Cuối tháng 4-1989, tôi và nhà thơ Hồng Thanh Quang, phóng viên Phòng biên tập Thời sự quốc tế, Báo Quân đội nhân dân được cử sang Mặt trận Campuchia. Bấy giờ, cuộc chiến đấu chống lại tàn quân Pol Pot của quân và dân Campuchia được sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam đã bước sang năm thứ mười. Lúc này, lực lượng của bạn đã đủ sức bảo vệ thành quả cách mạng của họ. Mặc dù tàn quân Pol Pot được các thế lực phản động ở nước ngoài hà hơi tiếp sức nhưng không thể đảo ngược được tình hình.
Chiều 13-5-1989, chúng tôi có mặt tại căn cứ của Mặt trận 979 Quân tình nguyện Việt Nam, nằm cạnh sân bay Pochentong ở Phnom Penh. Phòng Tuyên huấn Mặt trận gợi ý chúng tôi nên chọn hướng Pailin của Battambang để thâm nhập, vì đây là địa bàn trọng điểm của chiến trường Campuchia hiện nay. Hôm sau, chúng tôi được Văn phòng Mặt trận bố trí “đi nhờ” trực thăng chở Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Phó tổng Tham mưu trưởng và Trung tướng Lê Hai, Phó đại diện Bộ Quốc phòng nước ta tại Campuchia lên công tác ở mặt trận Pailin.
Sau hơn một giờ bay, trực thăng đáp xuống một vạt cỏ cạnh cơ quan Sư đoàn bộ Sư đoàn 330. Vùng này thuộc xã Phlaumia của huyện Pailin. Động cơ máy bay vẫn nổ ầm ầm, cánh quạt quay tít. Một tốp bộ đội đã chờ sẵn và khi đoàn chúng tôi vừa bước xuống khỏi cầu thang máy bay, họ vội vàng chuyển những chiếc cáng thương binh lên trực thăng. Trên cáng, những chiến sĩ trông còn trẻ măng, người băng quấn đầu, người băng quấn chân, có người không băng bó gì nhưng gầy gò, xanh mét, bất động. Chỉ một loáng, trực thăng đã rời bãi cỏ, tăng độ cao quay về hướng Phnom Penh...
|
|
Tác giả (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng đội vượt suối Sangke (Campuchia). |
Hình ảnh những chiếc cáng thương và thương binh vừa được chuyển lên trực thăng là ấn tượng mặt trận đầu tiên trong tôi. Chợt tôi nhớ một câu thơ viết về bộ đội tình nguyện Việt Nam ở Campuchia sau năm 1979: “Chẳng bia mộ nào cho những bàn chân”. Anh em thương vong chủ yếu là do mìn và thương tật chủ yếu là cụt chân vì mìn. Cả đất nước Campuchia lúc đó đang là một bãi mìn dày đặc, khổng lồ, rậm rịt, nhằng nhịt. Nghe nói có hôm bộ đội ta hành quân, bị đạn cối địch rót trúng đội hình nhưng phải trần lưng mà chịu, không dám chạy vào rừng vì sợ vấp phải các loại mìn.
Cơ quan Chính trị Sư đoàn 330 đóng gần bờ suối, giữa một vườn cam và đu đủ. Nghe nói trước kia, đây là đồn điền của một chúa đất, đã bỏ của chạy lấy người trong chiến tranh. Cả cơ quan vừa đi tổng kết chiến dịch trở về, đang mổ thịt ngan liên hoan. Anh em giục chúng tôi xuống suối tắm rửa mà lên dự liên hoan. Con sông Sangke qua đoạn này rộng chừng ba chục mét, hơi sâu nhưng nước đỏ quạch vì mấy trận mưa đầu mùa. Cả cơ quan Sư đoàn bộ và mấy đơn vị trực thuộc đều dùng nước của con sông này. Nơi có điều kiện thì dùng phèn khử bùn, còn đa số là cứ múc lên, để lắng mà ăn uống. Quen rồi, có nước thế này là tốt chán! Nhớ những đợt truy quét địch hàng tuần trong rừng mùa khô, gặp được vũng nước sền sệt, vàng khè cũng mừng như bắt được của...
Ấn tượng về những chiếc cáng thương lặng lẽ ở bãi đáp trực thăng và những ngôi nhà cơ quan trống hoác vì ván thưng bị dỡ làm hòm đựng hài cốt liệt sĩ để kịp chuyển về nước khiến tôi chọn đơn vị quân y là điểm thâm nhập đầu tiên. Tiểu đoàn quân y cũng là bệnh xá của Sư đoàn. Đây là bệnh xá tuyến 2. Tuyến 1 là các bệnh xá trung đoàn, đôi khi phải phẫu thuật và cưa cắt tứ chi như một bệnh viện tiền phương. Đội ngũ quân y tuyến 2 có 11 bác sĩ, thường xuyên tăng cường cho tuyến 1 gần nửa quân số. 26 y sĩ và y tá cũng thường xuyên đi tuyến trước gần một nửa.
Ngoài ra còn hơn 10 người làm hộ lý, cấp dưỡng, quản lý... Có đợt anh em thương binh, bệnh binh phải xắn tay giúp đỡ bệnh xá vì toàn bộ y tá, y sĩ, bác sĩ... đều ốm, chủ yếu là sốt rét. Anh em ở đây sợ nhất là sốt tiểu huyết cầu tố. Đó là một căn bệnh sốt rét đặc biệt, thường gặp ở chiến trường Tây Nguyên, Lào và Campuchia. Ở các bệnh viện tuyến sau ít khi gặp loại sốt rét này nên rất khó chẩn đoán và điều trị. Anh em bên này kể rằng, nhiều người về phép phải dặn trước vợ con là hễ thấy sốt mà tiểu ra màu huyết thẫm thì phải khẳng định với thầy thuốc là bị sốt huyết cầu tố. Bệnh này nếu không chẩn đoán đúng rất dễ tụt huyết áp dẫn đến tử vong. Hiện nay, thuốc đặc trị bệnh này không còn hiếm như trước, nhưng vẫn khá đắt.
|
|
Tác giả (ngoài cùng, bên trái) chụp ảnh kỷ niệm ở xã Phlaumia (Pailin, Campuchia). Ảnh: NAM THẮNG
|
Rừng Pailin ngoài mìn sát thương và vi trùng sốt rét còn có một mối hiểm nguy khiến lính ta rất ngán là rắn hổ bướm. Đó là một loại rắn độc, hình dẹt ba cạnh, trên lưng có hoa hình con bướm. Loại này chỉ nhỏ như rắn lục nhưng độc hơn nhiều. Chúng nằm lẫn trong lá rừng, thường đớp vào chân. Cũng có khi chúng vắt vẻo trên cành cây, người đi ngang thì đớp vào mặt và cổ. Có một đồng chí đại úy ở Ban Tác chiến bị loại rắn này đớp, không được cứu chữa kịp thời nên đã tử vong. Ở bệnh xá cũng có một chiến sĩ bị rắn hổ bướm đớp vào cổ chân, phải mổ rộng vết cắn để xử lý. Cơn nguy kịch đã qua nhưng cái chân vẫn cứng đơ, chưa co duỗi được.
Từ tháng 12-1988, địch tập trung hoạt động chủ yếu ở hướng Pailin và Tà Sanh. Đây là những vùng rừng núi hiểm trở, có con đường 10B chạy từ Battambang lên cửa khẩu 301 sang Thái Lan. Địch cho rằng với địa thế ấy, trong khi Quân tình nguyện Việt Nam vừa rút đi, lại nhằm đúng dịp bắt đầu mùa mưa nên mở chiến dịch phản công là thuận lợi nhất. Trên các hướng ngoại biên, chúng tập trung lực lượng mở những đợt phản công phối hợp với lực lượng phản động trong nội địa. Tình thế buộc Trung đoàn 2 rồi tiếp theo là Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 của Sư đoàn 330 phải vào truy quét, chiếm lại những vùng bị mất. Từ đó đến tháng 5-1989, toàn bộ Sư đoàn 330 phải đứng lại ở Pailin để tiếp tục giúp bạn củng cố lực lượng, củng cố địa bàn... Tình hình đang khá dần lên!
Ngày cuối cùng ở Pailin, chúng tôi được anh Lê Minh Trọng, cán bộ Phòng Chính trị Sư đoàn dẫn đi “làm dân vận” ở xã Phlaumia trên một chiếc xe tải. Anh Trọng vốn là cán bộ của Huyện đội Đức Thọ (tỉnh Nghệ Tĩnh), được gọi vào quân chủ lực sau đợt tổng động viên năm 1979, làm lính cao xạ bảo vệ thủ đô Phnom Penh những ngày đầu mới được giải phóng, sau đó được chuyển sang bộ binh. Tròn 10 năm sang giúp bạn, anh đã có mặt gần như khắp
mọi hang cùng ngõ hẻm ở các tỉnh: Kandal, Svay Rieng, Kampong Speu... rồi lại vòng lên Siem Reap, Battambang... Đã mấy lần chúng tôi theo anh vào các phum, sóc trong vùng, gặp người già, con nít, ai cũng kêu tên “boong Trọng” (anh Trọng) rất thân mật.
Xã Phlaumia còn nghèo nhưng chợ thì sầm uất, đông vui. Con đường 10B chạy qua đây biến thành một đoạn phố hai bên la liệt hàng quán. Chúng tôi xáp vào một cửa hàng có mấy cô gái sàn sàn tuổi nhau, có vẻ như dân gốc Hoa, khá xinh, nhưng chỉ nói được bập bẹ tiếng Việt. Trò chuyện với các cô bằng... điệu bộ cũng hay hay, lại còn chụp ảnh kỷ niệm với các cô nữa. Cửa hàng bán phở Nam Vang, có bia chai Thái Lan, rượu thốt nốt, nước ngọt, cassette chạy điện ắc quy...
Bà chủ quán người Khmer nhưng nói tiếng Việt khá sõi. Bà bảo: Mai mốt bộ đội Việt Nam rút hết, không biết bà con có yên ổn làm ăn buôn bán như bây giờ không? Trong lúc anh bạn đồng nghiệp của tôi đang nói chuyện chiến sự với bà chủ quán thì tôi tranh thủ “học ngoại ngữ” với mấy cô gái: “Xóc-xờ-bai” là chúc lên đường mạnh khỏe! “Xôm-lia-bo” là hẹn ngày gặp lại! “Đắc-khắc-vân-vinh” là nhất định sẽ quay trở lại...
Buổi chiều trở về cơ quan Sư đoàn bộ vẫn trên chiếc xe tải ban sáng. Lúc đi ngang quán của mấy cô gái chụp ảnh chung ở chợ Phlaumia, chúng tôi vẫy tay và kêu: “Xôm-lia-bo! Xôm-lia-bo Pailin!”. Cả 3 cô cùng nhào hẳn ra đường, vẫy rối rít: “Xóc-xờ-bai! Xôm-lia-bo!...”.
Xe đã qua khỏi chợ một quãng, tôi vẫn ngoái cổ hét thật to: “đắc-khắc-vân-vinh!...”.
Không rõ các cô có biết đây là mùa hè cuối cùng có mặt những người lính Quân tình nguyện Việt Nam trên đất nước của các cô?
MAI NAM THẮNG