Hồi đó, ông Hùng (tên Lào là Bua Phăn) phụ trách công tác xây dựng cơ sở cách mạng ở tỉnh Champasack (phía Tây Nam Lào), khu vực nằm sâu trong vùng địch. Với mục đích biến Champasack thành vùng an toàn nên địch tăng cường lực lượng, dựng thêm nhiều đồn bốt, bắt lính ồ ạt và mở nhiều cuộc càn quét, bắt giết. Những hành động kiểm soát chặt chẽ của địch làm cán bộ của ta hoạt động tại Champasack gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Hùng kể: “Tiểu đội của anh Thạo Ký (cán bộ của đoàn chuyên gia) trong một lần hoạt động ở làng Na Đoồng nhận được tin báo có tốp lính Mỹ do tên sĩ quan cấp đại úy dẫn đi tuần. Anh Thạo Ký liền chỉ huy tiểu đội tổ chức phục kích tiêu diệt địch trên đường đi. Bị tấn công bất ngờ, nhiều tên địch bị tiêu diệt, tuy nhiên, phía ta cũng hy sinh 2 đồng chí, 4 đồng chí khác bị thương”.
Cùng thời điểm này, ông Hùng đang hoạt động ở thị xã Pa Sắc, địch lùng sục, ông phải xuôi xuống vùng Mương Kang-Kà Tứp. Tình thế nguy cấp, ông Hùng vào chùa Thà Teng lánh nạn. Sau hơn hai ngày trên xỉm (giống như trần nhà), dưới cái nóng ngột ngạt, bụng lại đói, ông kiệt sức, bất tỉnh, may mắn được hòa thượng A Chan Khăm Đeng là trụ trì chùa cứu chữa. Để tránh liên lụy tới nhà chùa và bà con phật tử, ông men theo con đường lớn dọc sông Mê Công chạy một mạch hơn một ngày thì đến được làng Na Khoai. “Tại đây, tôi nghe thấy tiếng súng nổ dữ dội. Thấy sự việc chẳng lành, tôi nhờ hai mẹ con chị Chăn Đa (là cơ sở của ta) đóng giả như người trong gia đình đi cùng để dò la tình hình. Đến bìa rừng, thấy tiểu đội của anh Thạo Ký người thì bị thương, người đã hy sinh, tôi cùng đồng đội nhanh chóng chuyển thương binh, liệt sĩ về căn cứ”, ông Hùng cho biết. Mọi người men theo Đường 14 (nối liền thị xã Pa Sắc xuống thị trấn Xu Ku Ma) để về cơ sở của ta. Sau một ngày đêm băng rừng lội suối, họ đến được làng Đon Koong, tổng Huội Nhang, thị xã Pa Sắc, là vùng căn cứ du kích của ta.
|
|
Ông Hoàng Hoa Hùng và cuốn hồi ký “Những ngày trên đất bạn”. |
Do mấy ngày liền đói khát, kiệt sức khi chạy trốn địch, ông Hùng đổ bệnh. Căn bệnh sốt rét ác tính hành hạ khiến ông li bì suốt 13 ngày liền. Bà con làng Đon Koong tận tình chăm sóc, cứu chữa cho ông, nhưng hàng hóa, thuốc men trong làng bị địch phong tỏa cấm vận nên cơ sở phải cử người vượt biên giới sang TP Ubon (Thái Lan) mua thuốc về chữa trị.
Chị Chăn My (Bí thư chi bộ làng Đon Koong) là chị kết nghĩa của ông Hùng đã đưa ông về nhà tìm “lang mỏ” chạy chữa. Tình hình sức khỏe của ông Hùng lúc này rất nghiêm trọng. Trước tình thế nguy cấp, chị Chăn My vắt sữa của cháu Vĩ (là con gái của chị, cháu mới sinh con được hai tháng) cho ông Hùng uống để lấy lại sức. Ba ngày liền vắt sữa liên tục khiến cháu Vĩ rất đau, nhưng chị Chăn My nói với con: “Mạng người quan trọng. Cậu Bua Phăn là người chỉ huy lực lượng cách mạng ở vùng ta. Có cậu, có cách mạng thì chúng ta mới có cuộc sống yên bình!”. Theo phong tục của người Lào, sữa chính là dòng máu và chỉ có thể chia sẻ cho con, việc cho người khác là điều kiêng kỵ. Mẹ con chị Chăn My đã vượt qua điều kiêng kỵ, đem giọt sữa nghĩa tình để cứu lấy một mạng người. Nhờ sự quan tâm chu đáo của người chị kết nghĩa và bà con trong làng mà ông dần hồi phục sức khỏe.
Sau gần 9 năm hoạt động cách mạng tại nước bạn, tháng 10-1974, ông Hùng trở về nước, sau đó công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng. Kể từ đó, ông không có dịp trở lại Lào, nhưng trong tâm trí vẫn luôn khắc ghi hình ảnh và tấm lòng những người đã cưu mang, giúp đỡ ông vượt qua khó khăn, gian khổ.
Bài và ảnh: KIÊN CƯỜNG