Đây là một tập biên khảo nói về con người và khí phách của những bậc hào kiệt, những anh hùng của Thăng Long-Hà Nội địa linh nhân kiệt mà cố nhà văn Nguyễn Khắc Phục còn để lại dang dở vì ông lâm bệnh nặng và mất khi mới hoàn thành được đề cương và phác thảo chương I. Đó là chưa kể hai bộ tuyển công phu hơn 2.000 trang in: “Thơ Thăng Long-Hà Nội 1000 năm” và “Tản văn xứ Đoài trong Thăng Long-Hà Nội” được Bằng Việt chủ biên và hoàn thành, xuất bản từ năm 2010 đến 2018.
Bước sang tuổi 80, trí tuệ minh mẫn, sức làm việc của nhà thơ Bằng Việt vẫn dồi dào, bút lực vẫn đầy đặn, say mê. Thật đáng nể trọng.
Vóc dáng mảnh dẻ, phong thái nhẹ nhàng, nói năng lịch lãm, tài năng trời phú, con người ấy quả đã gặt hái rất nhiều thành công trên văn đàn cũng như trong công tác quản lý nhà nước, quản lý văn hóa, văn nghệ. Ông từng được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Ba từ thời còn trẻ đi chiến trường Trường Sơn, Huân chương Lao động hạng Nhất từ những năm làm công tác quản lý nhà nước. Cho tới năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (đợt đầu tiên) và Giải thưởng văn học ASEAN năm 2003; rồi được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2013... Thế hệ của Bằng Việt, công tác và sáng tác suốt cả thời kỳ chiến tranh và bao cấp, bắt nhịp với thời kỳ đổi mới và hội nhập, quả đã trải qua biết bao ưu tư, gian khổ, thăng trầm với đất nước, với Thủ đô... mới có được ngày hôm nay.
Đến bây giờ, Bằng Việt vẫn còn in đậm trong trí nhớ những ngày đầu Thủ đô giải phóng, khi ông vừa 13 tuổi. Ông cùng cha mẹ trở về Hà Nội sau ngày tiếp quản và vào học lớp đệ thất Trường Nguyễn Trãi. Ngày 1-1-1955, nhân dân Thủ đô tổ chức mít tinh và tuần hành mừng đón Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội. Cũng như hàng vạn người dân Thủ đô, Bằng Việt dậy từ 3 giờ sáng, ăn mặc gọn gàng, mang cờ, hoa háo hức đến Quảng trường Ba Đình để được ngắm nhìn Bác Hồ và các vị lãnh đạo Nhà nước, quân đội, ngắm những đơn vị bộ đội nổi tiếng từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chế độ mới đã gắn bó với người dân Thủ đô từ buổi ban đầu ấy, với sự giản dị, gần gũi của lãnh tụ và những người lính Cụ Hồ như vậy đó.
Năm 1961, Bằng Việt đi học đại học chuyên ngành luật ở Ukraine. Năm 1965 ông về nước, làm việc ở Viện Luật học thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Ông chỉ làm nghề luật được mấy năm, sau đó xung phong nhập ngũ, vào chiến trường năm 1969. Sẵn tâm hồn gắn bó với thi ca, từ tập thơ đầu tay “Hương cây-Bếp lửa” (1968-in chung cùng Lưu Quang Vũ), Bằng Việt hăng say đi với các “tiểu đội xe không kính”-các đơn vị vận tải chiến lược của Trường Sơn. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại đã tạo nguồn cảm xúc lớn để tâm hồn thơ của chàng luật gia trẻ tuổi bật lên thành những câu thơ lay động cảm xúc và trí tuệ, sẻ chia sâu sắc.
Đi nhiều, viết nhiều, song Hà Nội vẫn là đề tài Bằng Việt trở đi trở lại nhiều nhất, với những rung động sâu đậm và thân thương nhất. Ông viết về một Hà Nội đầy hào hoa ngay trong những ngày đạn bom ác liệt:
Bao điều không ai hay
Bỗng thấm thía giữa ngày chống Mỹ
Hà Nội bận dẫu không hề phút nghỉ
Vẫn còn nguyên phong thái hào hoa!
("Trở lại trái tim mình", 1967)
Tôi nhớ năm 2013, tôi cùng nhà báo Trần Định đến thăm Bằng Việt. Hôm đó, ông mới được vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú". Chúng tôi không nói nhiều về thơ ca, mà say sưa nói về Hà Nội và con người Hà Nội, kể cả những mặt được và chưa được. Bằng Việt bảo, người Hà Nội dù ở đâu, dù ở hoàn cảnh nào, cũng luôn yêu và luôn nhớ về Hà Nội thật chi chút, tinh tế, ngay từ những chi tiết nhỏ, ví dụ mùa xuân như thế nào, mùa thu ra làm sao... Nhà văn Vũ Bằng phải vào miền Nam, đã viết "Thương nhớ mười hai" với sự nhớ nhung da diết 12 tháng của Hà Nội làm xúc động lòng người. Phải yêu thương, gắn bó Hà Nội đến thế nào mới viết được sâu sắc về Hà Nội như vậy. Thế hệ của Bằng Việt đã sống qua những ngày gian lao, vất vả, hào hùng của Thủ đô: Năm 1955, Thủ đô phải hứng chịu cảnh vỡ đê Mai Lâm; bão lụt nặng nề năm 1971; rồi đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ từ năm 1966 đến 1972, mà cao trào là trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972... Vượt qua hết những thời kỳ đó, thì có thể tin là không còn gì mà không thể vượt qua!
- Ông là người Hà Nội, yêu Hà Nội từ trong máu thịt. Vậy ông có khái quát chung gì về tính cách con người Hà Nội?-Tôi hỏi.
- Người ta thường khái quát về người Hà Nội là “văn minh, thanh lịch”. Khái quát chung thế thôi, nhưng để thể hiện rõ ra phẩm chất người Hà Nội cụ thể như thế nào cũng là rất khó-Nhà thơ Bằng Việt trầm ngâm-Nét rõ nhất của người Hà Nội là hào hoa, thanh lịch, có cách sống, cách suy nghĩ đàng hoàng, có tư thế riêng của người nhiều kinh lịch và giàu trải nghiệm, tiếp xúc rộng, phong phú về thông tin. Nhưng phải nói thêm, rằng người Hà Nội cũng luôn phải tự điều chỉnh để tự mình vươn tới cái mới, chịu học hỏi, nghiên cứu, so sánh, tiếp nhận cái mới một cách thận trọng, không bảo thủ. Điều đó bắt nguồn từ tính chất của văn hóa Hà Nội: “Hội tụ, kết tinh, lan tỏa”, mà tính “tiếp biến văn hóa” trong tâm thức người Hà Nội quả là rất nhạy bén, rất tự giác.
“Nét rõ nhất của người Hà Nội là hào hoa, thanh lịch, có cách sống, cách suy nghĩ đàng hoàng, có tư thế riêng của người nhiều kinh lịch và giàu trải nghiệm, tiếp xúc rộng, phong phú về thông tin”.
BẰNG VIỆT
|
Ông nhấn mạnh rằng, người Hà Nội thông minh, biết tự điều chỉnh, tức là xử trí uyển chuyển trong quan hệ giao tiếp và đối ngoại trước mọi vấn đề mới của đất nước và thế giới, không bảo thủ và cứng nhắc. Chúng ta thắng lợi trong công cuộc đổi mới một phần cũng vì biết cách tự điều chỉnh và uyển chuyển trong chuyển đổi cơ chế. Bằng Việt rất tâm đắc khi từng được trao đổi với nhà triết học Cao Xuân Huy từ non nửa thế kỷ trước. Trong những cuộc trao đổi đó, cụ Huy luôn nêu lên một luận điểm thú vị, rằng trong âm dương ngũ hành (Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ) thì tính cách người Việt luôn ứng với hành Thủy (nước), tức là luôn năng động, uyển chuyển, thậm chí biến hóa, có thể thay đổi tùy nghi về hình thức, nhưng tính chất bên trong thì lúc nào cũng thế. Nước, có lúc chỉ là nước ao tù, nhưng có năng lực cực lớn khi ở trên dòng thác cao, sẵn sàng tạo ra nguồn thủy điện. Tính cách đặc thù này của người Hà Nội hoặc người Việt Nam bắt nguồn từ vị trí địa lý, tiến trình lịch sử và số phận truân chuyên ngàn đời của dân tộc.
Khi tôi đặt vấn đề, rằng Hà Nội đang phát triển mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa và nền kinh tế thị trường sợ sẽ ảnh hưởng đến tính cách thanh lịch của người Hà Nội, thì nhà thơ Bằng Việt khẳng định, tính hiện đại theo đúng nghĩa của nó sẽ không mâu thuẫn với tính thanh lịch. Một Hà Nội có công nghiệp hiện đại, tôn trọng trí tuệ và trí thức, tôn trọng nếp sống cao đẹp, biết phát huy truyền thống dân tộc, khi mỗi con người đều có tác phong nhanh gọn, chuẩn xác, có nếp sống, nếp nghĩ khoa học, hiện đại, thì đâu có mâu thuẫn gì với thanh lịch, hào hoa? Nghèo túng và khổ sở quá cũng khó mà có điều kiện sống thanh lịch. Nhưng khi giàu lên mà văn hóa ứng xử kém đi, nền giáo dục lại không theo kịp, dân trí chưa nâng cao lên ngang bằng, thì vẫn có nguy cơ trở thành lố bịch, trọc phú. Quá trình phát triển xã hội phức tạp là làm thế nào để cân bằng được sự phát triển kinh tế và văn hóa, hoặc đạo đức và lối sống, để đời sống vật chất luôn cân bằng với đời sống tinh thần.
Năm 2004, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội có đề tài khoa học về "Con người và nếp sống Hà Nội", do nhà văn Tô Hoài, Giáo sư Vũ Khiêu và Bằng Việt đồng chủ biên. Đó là công trình tổng kết về con người Hà Nội trên tổng thể, kể cả mọi ưu điểm cũng như những hạn chế. Ưu điểm thì rõ rồi. Còn nhược điểm, thì người Hà Nội vào thời điểm trước đổi mới đang có cái gì đó e dè, ngại bứt phá, một phần ảnh hưởng từ lối suy nghĩ cũ “cao cao tại thượng” của đất kinh kỳ, “duy hữu độc thư cao” (đọc sách là cao hơn cả), nghĩ nhiều, mà làm không được như lúc nghĩ. Tuy vậy, sau gần 35 năm đổi mới, Hà Nội đã làm được rất nhiều việc và tạo ra nhiều thay đổi lớn. Tuy nhiên, chỉ cần so với Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta vẫn tự thấy mình còn cần phải nỗ lực hơn rất nhiều nữa, để biến Hà Nội thành một “thành phố đáng sống” hay một Thủ đô lớn mạnh toàn diện.
Ngay từ thời chống Mỹ, Bằng Việt đã viết về Hà Nội của mình:
Hà Nội mang tầm vóc hôm nay
Cộng với tầm cao quá khứ
Tôi đi dọc những lối vào lịch sử
Nghe suốt năm châu bè bạn nối gần
Tôi đi ngang những cuộc đời thường
Biết ở đó chia nỗi lo nhân loại!
("Trở lại trái tim mình", 1967)
Hôm nay, những suy nghĩ trên đây có thể vẫn đúng với một Hà Nội đổi mới và hội nhập.
HỒNG SƠN