Ở tuổi 77, đôi mắt đã mờ song ông Châu vẫn minh mẫn, khuôn mặt biểu cảm cùng giọng nói hào sảng, ông thuật lại cho tôi từng chi tiết trong mỗi trận đánh mà ông tham gia.

Đại tá Hoàng Minh Châu sinh năm 1942, là con út trong gia đình có 5 anh em ở xã Xuân Hòa, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Năm 1960, ông viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Với tài bắn giỏi, sau đó ông được lựa chọn vào huấn luyện ở đơn vị đặc công. Tháng 10-1963, Trung đội trưởng Hoàng Minh Châu cùng Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 408, Đoàn Đặc công 545 hành quân vào Nam chiến đấu. 29 năm trong quân ngũ, gần một nửa thời gian ông gắn bó và chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Trong đó, trận đánh tại Cao điểm Hòn Công, An Khê (Gia Lai) là trận đánh ông nhớ nhất.

leftcenterrightdel
Đại tá Hoàng Minh Châu cùng con trai xem lại những kỷ vật thời chiến.

Hòn Công, An Khê là sở chỉ huy thông tin của địch, với khu trung tâm liên lạc được bảo vệ bởi nhiều lô cốt cùng một khẩu đội đại liên, bên ngoài căn cứ được bao bọc bởi 18 lớp rào dây thép gai cao 5m, phía trong cùng là một lớp rào bùng nhùng, xen kẽ là lớp mìn dày đặc. Hằng ngày, địch thường xuyên đi tuần, lùng sục và phục kích ban đêm. Chúng kết hợp hệ thống đèn pha cực mạnh, đèn quét hồng ngoại và một đoàn xe bọc thép đi tuần tra ít nhất 2-3 lần. Thời điểm này, trên cương vị là Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 408, sau một tuần đi trinh sát, mật phục, Thượng sĩ Hoàng Minh Châu đã nắm được quy luật hoạt động, tuyến đường tuần tra của địch. Đúng 7 giờ tối 6-2-1966, đơn vị chia làm hai mũi tấn công địch.

leftcenterrightdel
Giấy chứng nhận “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú”.

Ông Châu kể lại: “Trong lúc hai tổ đang cắt hàng rào thép gai, tôi trực tiếp chỉ huy một mũi táo bạo tiếp cận doanh trại của địch theo chính con đường mà chúng hay đi tuần. Theo hướng này, chúng tôi phải chạy thật nhanh, cứ sau 15 phút, tôi cùng anh em lại phải nằm im, bởi khi đó đèn pha, đèn hồng ngoại của địch sẽ quét từ trên cao xuống. Lúc này đêm tối địch khó phát hiện được bởi trước đó chúng tôi đã ngụy trang thân mình giống như bãi cỏ. Cứ như vậy, đến 10 giờ đêm, chúng tôi đã vào trung tâm đầu não của địch. Do đài liên lạc đặt trên cao, có tường bao quanh nên tôi cùng anh em gồng mình kiệu nhau lên đến đỉnh. Vừa lên tới nơi, tôi phát hiện và dùng súng AK tiêu diệt gọn 5 tên trong khẩu đội đại liên của Mỹ, thấy động, 5 tên khác cùng lúc xông vào tấn công. 2 tên lao tới bóp cổ, 3 tên khác, đứa nhằm bắn vào đùi, đứa dùng dao đâm vào tay, vào ngực tôi. Lúc này, tôi bình tĩnh dùng võ quật ngã đối phương và lấy lưỡi lê mang theo bên mình tiêu diệt thêm 5 lính Mỹ nữa. Ngay lúc ấy, đồng đội đi cùng dùng bộc phá tiêu diệt gọn lô cốt, đánh chiếm toàn bộ mục tiêu. Qua 12 giờ đêm, khi mũi tấn công của chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ thì lúc này mũi tấn công thứ hai mới tới nơi”. Sau trận đánh này, với thành tích tiêu diệt 17 lính Mỹ, ông Châu được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú” và Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, khi đó Đại úy Hoàng Minh Châu là Trung đoàn phó Trung đoàn Đặc công cơ động 198 trực thuộc Bộ tư lệnh Quân đoàn 3. Ông trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 1 đánh chiếm cầu Bông. Quá trình chiến đấu, dù bị thương song ông vẫn kiên cường bám trụ, chỉ huy đơn vị giữ nguyên vẹn cầu, bảo đảm đường cơ động cho bộ binh tiến vào nội đô đánh chiếm các mục tiêu, giải phóng Sài Gòn.

Đất nước thống nhất, trải qua nhiều cương vị khác nhau, năm 1989, Đại tá Hoàng Minh Châu về nghỉ hưu trên cương vị Trưởng phòng Đặc công Quân khu 1. Với những thành tích, đóng góp của mình, ông được tặng 9 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Bài và ảnh: HƯƠNG DỊU