Dáng người cao gầy, chòm râu để dài không cắt tỉa trong bộ quân phục mới, cầm tay một người phụ nữ đứng tuổi, miệng cười hào sảng đi quanh những chiếc máy bay chiến lợi phẩm đặt trong khuôn viên Trung đoàn Không quân 923 (Đoàn Yên Thế), Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) là những ấn tượng trong lần đầu tiên tôi gặp Đại tá, phi công, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy-một trong số ít phi công Việt Nam được phong ACE (danh hiệu dành cho các phi công lái máy bay chiến đấu hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên).
|
|
Vợ chồng Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Bảy trong lần trở lại Trung đoàn Không quân 923, tháng 7-2017.Ảnh: HƯỚNG NAM |
Đó là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Trung đoàn Không quân 923-một trong hai trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam, tháng 8-2015. Lần cùng về dự ngày truyền thống của đơn vị còn có rất nhiều đồng đội và “lính bay” là học trò của ông. Năm ấy ông đã ở tuổi 79. Và người phụ nữ đi cùng là vợ ông-bà Trần Thị Niên, cùng là người Lai Vung, Đồng Tháp. Hai ông bà vừa đi thăm đơn vị cũ của ông, vừa tranh thủ trả lời những câu hỏi của cánh trẻ chúng tôi. “Bây muốn tìm hiểu gì, hỏi nhanh tui trả lời, không lại đến giờ vào nhậu thì sức đâu”-ông cười khà nói.
Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1936 tại huyện Lai Vung. Đến lúc trưởng thành, thấy tên mình giống con gái quá, thế là ông tự đổi thành Bảy-con thứ bảy trong nhà như cách gọi truyền thống của người miền Nam. Bị gia đình ép lấy vợ, ông trốn đi bộ đội. Năm 1958, có đoàn cán bộ về đơn vị khám sức khỏe chọn người đi đào tạo. “Đinh ninh rằng mình học hành thì không ra gì, sức khỏe cũng đâu được bồi dưỡng nên tui nghĩ chắc là đi làm gì đó thôi. Ai ngờ đâu ổng bảo tui trúng tuyển được tiêu chuẩn phi công. Trời! Lúc đó vừa phấn khởi, vừa lo. Phi công thì phải có trình độ học hành chứ, tui lúc đó mới học hết lớp 3, cộng, trừ, nhân, chia số lẻ tui làm chưa được luôn. Rồi khi huấn luyện, tiền đình không được tốt, ngồi trên máy bay, xóc xóc một chút là ói luôn. Mà cứ lên máy bay là ói. Sau vài lần rút kinh nghiệm, tui lấy ruột bông, cắt một phần và làm một sợi dây treo. Tui nói với thầy giáo, tui mệt rồi, ông điều khiển để tui nghỉ tí, không là ói đó. Ói xong rồi lại tiếp tục bay. Thế là thành phi công”-Đại tá Nguyễn Văn Bảy kể.
Đại tá Nguyễn Văn Bảy thuộc thế hệ những phi công đầu tiên đầy tự hào của Không quân Việt Nam. “Bác Bảy vừa là thủ trưởng, vừa là thầy của tôi, đánh nhau giỏi, chỉ huy tốt. Phẩm chất đúng là ông già Nam Bộ, rất chân chất, thực tiễn, thương yêu mọi người, quan trọng là nói ít làm nhiều”- Đại tá, phi công Từ Đễ-một trong những thành viên của Phi đội Quyết Thắng tấn công sân bay Tân Sơn Nhất trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4-1975, không giấu được sự kính phục khi nói về ông trong lần về lại đơn vị năm đó.
Cũng như nhiều phi công thời ấy, đam mê bầu trời và tràn đầy khát vọng cống hiến khi cuộc chiến đấu ác liệt trên bầu trời miền Bắc đang diễn ra, phi công Nguyễn Văn Bảy chẳng để tâm đến chuyện lập gia đình. Nhưng duyên đến ông cũng không biết trước được. Số là hồi đó, đơn vị ông đóng quân ở sân bay Cát Bi, Hải Phòng. Lúc rảnh, ông thường hay đi thăm phố phường, chẳng ngờ gặp được đồng hương là cô Trần Thị Niên, học sinh miền Nam ra Bắc tập kết từ hồi 9 tuổi. Ông bà gặp rồi yêu nhau lúc nào không hay. Bà Niên nhớ lại: “Hôm làm đám cưới, ổng trực chiến ở sân bay đến 7 giờ tối. Hết ca trực chạy vù đến nghe tổ chức tuyên bố. 45 phút sau có báo động, ổng quay lại sân bay làm nhiệm vụ”.
Vốn tính tình vui vẻ, bộc trực nên đoán chừng vợ định dốc bầu tâm tư, ông chuyển hướng: “Cưới nhau từ năm 1967, bả cứ lo tui đi chiến đấu không về. Thế mà giờ vẫn sờ sờ đây. Cuộc đời lính chiến biết thế nào. Tui mến yêu bả cũng như yêu bầu trời và đồng ruộng quê hương vậy”. Nói thế, nhưng Đại tá Nguyễn Văn Bảy quay sang phía tôi thì thầm: “Cũng tội, hồi trẻ, tui với bả có mấy khi được gần nhau. Đây cũng là lần đầu tiên bả được đến trung đoàn này cùng tui đấy. Kiểu gì tui cũng cố đưa bả trở lại lần nữa”.
Và ông đã thực hiện lời hẹn ấy. Tháng 7-2017, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Trung đoàn 923 tổ chức lễ khánh thành bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ của đơn vị, đã mời vợ chồng ông về dự. Đây cũng là lần thứ hai tôi gặp ông. Lần này cùng đi với ông, ngoài vợ còn có đoàn làm phim của đạo diễn Trần Quốc Sơn (thuộc Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh). Sau khi thực hiện bộ phim tài liệu “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm” (bộ phim đoạt giải cao tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2015)-nói về cuộc hội ngộ giữa hai đối thủ từng đối mặt nhau trên bầu trời Việt Nam là phi công Nguyễn Văn Bảy và phi công người Mỹ Charlie Plumb, đạo diễn Trần Quốc Sơn muốn cùng nhân vật của mình trở lại một trong những nơi ông từng sống và chiến đấu những năm gian khổ ấy. Chứng kiến “lão phi công” dù đã ngoài bát thập khi nghiêng mình đọc tên từng đồng đội ghi trên bia lưu niệm rồi chia sẻ chi tiết những kỷ niệm của mình với họ, chúng tôi không khỏi xúc động. Vẫn nắm chặt tay vợ, ông tâm sự: “Tui may mắn hơn đồng đội là còn lành lặn trở về sau mỗi chuyến bay sinh tử, chứ tui cũng chỉ là phi công thường thôi!”.
Và “người phi công thường” mà cũng là phi thường ấy cuối cùng đã không thể chống lại được quy luật của tạo hóa. Chia tay miệt vườn sông nước, chia tay gia đình, bè bạn, ông về với thế giới người hiền nhẹ nhàng, thanh thản như mỗi lần ông cùng “én bạc” bay lên bầu trời. Còn tôi, viết lại vài kỷ niệm nhỏ sau những lần may mắn được gặp ông, thay một nén tâm nhang gửi đến Anh hùng “Bảy lúa”!
BÍCH TRANG