Lần đầu chúng tôi gặp ông là năm 2013, trong buổi gặp mặt mừng thọ 100 tuổi của ông do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức. Sau đó, chúng tôi nhiều lần đến căn gác nhỏ nằm trên phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), nơi ông sống cùng con dâu và người con gái không may tật nguyền từ tấm bé, để nghe ông trò chuyện. Ở tuổi xưa nay hiếm, ông vẫn minh mẫn, sắc sảo trong các nhận định, nói năng khúc chiết, tư duy rành mạch. Những năm ấy, mặc dù việc đi lại đã trở nên khó khăn, ông vẫn lặng lẽ ngồi làm việc để chuẩn bị xuất bản một số đầu sách mới do ông viết và chủ biên. “Làm nghề báo có nghĩa là sống chết với nghề và trước hết phải lấy nghề để sống. Với một định nghĩa mộc mạc như vậy thì đúng là tôi chưa làm nghề báo dù tôi đã từng là chủ nhiệm hai tờ báo, tổng biên tập một tờ khác”, ông Lưu Văn Lợi đã mở đầu như vậy trong một lần chúng tôi hỏi ông về “nghiệp viết”.

Và với thói quen “thong dong” mỗi khi hồi tưởng chuyện gì đó, ông chậm rãi kể:

"Tháng 9-1945, thực dân Pháp với sự giúp đỡ của quân Anh, nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu việc tái chiếm Nam Bộ. Cả nước rầm rập biểu tình phản đối quân xâm lược, ủng hộ Nam Bộ ruột thịt. Trong bối cảnh đó, các đồng chí lãnh đạo thấy cần ra gấp một tờ báo tiếng Pháp để đấu tranh trên dư luận. Sau khi bàn bạc và cân nhắc, Thường vụ Hội Văn hóa cứu quốc quyết định cử tôi làm chủ nhiệm tờ báo, anh Phan Trác Nghị làm trị sự. Tôi tiếp nhận quyết định, mừng có, lo có, nhưng tôi lao vào công việc với sự tự tin mạnh mē.

leftcenterrightdel

Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1, phát hành ngày 20-10-1950.

Thật may là khi đó tôi được anh Trường Chinh giao nhiệm vụ tổ chức sinh hoạt cho 3 đồng chí người Âu: Anh Chiến Sĩ, anh Lê Đức Nhân, anh Hồ Chí Dân (Nguyễn Dân). Anh Chiến Sĩ tên thật là Erwin Borchers, một thanh niên trí thức chạy trốn chế độ Hitler sang Pháp nhưng bị buộc phải vào đội quân lê dương rồi bị điều sang Đông Dương năm 1941. Tại Việt Nam, thực tế thuộc địa và cảnh chiếm đóng đã giác ngộ anh, khi ở Việt Trì anh bắt được liên lạc với cán bộ ta và là người đầu tiên trong đội quân lê dương được kết nạp vào Đảng ta. Anh Lê Đức Nhân tên thật là Schroder, anh cũng trốn tránh sự khủng bố của Hitler lưu vong sang Pháp và trở thành lính lê dương như Chiến Sĩ và cũng đóng ở Việt Trì. Anh Hồ Chí Dân tên thật là Frey, người Áo, cùng ở một đơn vị lê dương với Chiến Sĩ và thiên về quân sự, cho nên sau này được cử làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 15 bảo vệ khu căn cứ Chợ Chu (Định Hóa, Thái Nguyên). Khi gặp tôi, anh đã là đảng viên của chi bộ đầu tiên trong quân đội lê dương ở Việt Trì. 

Với 3 anh "lính ngự lâm" này, tôi yên tâm về khả năng và lòng trung thành của họ. Chiến Sĩ sẽ viết những bài hướng vào lính Pháp và lính lê dương. Lê Đức Nhân sẽ là bình luận viên quốc tế. Còn Hồ Chí Dân là cố vấn của tôi về mọi vấn đề quân sự và đội quân viễn chinh Pháp. Sau đó, tôi lại được bổ sung một nhà báo có tài, anh Nguyễn Khánh Toàn, và mời được một số anh: Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, họa sĩ Trần Đình Thọ rồi lại được thêm luật sư Trần Công Tường, người miền Nam, một cây bút viết khỏe. Về mạng lưới cộng tác viên, tôi mời được cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Trần Văn Giáp và một số nhân sĩ nữa. Đối với một tờ báo mỗi tuần ra hai số, mỗi số 4 trang trung bình, lực lượng viết thế là khá mạnh.

Một buổi chiều, tôi mời anh em ở tòa soạn, các cộng tác viên họp tại 58 phố Richaud (nay là phố Quán Sứ, Hà Nội) để bàn công việc ra báo và chuẩn bị số đầu. Cuộc họp này do đồng chí Phạm Văn Đồng chủ trì. Tôi báo cáo ý định của trên, ra báo để làm gì, việc tổ chức ban biên tập và mạng lưới cộng tác viên, vấn đề trị sự, dự kiến tên báo, đề nghị bài cho số đầu. Về tên báo, sau khi trao đổi, mọi người đồng ý lấy tên là La Republique (Cộng hòa). Về các vấn đề khác, mọi người đồng ý với dự kiến của tôi. 

Sau thời gian hoạt động, nhận thấy Báo La Republique không còn thích hợp nữa, chúng tôi bàn nên ra một tờ báo khác và được cấp trên chấp thuận. Đúng ra đây là đổi tên báo và mục tiêu đấu tranh của tờ báo. Tờ báo mới được đặt tên là Le Peuple (Nhân Dân), vẫn để tên tôi là chủ nhiệm, anh Đỗ Xuân Dũng làm trị sự thay anh Phan Trác Nghị. Ban biên tập và mạng lưới cộng tác viên vẫn thế. Tôi không nhớ con số in là bao nhiêu, chỉ nhớ càng về sau càng phát hành nhiều hơn do được nhiều người biết đến. Ngoài lý do chất lượng của bài vở có lẽ cũng nên thêm lý do nó là tờ báo tiếng Pháp duy nhất thời bấy giờ ở Hà Nội.

leftcenterrightdel

Ông Lưu Văn Lợi (người đeo kính) khi là sĩ quan liên lạc kiêm phiên dịch tại Hội nghị Quân sự Trung Giã năm 1954. Ảnh tư liệu.

Thế rồi, tình hình chính trị ngày càng xấu. Hội nghị Fontainebleau thất bại. Pháp liên tục gây hấn. Trong bối cảnh đó, tờ báo phải kiên quyết đấu tranh chống mọi hành động lật lọng của thực dân Pháp đối với Hiệp định Sơ bộ cũng như Tạm ước 14-9. Mặt khác, cũng phải tích cực chuẩn bị đối phó với khả năng xung đột lớn. Vì thế, khoảng ngày 10-12-1946 (tôi không nhớ thật chính xác), tờ báo ra số cuối cùng.

 Lúc này, cả nước ráo riết nhưng bí mật chuẩn bị chuyển sang thời chiến. Hà Nội trở thành Khu 11 với anh Nguyễn Văn Trân làm Bí thư khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến, anh Trần Duy Hưng làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính, anh Lê Quang Đạo được cử làm Trưởng ban Tuyên huấn, tôi làm Phó ban Tuyên huấn. Ngoài việc tổ chức cho cán bộ tuyên truyền xung phong đi tuyên truyền về trường kỳ kháng chiến, chúng tôi cho ra một tờ báo tên là Thủ đô để gửi cho bộ đội và cơ quan trong khu. Báo in khổ nhỏ, chủ yếu là giải thích chủ trương kháng chiến, cung cấp một số thông tin, kể cả tin thế giới quan trọng. Làm được vài số, cuối tháng 3-1947, tôi nhận được quyết định làm Trưởng phòng Địch vận, Cục Chính trị (sau là Tổng cục Chính trị). Đến cuối năm 1949, đầu năm 1950, tôi sang làm Trưởng phòng Tuyên truyền thay anh Trần Độ nhận nhiệm vụ làm Chính ủy Trung đoàn Sông Lô mới thành lập.

Phòng Tuyên truyền lúc bấy giờ phụ trách Báo Vệ Quốc quân và Nhà in Vệ Quốc quân, không kể bộ phận nhiếp ảnh, văn nghệ sĩ mà phòng mời về. Sau đó, phòng trở thành Cục Tuyên huấn, do anh Lê Quang Đạo phụ trách. Báo Vệ Quốc quân sáp nhập với tờ Quân du kích của Cục Dân quân thành một tờ báo do anh Lê Liêm làm Chủ nhiệm và tôi là thư ký tòa soạn, tên là QĐND. Đơn giản là sắp xếp lại hai ban biên tập, thống nhất hệ thống phát hành (vì Báo Quân du kích có dây phát hành riêng). Hai nhà in hợp nhất nhưng coi là hai cơ sở cũng được. 

Trong điều kiện chiến tranh và các quân khu cách xa nhau, phương tiện giao thông chủ yếu là đôi chân thì không thể tính đến công thức một tờ báo phản ánh tình hình quân đội hằng ngày. QĐND phải là tờ báo của cả quân chủ lực và du kích, tóm lại là tờ báo của chiến tranh nhân dân, có đề cập những vấn đề của toàn dân đánh giặc.

Chúng tôi chủ trương ra 8 trang khổ 1/2 tờ báo thường, một tháng hai số (ngày 5 và 20). Số đầu tiên ra ngày 20-10-1950. Thời điểm rất thuận lợi vì là mở đầu Thu Đông năm 1950, chuẩn bị đánh Đường số 4, mở Chiến dịch Tây Bắc, nhưng về phía địch cũng là mùa càn quét đồng bằng, phá hoại mùa màng trong những trận "giặc lúa". Quân đội đang trong quá trình tăng cường tổ chức, giản chính cơ quan...

Đề tài thật là phong phú nhưng trước mắt, trọng tâm là Chiến dịch Biên Giới. Chúng tôi đang sôi nổi bàn bạc, viết lách thì cơ quan Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị chuyển lên phía bắc Chợ Chu phòng khi ta nổ súng ở biên giới thì địch có thể ném bom, thậm chí nhảy dù xuống vùng căn cứ địa hiện nay. Tòa báo chúng tôi được lệnh chuyển đến vùng Thành Công, khi đó thuộc tỉnh Bắc Kạn. Thế là anh em cơ quan "xếp bút nghiên theo việc binh đao", gói ghém ba lô, tài liệu nối gót nhau đi về Chợ Chu, rẽ ngả Khuôn Cầm, phía đầu nguồn sông Chợ Chu. Cho người và chân nghỉ một ngày, thế là báo đã ổn định xong tòa soạn, anh em lại bàn tiếp nội dung số 1. Lúc này, tiếng súng ở biên giới đã im, chúng ta đã hoàn toàn giải phóng vùng biên giới từ Cao Bằng đến Lạng Sơn. Tờ báo phải dành một phần quan trọng phản ánh kết quả và khí thế của chiến dịch, nghĩa là bớt một số bài đã viết rồi cấp tốc viết một số bài mới. May mà các phóng viên mặt trận đã kịp gửi bài về. Mọi việc được giải quyết khẩn trương, giao thông chuyển ngay đến nhà in, nhà in làm ngày làm đêm. Và đây là nội dung tờ báo: Trên trang nhất là bài "Đánh thắng và bảo vệ mùa màng" của anh Thao (tức Nguyễn Chí Thanh), nhấn mạnh đây là hai "nhiệm vụ chung của toàn dân, toàn quân và toàn quốc nhưng hướng chính là chiến trường Bắc Bộ"; các bài về Chiến thắng Biên Giới của Vũ Cao, Hồng Vũ, Hoài Ân, Trần Việt..., có tranh của Mai Văn Hiến, có thơ, có trả lời bạn đọc, có điểm thơ "hạt lúa củ khoai” của chiến sĩ, có bổ sung kinh nghiệm. Về quốc tế, có bài "Nước Cộng hòa Dân chủ Đức đã được một năm" của Chiến Sĩ. Về văn nghệ, Từ Bích Hoàng giới thiệu cuốn tiểu thuyết "Tinh cầu", được giải thưởng Stalin khi đó rất được hâm mộ... 

Trên cương vị là "tổng thư ký", không biết nói sao cho hết lòng biết ơn của tôi với những người đã làm nên số báo đầu tay đó trong điều kiện thật gian khổ. Đặc biệt phải biểu dương cô Khang, cán bộ nữ duy nhất của tòa soạn, người sắp xếp mọi việc "nội chính" của báo. Đồng chí Tước phụ trách lên khuôn và cho đến khi về hưu vẫn gắn bó với Báo Quân đội nhân dân. Tôi không bao giờ quên chú Phẩm, liên lạc viên của báo, đã bỏ mình dưới lòng suối Thành Công trong xanh như tuổi 16 của chú!".

SONG THANH (Ghi theo lời kể của cố nhà báo, nhà ngoại giao Lưu Văn Lợi)