Hồi còn công tác, do bận bịu nên hiếm khi ông có thời gian kể lại chuyện xưa, nhất là những năm tháng chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên đường Trường Sơn huyền thoại.
“Tôi vào quân đội khi đã là đảng viên, có một thời gian là giảng viên tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân rồi cán bộ ngành thống kê tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi thuộc diện “cứng tuổi” thế mà vào chiến trường vẫn nhiều bỡ ngỡ. Nhất là khi chứng kiến những gian khổ, hy sinh của bộ đội và tấm lòng của nhân dân mà nhiều khi không kìm nổi xúc động, muốn bật khóc. Nhưng cuộc đời của một thanh niên, ít nhất cũng cần được thử lửa”-ông bắt đầu câu chuyện. Và lần “thử lửa” ấy đưa ông đến với cuộc đời của một người lính với hơn 10 năm quân ngũ, trong đó có 3 năm công tác, chiến đấu xuyên dãy Trường Sơn.
    |
 |
Ông Ngô Văn Dụ và vợ cùng xem lại trang nhật ký ông viết hồi ở chiến trường. Ảnh: TUẤN TÚ |
Tham gia quân ngũ, với ông, đó là một trang mới của cuộc đời như những dòng thơ ông viết trong cuốn nhật ký của mình ngày mới nhập ngũ: Cuộc sống mới đến từ đây rồi đó/ Đoạn đường này lương tâm gọi ta đi… Tiếng gọi của lương tâm, của trách nhiệm với Tổ quốc đã thúc giục Ngô Văn Dụ ra chiến tuyến, nơi ấy nhân dân miền Nam đang mong chờ. Năm đó ông 26 tuổi, đã có vợ và con thơ hai tuổi ở quê nhà cùng tương lai rộng mở của một viên chức nhà nước.
Và như mọi người lính khác, sau khoảng 3 tháng huấn luyện tân binh tại Tân Yên, Hà Bắc (nay thuộc Bắc Giang), ông cùng đồng đội nhận lệnh vào chiến trường. “Có lệnh, chúng tôi xếp hành trang lên đường ra ga để vào Nam luôn, chẳng kịp về chia tay gia đình, vợ con. Tranh thủ một đêm nghỉ lại ga Văn Điển chờ lên tàu ra tiền tuyến, tôi viết vội mấy dòng gửi về cho vợ. Thư đề ngày 24-10-1973, một ngày trước khi tôi đặt chân lên đất Quảng Bình, chính thức trở thành chiến sĩ Trường Sơn”-ông Dụ cho biết.
Lá thư ấy cùng gần 100 lá thư khác và những cuốn sổ nhật ký ông gửi từ chiến trường về đến giờ vẫn được vợ ông, bà Phùng Thị Hiền nâng niu, giữ gìn. Đó là kỷ vật thiêng liêng của cả ông và bà sau 50 năm nên nghĩa vợ chồng. Chẳng thế mà trong câu chuyện với chúng tôi, khi ông rưng rưng xúc động, bà cũng không cầm lòng được mà tránh đi… Ông kể: “Vào Quảng Bình, không hiểu vì lý do gì mà không như các đơn vị khác, chúng tôi ở lại đây chừng hai tháng, vừa học tập chính trị vừa tích cực huấn luyện, sau đó mới nhập tuyến. Và chính khoảng thời gian này để lại cho anh lính tân binh tôi nhiều ấn tượng sâu đậm”.
Ấn tượng đầu tiên là đoạn đường hành quân từ ga Đồng Hới về xã Hoa Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình-nơi đơn vị ông đặt đại bản doanh chờ lệnh của trên. Ông và đồng đội đã đi qua không biết bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ. “Ôi cơ man nào là bia mộ, mới có, cũ có. Bộ đội ta hy sinh nhiều quá. Chúng tôi đã lặng người khi dừng lại tại một nghĩa trang trên một cánh đồng bên bờ sông Nhật Lệ và tự hỏi nhau phải sống, chiến đấu ra sao để không phụ sự hy sinh của những người nằm dưới cỏ”-ông nhớ lại. Càng tâm trạng hơn nữa khi chứng kiến tình cảm của bà con địa phương dành cho bộ đội. Ông Ngô Văn Dụ nhớ mãi căn nhà lá ba gian của gia đình đã cưu mang ông hồi đó. Một gian dùng để sinh hoạt chung, một gian dành riêng cho ông, gian còn lại vợ chồng con cái tụm lại chen chúc mà luôn vui vẻ, ấm tình quân dân. Dù cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, chỗ ở eo hẹp nhưng họ sẵn sàng chia sẻ, dành những điều tốt nhất cho bộ đội. Sau này trở lại thăm xã Hoa Thủy trên cương vị mới, ông vẫn nhận được tình cảm yêu mến như thuở nào. Điều đó khiến ông càng thấy bản thân có trách nhiệm với nơi đây. Và bằng nhiều cách, ông đã cùng chính quyền địa phương hỗ trợ bà con phương tiện sản xuất, trang bị thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt…
Chia tay Quảng Bình, chiến sĩ Ngô Văn Dụ được biên chế về Đại đội Công binh 21 (c21), Cục Công binh, Bộ tư lệnh Trường Sơn, cùng đồng đội hành quân vào sâu trong tuyến đường Trường Sơn với nhiệm vụ sửa chữa, san lấp, làm mới các đoạn đường để tuyến chi viện luôn thông suốt. Những vùng đất như Savannakhet (Lào), Sê Sụ, Sê Ca Mán, Sê Băng Hiêng, Đường 20-Quyết Thắng… đều ghi dấu chân chiến sĩ công binh c21. “Hình ảnh đồng đội đứng thành hàng dài làm cọc tiêu cho đoàn xe đi qua các trọng điểm an toàn bất chấp nguy cơ phải đương đầu với máy bay địch bắn phá đến giờ vẫn hiển hiện trong tâm trí tôi. Lúc ấy, chả ai nghĩ gì đến bản thân ngoài mong muốn hoàn thành nhiệm vụ, để hàng chi viện kịp thời đến các hướng chiến trường phía Nam”-ông kể.
Ba năm ở Trường Sơn, chiến sĩ Ngô Văn Dụ có hai lần chuyển đơn vị. Sau một thời gian ở đơn vị công binh, ông chuyển sang Trung đoàn bộ Trung đoàn 537, bộ đội đường ống xăng dầu Trường Sơn. Đó là vào khoảng giữa năm 1974. Thời điểm này, đơn vị ông có nhiệm vụ tiếp nhận xăng đầu từ tuyến ngoài vào, thiết kế đường ống dẫn vào chiến trường B2 đến Bù Gia Mập (Bình Phước). “Nhớ lần đơn vị được giao gấp rút triển khai tuyến ống vượt sông Serepok qua đất bạn Lào. Lúc này, cả ta và bạn đều mong muốn khẩn trương thi công xong để cung cấp kịp thời xăng dầu cho xe chạy vào miền Nam. Cán bộ kỹ thuật của Cục Xăng dầu Trường Sơn là Thiếu úy Hồ Sỹ Hậu và Thiếu úy Lê Hữu Dư trực tiếp cùng đơn vị chúng tôi thiết kế, chỉ đạo và giám sát thực hiện. Tôi khi đó ở trung đoàn bộ, không trực tiếp tham gia nhưng được chứng kiến tất cả”-ông Ngô Văn Dụ cho biết.
Việc bắc đường ống qua sông được thực hiện hoàn toàn bằng sức người và phương tiện thủ công. Đơn vị ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tất nhiên quá trình ấy không tránh khỏi những tổn thất. Nhưng qua lời kể của ông, chúng tôi cảm nhận được cả ông và đồng đội đều sẵn sàng đối mặt với điều đó. Chẳng thế mà sau ngày hòa bình lập lại, ông cùng đơn vị tiếp tục cuộc hành trình vì cuộc sống bình yên của nhân dân và làm nghĩa vụ quốc tế trên nước bạn Campuchia. Đến năm 1983 ông mới chuyển ngành. Mặc dù không còn khoác trên mình màu xanh áo lính, nhưng ở vị trí công tác mới, ông chưa bao giờ quên những năm tháng gian khổ và hào hùng mà tuổi trẻ mình đã đi qua. “Trường Sơn trong tôi vẫn luôn oai hùng như cảm nhận thuở là anh binh nhì mới nhập tuyến. Dẫu có gian khó, hy sinh nhưng chúng tôi luôn tự hào về một thời như thế. Đơn vị tôi hằng năm vẫn duy trì gặp mặt truyền thống hay tổ chức những chuyến hành quân trở lại chiến trường xưa, thăm lại những bản làng, con người từng cưu mang chúng tôi thuở nào”-ông tâm sự.
BÍCH TRANG (ghi)
Con số - Sự kiện
- Tổng quân số Bộ đội Trường Sơn từ tháng 5-1959 đến tháng 4-1975 là 727.202 người.
- Lực lượng thanh niên xung phong: 50.000 người, thanh niên xung phong nữ chiếm 53%.
- Số ô tô được trang bị (từ năm 1965 đến 1975) là 64.307 chiếc.
- Đào đắp được 58.284.511m3 đất đá.
- Trong 16 năm đã vận chuyển hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu.
- Bộ đội Trường Sơn tổ chức đánh trả 11.135 trận tập kích không quân, bắn rơi 2.455 máy bay Mỹ. Đánh thắng 1.263 cuộc hành quân nống lấn của biệt kích, thám báo, diệt, bắt 18.740 tên địch.
- Trong 16 năm, Bộ đội Trường Sơn hy sinh 19.800 cán bộ, chiến sĩ, 40.000 người bị thương, 14.540 xe ô tô, 703 súng pháo và hơn 90.000 tấn hàng hóa chi viện bị phá hủy.
- Trong 10 năm (1965-1975), địch sử dụng 733.068 lần chiếc máy bay, trong đó có 24.539 lần chiếc B-52, ném 2.235.918 tấn bom xuống đường Trường Sơn. Tính trung bình hằng năm mỗi ki-lô-mét đường thuộc khu vực Trường Sơn chịu 736 quả và loạt bom. Ngoài ra, địch còn thả hàng triệu lít chất độc hóa học và hóa chất gây mưa nhân tạo, nhiều loại vũ khí và thiết bị trinh sát điện tử.
Ngọc Mai (tổng hợp theo “Hỏi đáp về đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh”, NXB Quân đội nhân dân, tháng 4-2009)
|