QĐND - Một ngày đầu tháng 7-1965, 600 kỹ sư và cử nhân vừa tốt nghiệp các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Nông nghiệp I và Đại học Tổng hợp Hà Nội nhận được một tờ lệnh đặc biệt. Đó là "Lệnh gọi ra phục vụ tại ngũ” do Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội Trần Duy Hưng ký. Cầm tờ lệnh trong tay, các trí thức trẻ vừa bất ngờ, vừa không khỏi tự hào, bởi họ là những người có thành tích học tập tốt, được lựa chọn vào phục vụ quân đội khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang trong giai đoạn cam go, ác liệt.
 |
Lớp kỹ sư K61B (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) sau khi tốt nghiệp (tháng 5-1965). Ảnh do CCB Phạm Gia Nghi cung cấp.
|
Ngày ấy, trước khi lên đường, họ đều viết quyết tâm thư tình nguyện phục vụ ở những lĩnh vực Tổ quốc cần. Trong số 600 kỹ sư, cử nhân của 3 trường nhập ngũ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có tới 300 người (chiếm 50% tổng số kỹ sư khóa 61 của trường). Trưa 12-7-1965, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức liên hoan tiễn 300 kỹ sư tại nhà ăn của trường. Tối hôm đó, TP Hà Nội tổ chức mít tinh tại Câu lạc bộ Lao động (phố Tăng Bạt Hổ) để động viên và tiễn 600 trí thức trẻ lên đường. Ngay trong đêm 12-7, 600 kỹ sư được chia thành các phân đội và điều về các quân, binh chủng để huấn luyện.
Đại tá Lưu Vĩnh Cường, nguyên Cục trưởng Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần, một CCB thuộc lớp kỹ sư bách khoa ngày ấy, kể: "Sau thời gian huấn luyện, phần lớn số anh em kỹ sư học chuyên ngành ô tô được điều về Tổng cục Kỹ thuật, riêng tôi được điều sang Cục Xăng dầu để làm nhiệm vụ thiết kế, thi công làm kho bể, đường ống… Từ đó, tôi gắn bó với ngành xăng dầu quân đội cho tới khi nghỉ hưu”.
 |
"Lệnh gọi ra phục vụ tại ngũ", kỷ vật từ 50 năm trước của Kỹ sư Nguyễn Bá Thiện. |
Trong những năm tháng phục vụ quân đội, các kỹ sư đều giữ vẹn lời thề, quyết tâm thư trước khi nhập ngũ. Nhiều người đã có những cống hiến xuất sắc, trở thành các sĩ quan cao cấp, được phong tặng nhiều huân chương và giải thưởng Nhà nước, giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, như: “Cụm công trình nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ xây dựng công trình phòng thủ bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 1956-1975”; "Nghiên cứu, thiết kế chế tạo, đồng hóa các loại phụ tùng bảo đảm cho xe máy quân sự trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và xây dựng quân đội 1965-1990”; "Nghiên cứu, thiết kế chế tạo đèn đặc dụng, xe đặc dụng dùng trong thời chiến”; "Nghiên cứu, thiết kế chế tạo xe ô tô BTR-40 phá bom từ trường”, "Nghiên cứu, thiết kế thi công kho bể và đường ống dẫn xăng, dầu tuyến đường Trường Sơn trong thời chiến”…
10 năm trở lại đây, các kỹ sư nhập ngũ từ mái trường Đại học Bách khoa vẫn thường tổ chức gặp mặt, ôn lại những kỷ niệm cũ. Trong mỗi lần gặp gỡ, họ thường mong ngóng, hỏi thăm tin tức nhau để bổ sung, hoàn chỉnh danh sách những người bạn đồng ngũ. "Mong sao trong tháng 7-2015, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày nhập ngũ (12-7-1965), hàng trăm kỹ sư, cử nhân ngày ấy có dịp gặp gỡ, hàn huyên và cùng nhau ôn lại kỷ niệm về một thời trận mạc”, ông Phạm Gia Nghi, một trong số các kỹ sư nhận lệnh phục vụ tại ngũ tháng 7-1965, chân thành bộc bạch.
Mong muốn của kỹ sư Phạm Gia Nghi cũng là điều mong mỏi của hàng trăm kỹ sư, cử nhân, những người từng tạo ra dấu mốc lịch sử vẻ vang của trí thức trẻ Thủ đô từ cách đây nửa thế kỷ. Thiết nghĩ, Thành ủy, UBND TP Hà Nội; Ban giám hiệu các trường: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nên tạo điều kiện giúp đỡ để ước muốn chính đáng của họ sớm trở thành hiện thực.
BÙI VŨ MINH