởng Đội thanh niên xung phong 34 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; nguyên Trợ lý của Thủ tướng Phạm Văn Đồng)