Nhớ câu chuyện của các cựu chiến binh Trung đoàn Thủ Đô về trận đánh tại Bắc Bộ Phủ nên mỗi khi bách bộ qua đây, tôi đã chú tâm tìm kiếm và phát hiện ra những vết đạn ấy. Đó là minh chứng tự hào, luôn hiện lên tươi rói, rạo rực trong ký ức của những người lính Trung đoàn Thủ Đô mà tôi được nghe. Sáng 6-12-2006, dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, UBND TP Hà Nội tổ chức khá nhiều hoạt động nhằm ôn lại truyền thống hào hùng của người Hà Nội, tôi nhận được cuộc gọi của Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ Quyết tử Thủ đô (còn gọi là Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn Thủ Đô khu vực Hà Nội).

Ông thông báo vắn tắt: “Chúng mình tổ chức buổi gặp mặt các cựu chiến binh Trung đoàn Thủ Đô tại Nhà văn hóa quận Đống Đa. Cậu xuống chụp giúp chúng mình mấy tấm ảnh nhé...”. Sở dĩ ông nói thân tình thế, mà cũng gấp thế, bởi tôi với ông đã biết nhau từ năm 1996. Khi ấy, Thượng tá Phạm Minh Châu, Trưởng phòng biên tập Quân sự (nay là Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh), Báo Quân đội nhân dân, có giao cho tôi đi tìm các cựu chiến binh của Trung đoàn Thủ Đô để viết bài nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến. May thay, tôi đi dò hỏi và gặp được Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, từ đó mặc sức khai thác tư liệu từ các thành viên cựu chiến binh Trung đoàn Thủ Đô.

leftcenterrightdel
Những vết đạn còn in trên hàng rào. Ảnh: ANH MINH 

Buổi gặp mặt hôm ấy quy tụ được hơn 100 cựu chiến binh đã từng tham gia trận chiến 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội vào mùa đông năm 1946. Tôi rất ngạc nhiên là trong số đó có cả Giáo sư Nguyễn Tài Thu, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam. Hỏi thì được biết, hóa ra ông cũng là một trong hàng nghìn thanh niên Thủ đô tham gia chiến đấu ngay từ những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến và ít ngày sau, ông trở thành chiến sĩ của Trung đoàn Thủ Đô. Cũng chính từ việc chứng kiến cảnh cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn và nhân dân Thủ đô bị thương vì bom đạn địch mà trong ông đã trào lên niềm mong ước được học ngành y để trị bệnh cứu người. Sau này, với sự cần cù, nghiêm cẩn trong nghiên cứu, sự sáng tạo tự thân về tư duy, ông đã trở thành một cây đại thụ của nền y học Việt Nam về Đông y, đặc biệt là lĩnh vực châm cứu. Sau này tôi được biết, có cả các em trai của bác sĩ Trần Duy Hưng cũng hăng hái tham gia chiến trận...

Nhân lúc giải lao giữa buổi gặp mặt, tôi mời Đại tá Nguyễn Trọng Hàm ra hỏi chuyện. Thấy tôi, Trần Hiền, khi ấy là phóng viên Tờ tin Quân khu Thủ đô (nay là Phó tổng biên tập Báo Quốc phòng Thủ đô), cũng đề nghị được phỏng vấn cùng. Ông Hàm bảo, đánh nhau với quân Pháp suốt hai tháng trời, ngày nào cũng cận kề cái sống, cái chết thì làm sao mà quên được. Còn trận ở Bắc Bộ Phủ à? Cụ Vũ  (Trung tướng Vương Thừa Vũ, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Chỉ huy trưởng Khu 11 những ngày Toàn quốc kháng chiến) còn sống mà kể cho các cháu nghe sẽ hay hơn. Nhưng thôi mình kể vắn tắt thế này:

“Tối 19-12-1946, lúc ấy, mình đang làm chỉ huy tự vệ tại phố Hàng Thiếc, thuộc Liên khu I (hầu hết địa phận quận Hoàn Kiếm ngày nay). Khi điện thành phố vụt tắt là lúc pháo của ta từ Pháo đài Láng và ngoại thành bắn mạnh vào các mục tiêu trong nội thành Hà Nội. Đó cũng là hiệu lệnh cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô bắt đầu. Ngay trong đêm 19-12, quân Pháp cũng tổ chức đội hình tấn công vào các vị trí của ta. Các khu vực như chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên, Cửa Nam, Bưu điện Bờ Hồ (Bưu điện Hà Nội), tòa nhà Bắc Bộ Phủ... là những mục tiêu địch định đánh úp và quyết chiếm cho bằng được ngay trong ngày đầu tiên, giờ đầu tiên. Bởi chúng cho rằng những nơi đó sẽ tập trung lực lượng của ta và có thể bộ chỉ huy Việt Minh vẫn còn đứng chân ở Bắc Bộ Phủ. Một cánh quân cơ động của Pháp với gần 300 tên, có 18 xe tăng và xe bọc thép từ trong thành Hà Nội vượt qua được Cửa Nam, tiến ra khu vực Bờ Hồ. Nhưng đến đầu phố Tràng Thi thì bị ta chặn đánh quyết liệt nên phải dừng lại. Lúc này, trên đường Tràng Thi là “một dãy núi vật cản” được hình thành bởi những sập gụ, tủ chè, giường, chiếu, cánh cửa, cánh cổng... cộng với lựu đạn, chai xăng... từ các tầng gác ném xuống, khiến đội hình địch trở nên rối loạn. Địch vội tách đội hình chạy sang các phố Hàng Bông, Thợ Nhuộm hòng đánh vào sau lưng ta.

Tại các phố này, địch cũng bị đánh chặn quyết liệt. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có vũ khí thô sơ với một số súng trường nên sau hơn một giờ đồng hồ, địch vẫn tới được gần tòa nhà Bắc Bộ Phủ. Một xe tăng địch án ngữ tại nhà Godard (nay là Tràng Tiền Plaza), một xe án ngữ ngay cạnh Nhà băng Đông Dương (nay là trụ sở Ngân hàng Nhà nước

Việt Nam). Một số xe chạy tới gần vườn hoa Chí Linh (nay là khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ) thì dừng lại, tạo thế bao vây để đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Nhưng chúng đã gặp phải sự kháng cự quyết liệt của các chiến sĩ đang chốt giữ ở đây nên cả đêm, địch không thể đánh được tới cổng Bắc Bộ Phủ. Sáng 20-12, địch dùng pháo cối bắn vào Bắc Bộ Phủ và tổ chức tấn công chính diện. Mặc cho đạn pháo, hỏa lực từ xe tăng, xe bọc thép của địch bắn phá, quân ta kiên quyết ém quân chờ địch tới gần. Khi bộ binh địch lò dò tiến vào phía cửa chính, đúng tầm lựu đạn thì từ các ô cửa, hàng chục quả lựu đạn đồng loạt được tung ra, hàng chục khẩu súng trường, tiểu liên cùng lúc nã đạn vào đội hình địch. Quân địch chạy dạt về phía sau, bỏ lại hàng chục xác chết và đám lính bị thương.

leftcenterrightdel

 Tòa nhà Bắc Bộ Phủ (nay là Nhà khách Chính phủ).  Ảnh: ANH MINH

Trận chiến kéo dài tới hơn 11 giờ trưa thì đạn dược của ta cạn dần, trong khi lực lượng tiếp viện chưa đến kịp nên Chính trị viên đại đội Lê Gia Đỉnh quyết định cho các chiến sĩ rút dần sang tòa nhà Bưu điện, tiếp tục phòng ngự tại đây, còn mình ở lại để giữ tòa nhà. Thấy quân ta nổ súng thưa dần, quân Pháp dùng xe tăng húc đổ hàng rào sắt, xông vào Bắc Bộ Phủ. Lê Gia Đỉnh từ trong một căn phòng nhảy vọt ra, đập kíp nổ một quả bom, quyết tử với quân địch. Đám lính Pháp thấy thế liền tháo chạy khỏi cổng Bắc Bộ Phủ. Tiếc thay quả bom không nổ nên Chính trị viên Lê Gia Đỉnh hy sinh ngay tại chỗ do trúng đạn địch. Quân địch tiến vào, lúc này Bắc Bộ Phủ chỉ còn lại những căn phòng đổ nát. Không thấy lực lượng của ta, quân Pháp bắt đầu dè dặt tiến sang tòa nhà Bưu điện. Lực lượng tự vệ của ta tại đây còn tương đối mạnh, lại có thêm các chiến sĩ Vệ quốc đoàn từ Bắc Bộ Phủ rút sang nên đến chiều tối, quân địch vẫn không chiếm nổi tòa nhà Bưu điện và đành rút về phía Nhà băng Đông Dương để củng cố lực lượng...

Trận này, quân Pháp bỏ lại hơn 120 xác chết ngay trước sân Bắc Bộ Phủ, còn hàng chục tên bị thương thì chúng mang đi ngay. Phía ta hy sinh gần 1 trung đội thuộc Tiểu đoàn 101 Vệ quốc đoàn. Trận đánh này đã khiến cho quân Pháp khiếp sợ. Từ đó, các cuộc tấn công của chúng đều phải dè dặt, không còn dám hùng hổ như lúc đầu... Hơn 40 vết đạn bắn thẳng trên hàng rào Bắc Bộ Phủ (phía đường Ngô Quyền) đến nay vẫn còn là do các đoạn hàng rào đó vẫn được giữ nguyên bản từ thời thực dân Pháp xây dựng. Đó là những vết đạn do súng máy của địch bắn từ phía Nhà băng Đông Dương sang...”.

Như vậy, cho đến nay, tôi được biết ở Hà Nội có hai nơi còn lưu dấu những vết đạn của kẻ thù. Một là ở thành Cửa Bắc, vết đạn pháo của quân Pháp bắn vào từ phía Yên Phụ khi chúng tấn công vào đội quân của cụ Hoàng Diệu đang phòng thủ giữ thành năm 1882, đến nay vẫn còn gần như nguyên trạng. Hai là những vết đạn trên hàng rào Bắc Bộ Phủ, quân Pháp bắn vào tháng 12-1946, tuy không lớn như ở thành Cửa Bắc nhưng đều thể hiện dã tâm của kẻ thù là quyết xâm lược nước ta. Những vết đạn đó cũng thể hiện chí khí của người Hà Nội, chí khí của dân tộc Việt Nam quyết không chịu lùi bước trước kẻ thù, dù phải hy sinh thân mình cũng quyết giữ Thủ đô, giữ nước đến cùng...

Bài và ảnh: TRẦN VŨ