QĐND - Chúng tôi vừa có một cuộc gặp mặt đầy xúc động tại điểm xuất phát đầu tiên của cuộc đời binh nghiệp. Nơi đó trước kia là một cánh rừng già và bây giờ là một trường tiểu học khang trang mọc lên, thuộc xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An. Những người lính gần 45 năm trước là những cậu học sinh phổ thông, những sinh viên dang dở của Trường Đại học Sư phạm Vinh, bây giờ nhiều người đã lên chức ông bà, những cụ già U.70… Vậy mà khi gặp nhau dường như họ còn trẻ hơn cả cái tuổi ngày mới vào quân ngũ. Sau 4 tháng huấn luyện, ngày 2-5-1972, chúng tôi nhận lệnh hành quân vào miền Nam chiến đấu. Bước chân ra khỏi doanh trại huấn luyện, hướng bàn chân về miền Nam, có thể coi cuộc chiến đấu đã bắt đầu!

Qua cầu khỉ trên đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu.

Ngày đầu tiên là một ngày thật đáng nhớ. Mờ sáng, chúng tôi xuất phát từ Nghĩa Hội. Sau 4 tháng luyện tập, những thanh niên nông thôn nghèo, những cậu sinh viên vừa xếp bút nghiên đã rắn rỏi hơn, khỏe mạnh hơn. Ngoại trừ lễ xuất quân trang trọng, thời gian cuộc hành quân ấy được giữ bí mật nên trước và trong ngày hành quân đầu tiên không có một người thân, hoặc gia đình chiến sĩ đến đưa tiễn. Đêm đầu tiên của cuộc hành quân, chúng tôi nghỉ lại một làng nhỏ huyện Yên Thành. Tôi ở trong nhà một bà mẹ, chắc trạc tuổi mẹ tôi. Bà mẹ hiền hậu có hai người con đang chiến đấu ở miền Nam, nhường lại chiếc giường tre duy nhất cho chúng tôi ngủ. Sau một ngày hành quân, chúng tôi ngủ không biết gì, mờ sáng báo thức đã thấy mẹ ngồi ngoài sân như chờ tiễn chúng tôi. Mẹ không nói gì nhưng đôi mắt lưu luyến và khắc khoải. Đơn vị hành quân cứ hai ngày thì nghỉ một ngày, có lúc qua trọng điểm đánh phá của máy bay địch thì hành quân ban đêm, ban ngày nghỉ…

Đi hết đất Quảng Bình mới chính thức đặt chân lên dãy Trường Sơn. Đêm Trường Sơn, trục đường bộ đội hành quân không trùng với trục đường xe ô tô vận tải lương thực, vũ khí… vào Nam. Đó là con đường mòn len lỏi triền núi, ven sông luồn lách dưới rừng già. Mỗi chặng đường dài chừng một ngày hành quân bộ thì Đoàn 559 đặt một binh trạm. Binh trạm thường là một vị trí bằng phẳng rộng, có thể trú được cả tiểu đoàn bộ binh và là nơi tiếp tế bổ sung lương thực, vũ khí đạn dược cho đoàn quân ra vào. Dưới tán rừng già bí mật, nhưng có những binh trạm được tổ chức như một doanh trại kết hợp với một bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số. Binh trạm nào ở hai đầu đường hành quân cũng đều có một cổng chào làm bằng tre nứa, cây rừng. Mặt cổng chào đường hành quân vào thì có khẩu hiệu: “Kính chào những người con ưu tú của miền Bắc XHCN vào giải phóng miền Nam”. Mặt cổng chào đi ra thì có khẩu hiệu: “Kính chào những người con ưu tú đã hoàn thành nhiệm vụ trở về”… Con đường hành quân ấy dưới tán rừng già Trường Sơn lúc nào cũng nườm nượp quân vào, quân ra. Trên đầu những đoàn quân ấy không khi nào ngớt tiếng vo ve của máy bay trinh sát OV10 của địch. Chỉ cần một dấu hiệu đáng nghi ngờ là có thể máy bay B-52 ập đến trút xuống hàng loạt bom. Có những chặng đường hành quân, đơn vị đến trạm thì trước đó binh trạm vừa hứng hàng loạt bom B-52, rừng tan nát, trên những cành cây còn vương những mảnh vải quân phục, những búi tóc con gái thanh niên xung phong...

Những chiến sĩ Đại đội 34, Tiểu đoàn 11, Đoàn 22A, Quân khu 4 gặp mặt tại Nghệ An (năm 2015). Ảnh: Quốc Việt.

Đường hành quân càng đi vào, chiếc ba lô trên vai càng vơi đi, những đôi chân càng nặng nề. Có người bàn chân rộp phồng, lở loét. Nhiều người còn vứt bỏ hết áo ấm (còn gọi là áo Bà Định), quân phục chỉ giữ lại một đến hai bộ, tư trang cá nhân mang từ Bắc vào cũng trút bỏ, bỏ được lạng nào, cân nào trên vai là cảm nhận được. Có người chỉ còn lại trên vai khẩu súng, bao gạo, túi thuốc cá nhân và bộ quân phục. Càng đi vào, càng gian khổ, càng ác liệt. Trên trục đường Trường Sơn không ngày nào không hứng bom B-52, pháo kích, biệt kích mật phục, không ngày nào không có người hy sinh, có những đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn đang hành quân bị B-52 xóa sổ hoàn toàn.

Ngay trên chặng đường hành quân đã xuất hiện những cán bộ, chiến sĩ có tư tưởng sợ gian khổ, sợ hy sinh. Tiểu đoàn tôi ngày ấy có khoảng 500 sinh viên, giáo viên Trường Đại học Sư phạm Vinh được tổng động viên. Trên đường hành quân vào thỉnh thoảng có chiến sĩ đào ngũ, chúng tôi gọi là “B quay”. Có chiến sĩ giả vờ ốm, không ăn uống gì, anh em thay nhau cáng từng đoạn, khi anh em phát hiện ra cậu ta giả vờ thế là họ thả uỵch cáng thật mạnh, bắt cậu ta dậy đi…

Ngược chiều với quân vào là quân ra. Quân đi ra không nhiều, không đoàn đoàn lớp lớp nhưng nếu dừng lại một điểm nghỉ trên chặng đường hành quân cũng có thể dễ nhận thấy: Đội quân đi ra thường là những người xanh xao, ốm yếu, thương binh, bệnh binh… cũng không ít người phải nằm trên cáng. Người đi ra thì coi như đã bước ra khỏi trận mạc, người đi vào thì khỏe mạnh nhưng gương mặt trầm tư, thoáng vẻ lo lắng. Cũng đúng thôi, họ đang đi vào cuộc chiến đấu đầy gian khổ, ác liệt, hy sinh. Người đi vào gặp người đi ra thường hỏi nhiều chuyện về trận mạc nhưng có một câu hầu như ai cũng hỏi “đã bị sốt rét chưa?”. Ở Trường Sơn không mấy ai thoát khỏi sốt rét, vì vậy hỏi mà hỏi chứ nhìn nước da người lính đi ra là biết liền. Sốt rét Trường Sơn như một thứ bệnh dịch, nhất là về mùa mưa. Ban đầu dính sốt rét người cứ như giả vờ, có khi cả ngày khỏe, đào hầm, gùi gạo, chiến đấu giữ chốt… bình thường, chiều tối lên cơn sốt như thể đã bị sốt hàng tuần, hàng tháng. Người bị nặng có thể lên đến 41, 42 độ C. Người thì nóng hầm hập nhưng lại rét, rét thấu xương, rét từ trong rét ra. Người bị sốt nặng thì cơn sốt có thể đến bất ngờ, nóng tột độ. Sợ nhất là sốt rét ác tính. Nhiều người chết không biết, hoặc đi hành quân đêm sốt, sáng dậy mới biết đã chết. Tôi làm liên lạc, trinh sát thường chạy công văn hoặc đi trinh sát một mình trong rừng có những lúc thấy thấp thoáng trong rừng chiếc võng treo tưởng có bộ đội đi qua đang nằm nghỉ, lò dò đến thì mới biết anh chiến sĩ đã chết từ khi nào… Trong một bài thơ “Nếu em biết” của tôi nói về cái đói, cái sốt rét có đoạn: “…Những năm tháng ở Trường Sơn/ Cơn sốt rung căn hầm lót lá/ Những tháng năm đói quay, đói lả/ Đào củ măng rừng thoi thóp suốt mùa mưa…”. Ngày ấy sốt rét chỉ có thuốc kí ninh. Người nhẹ thì uống thuốc viên, người bị nặng thì tiêm. Người bị tiêm phải nằm úp xuống, y tá cắm ngập kim vào mông mà bơm thuốc, có người tiêm nhiều quá cơ mông cứng lại, y tá cắm kim đột ngột gãy cả kim trong mông. So với nhiều người thì tôi ít bị sốt rét. Nếu bị sốt rét nhiều thường có nước da xanh, mắt trắng, môi thâm đen. Sau hai hoặc ba năm nếu không bị sốt lại thì mới được coi là không còn kí sinh trùng sốt rét trong cơ thể.

 Đêm ấy chúng tôi dừng lại ở Binh trạm 35. Có một chuyện tôi không thể nào quên được. Xế chiều, chúng tôi hành quân đến binh trạm thì gặp mấy người lính đi ra. Họ cho biết binh trạm chúng tôi sắp đến chiều hôm qua B-52 địch mới rải bom, một tiểu đoàn bộ đội đang dừng nghỉ hy sinh hết. Nghe tin ấy cả đại đội chúng tôi không ai nói với ai nhưng sự lo lắng lộ rõ trên gương mặt. Trong hoàng hôn xế chiều, cảnh tan hoang của một khu rừng vừa bị bom B-52 rải xuống thật là bi thảm. Đó đây còn vương vãi tăng võng, quần áo, ba lô… và lẫn cả thịt người chưa thể nào dọn hết. Đại đội tôi được bố trí lệch sang một mé rừng của binh trạm. Đêm ấy trời bỗng mưa, mưa ở Trường Sơn, nước cứ như đổ òa xuống, chỉ sau một tiếng đồng hồ những con suối bình thường lội qua bỗng trở thành những dòng lũ, thác cuồn cuộn đổ về. Hôm ấy đến phiên tổ tôi trực nhật, buổi chiều đến, chúng tôi đã lo chặt lá rừng quây bếp để đêm dậy nấu cơm cho tiểu đội. Khoảng ba giờ sáng chúng tôi thức dậy, trời đã tạnh mưa nhưng cũng phải mò mẫm lối đi đến bếp vì cơn mưa lớn đã xóa sạch lối mòn. Bỗng tôi trượt chân rơi xuống một căn hầm thùng, loại hầm không nắp, rộng, đào sâu xuống khoảng một mét để mắc võng cho được nhiều người. Tôi bơi bì bõm trong nước và chợt đụng phải một vật, tưởng là khúc gỗ, khi vớt lên, hoảng hốt nhận ra một khúc chân người…

Viết đến đây tôi chợt nhớ cái đêm thứ tư xuất quân từ Nghĩa Hội, đơn vị dừng chân tại xã Quảng Liên, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khoảng chín, mười giờ đêm chúng tôi nhận được lệnh báo động gấp ra bến phà sông Gianh. Ra đến bến phà mới biết có một đơn vị nữ thanh niên xung phong Hà Nam Ninh vừa lên phà thì B-52 ập tới rải bom. Bom không trúng phà nhưng phà bị sóng đánh lật úp, nhiều người hy sinh. Toàn đơn vị tham gia chuyển những nữ thanh niên xung phong hy sinh vừa vớt lên để đưa về tạm đặt ở nghĩa trang xã Quảng Liên. Trong ánh trăng mờ tỏ, những cô gái thanh niên xung phong tuổi mười tám, đôi mươi hy sinh mà như đang nằm ngủ. Đêm ấy chúng tôi hầu như thức trắng, sáng hôm sau lại tiếp tục hành quân. Có lẽ đó là đêm đầu tiên tôi nhận ra màu đau thương, mất mát của chiến tranh.

Lại nhớ trong dịp kỷ niệm 40 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi có dịp đi dọc trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Cũng trên con đường này 40 năm trước chúng tôi đã đi, đi dưới mưa bom bão đạn cho tới ngày toàn thắng. Hồi ức những bàn chân hôm nay lại trở về, trở về để thêm tin yêu một thời, thời của Đất nước “Máu và Hoa”.

Thiếu tướng HỒ ANH THẮNG