Nhận nhiệm vụ, ông Chiến rất lo lắng. Bởi trong khi các lực lượng khác đã có nhiều hiện vật và hoạt động tuyên truyền, ngành quân nhu vẫn chưa được biết đến nhiều. Đang trăn trở thì ông Chiến chợt nhớ đến tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong đó, Đại tướng kể về những bà mẹ nuôi, em bé liên lạc đã giúp đỡ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Từng lời, từng ý của Đại tướng thôi thúc ông về Cao Bằng để sưu tầm kỷ vật.
Đoàn công tác lúc ấy có 6 đồng chí, ông Chiến là trưởng đoàn. Tháng 9-1973, Nguyên Bình đang vào mùa mưa, từ trên cao, đất đá sạt lở tràn xuống cả lòng đường. Chiếc xe UAZ cũ kỹ chạy chầm chậm tránh đất đá, lại có lúc gầm gừ trong bùn lầy, cả đoàn phải xuống đẩy mới qua được. Biết có đoàn bộ đội về công tác, bà con xã Tam Kim phấn khởi lắm. Trong buổi họp mặt với lãnh đạo xã, ông Chiến đề nghị tổ chức một cuộc gặp mặt những người đã từng nuôi giấu, giúp đỡ các cán bộ, chiến sĩ năm xưa.
|
|
Đồng chí Nông Văn Xương (mặc áo trắng) từng làm liên lạc cho Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh tư liệu |
Một ngày sau, người đầu tiên mà ông Chiến gặp là đồng chí Nông Văn Xương (tức cậu bé Hồng), vốn là liên lạc trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa. Cậu bé Hồng nay đã là chàng trai khôi ngô tuấn tú, nhưng lúc làm liên lạc Hồng mới 8 tuổi. Hồng kể, nhà cậu ở gần đồn Phai Khắt, thuộc xã Tam Kim. Hồng nhanh nhẹn hoạt bát, cứ buổi chiều lại chăn trâu, chạy nhảy trước cửa đồn. Mấy tên lính gác thấy trẻ con thì thích lắm nên bế Hồng vào đồn chơi. Chúng đâu biết rằng bé Hồng là liên lạc của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Trước trận đánh đồn Phai Khắt, Hồng được giao nhiệm vụ tìm hiểu tình hình, bố trí của địch. Ngặt nỗi Hồng không biết chữ, không biết đếm. Làm sao biết được số lượng xe pháo bao nhiêu? Cái khó ló cái khôn, Hồng nghĩ cách ra suối nhặt sỏi và mang theo khẩu súng cao su đi vào đồn. Lính gác cứ nghĩ Hồng đang đi bắn chim mà đâu biết rằng đi qua đồn, Hồng thấy có bao nhiêu khẩu súng nhỏ thì nhặt bấy nhiêu viên sỏi nhỏ cho vào túi áo trái, thấy bao nhiêu khẩu súng to thì nhặt bấy nhiêu viên sỏi to cho vào túi áo bên phải. Chiều tối về, Hồng nhớ lại, xếp các viên sỏi trên đất và thuật lại cho cán bộ, chiến sĩ của ta nghe. Thấy kết quả thu được rất tốt, bác Giáp khích lệ Hồng chịu khó vào đồn Tây nhiều hơn. Hồng liền về bảo mẹ may một túi vải trắng, cho vào vài quả trứng và một chai rượu trắng. Cứ lần nào vào đồn, Hồng cũng đến chào tên Simono đồn trưởng để lấy lòng. Nhờ đó mà trước khi quân ta nổ súng chiếm đồn Phai Khắt, Hồng biết lịch trình hoạt động của tên đồn trưởng đi công tác ở huyện. Hồng về báo cáo với cán bộ chỉ huy quân ta. Và đúng như kế hoạch, 17 giờ ngày 25-12-1944, các chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đóng giả lính khố xanh bất ngờ tập kích, bắt sống 17 lính trong đồn và một viên cai.
Trong trận chiếm đồn Nà Ngần, đồng chí Võ Nguyên Giáp thu được một chiếc lưỡi lê của quân Tây. Để ghi nhớ công ơn người mẹ nuôi của ông trong những ngày hoạt động cách mạng, đồng chí đã tặng lại chiếc lưỡi lê chiến lợi phẩm cho bà.
Ông Chiến cho biết, hôm ấy là một ngày “bội thu” của đoàn công tác, bởi ông đã “xin” được đồng chí Nông Văn Xương (cậu bé Hồng) chiếc túi vải màu trắng năm xưa đựng trứng và rượu vào tiếp tế cho tên đồn trưởng Simono. Đặc biệt, người mẹ nuôi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm xưa chính là mẹ đẻ của đồng chí Nông Văn Kim, Chủ tịch UBND xã Tam Kim lúc bấy giờ. Chiếc lưỡi lê được Đại tướng tặng, bà vẫn cất cẩn thận. Hỏi chuyện thì ông Chiến còn được gia đình giới thiệu các đồ vật như: Chiếc chậu đồng mà Đại tướng thường rửa mặt lúc đi công tác về, chiếc kéo cắt tóc và rất nhiều bát đũa, nồi cơm đã từng phục vụ Đại tướng khi sống cùng gia đình. Tất cả kỷ vật đã được gia đình tặng lại đoàn công tác. Hiện nay, các kỷ vật vẫn đang được lưu giữ tại các bảo tàng quân đội.
PHẠM KIÊN