QĐND - Hồi còn sống, nhà văn Đặng Văn Nhưng, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân có viết một bài báo ngắn, xúc động về cây đa La Tiến ở xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên) quê ông. Đầu mùa đông năm nay, gặp Giáo sư Trần Phương, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, tôi được biết, em gái ông-liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Thị Kính (Trần Thị Khang) là liệt nữ đã hy sinh anh dũng dưới cây đa nổi tiếng đó.
Đất nghèo nuôi những anh hùng”
Ông ngồi lặng lẽ ngắm bức chân dung duy nhất người em gái Vũ Thị Kính để lại. Đã 90 tuổi, đôi mắt vẫn tinh anh thường ngày hôm nay đượm buồn. Ông nói, em ông hy sinh, hiện vật để lại không có gì, chỉ sống mãi trong ông về một cô gái tuổi trăng tròn, nhỏ nhắn, xinh tươi, hiền dịu, thông minh, can đảm, đã dấn thân cùng các anh trai tham gia hoạt động cách mạng trong những ngày vận mệnh đất nước nguy nan.
Liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Thị Kính (Trần Thị Khang).
"Tôi tên thật là Vũ Văn Dung, còn Trần Phương là bí danh khi hoạt động cách mạng rồi trở thành tên thường gọi. Em gái tôi tên là Vũ Thị Kính, bí danh là Trần Thị Khang. Quê tôi ở xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Năm 1943, tôi đang học năm thứ hai ở Trường Bưởi (Hà Nội) thì tham gia cách mạng. Năm 1944 bị lộ, mật thám Pháp truy nã, buộc tôi phải trốn về nhà anh Vũ Oanh (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận Trung ương) ở Kẻ Sặt (huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Từ đó trở đi, cô Kính tuy mới 16 tuổi cùng với vợ tôi (bà Nguyễn Thị Thủy) làm liên lạc giữa tôi với quê hương. Do không tiếp xúc được với nhân dân, tôi vận động phong trào cách mạng thông qua em gái tôi. Tôi dặn cô ấy cách tuyên truyền, nếu có ai sẵn sàng đi theo cách mạng thì báo cho tôi biết để tôi về kết nạp vào Việt Minh. Tôi có người anh trai cả tên là Vũ Văn Nhung, sau đổi tên là Vũ Sơn cũng hoạt động Việt Minh, sau này là Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng), hy sinh năm 1951 trong Chiến dịch Hà Nam Ninh. Có hai anh trai làm gương, Vũ Thị Kính tham gia hoạt động cách mạng một cách tự nhiên, vô cùng trong sáng”-Giáo sư Trần Phương kể.
Giáo sư Trần Phương. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp.
Tháng 12-1946, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Vũ Thị Kính thoát ly gia đình, đổi tên thành Trần Thị Khang, được Ban chấp hành Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Hưng Yên điều động về huyện Phù Cừ làm công tác phụ nữ. Tháng 2-1947, chị được kết nạp Đảng và đến năm 1949 chị là Huyện ủy viên, Bí thư Ban chấp hành Hội Phụ nữ Cứu quốc kiêm chỉ huy Đội du kích Hoàng Ngân của huyện.
"Tôi với cô Trần Thị Khang là chị em dâu nhưng thân thiết như chị em ruột”-bà Nguyễn Thị Thủy, vợ Giáo sư Trần Phương, nguyên cán bộ Liên hiệp Công đoàn các cơ quan Trung ương, kể-”Nói các anh đừng cười, tôi và nhà tôi bằng tuổi nhau, chúng tôi thành hôn lúc mới 17 tuổi. Hồi đó nhà tôi học ở Hà Nội, nên hai chị em rất quý nhau, mọi việc trong nhà cùng chung tay làm, rồi cùng tham gia hoạt động cách mạng. Cô ấy nhỏ nhắn, siêng năng, sống tốt với mọi người, với chị dâu. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, tôi hoạt động ở huyện Tiên Lữ, còn em tôi về huyện Phù Cừ. Tiên Lữ lúc đó còn là vùng tự do, còn Phù Cừ bị giặc Pháp chiếm đóng, ác liệt lắm. Từ một cô gái xinh xắn, dịu hiền, cô Kính được rèn luyện trở thành cán bộ thông minh, sắc sảo và dũng cảm. Ở những thôn đồng bào công giáo bị bọn phản động đội lốt thầy tu lôi kéo chống phá cách mạng, cô ấy không quản ngại nguy hiểm, xông thẳng vào hang ổ bọn phản động để giác ngộ quần chúng…”.
"Hồi đó, tôi là Phó bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, phụ trách 4 huyện phía bắc bị địch chiếm đóng. Ác liệt lắm. Năm 1949, tôi rời Hưng Yên, làm Giám đốc Sở Thông tin Liên khu 3 nên tin tức với em gái tôi thưa dần. Đến tháng 6-1950, nghe tin em gái tôi bị Pháp bắt và giết dã man ở cây đa La Tiến. Đau đớn vô cùng”-Giáo sư Trần Phương trầm ngâm.
Sống mãi tấm gương liệt nữ
Đầu năm 1950, thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng của chúng ra toàn bộ Đồng bằng Bắc Bộ, bao gồm cả huyện Phù Cừ cùng các huyện phía nam Hưng Yên. Là Huyện ủy viên của Đảng bộ Phù Cừ, phụ trách Hội Phụ nữ Cứu quốc huyện, Trần Thị Khang tổ chức và chỉ huy Đội nữ du kích Hoàng Ngân huyện Phù Cừ. Đội du kích của chị đã nhiều phen làm cho địch kinh hồn bạt vía.
Tháng 6-1950, trong một cuộc bao vây lùng sục của Pháp, chị bị địch bắt từ dưới hầm bí mật. Chúng đưa chị về bốt La Tiến, một bốt khét tiếng tàn ác, để tra hỏi.
Giáo sư Trần Phương nói: “Bốt La Tiến thuộc xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, là phân khu quân sự do một tiểu đoàn Âu Phi và nhiều đại đội ngụy binh đóng giữ, án ngữ phía nam tỉnh Hưng Yên, phía bắc tỉnh Thái Bình và phía tây tỉnh Hải Dương, ngăn chặn đường liên lạc của ta qua sông Luộc giữa 3 tỉnh. Bốt do một tên quan tư người Pháp rất tàn ác chỉ huy. Trong bốt có một tên phản bội nên chúng biết rõ em gái tôi là ai. Vì vậy, chúng tra tấn Trần Thị Khang rất dã man. Về việc này, hồi đó Huyện ủy Phù Cừ đã có bản báo cáo lên cấp trên sau khi em tôi hy sinh…”.
Trong báo cáo của Huyện ủy Phù Cừ, bọn Pháp trong bốt La Tiến tìm mọi cách dụ dỗ chị Trần Thị Khang đầu hàng, khai báo cơ sở của Đảng và lực lượng du kích. Dụ dỗ không được, chúng dùng cực hình tra tấn hòng khuất phục ý chí của chị: Treo ngược người lên cành cây mà đấm đá cho đến khi ngất xỉu; tra điện; dùng kìm rút hết móng tay rồi cắm kim vào đó… Nhưng cực hình cũng không khuất phục được người con gái trung kiên với Đảng, với nhân dân. Ngất đi rồi tỉnh lại, chị vẫn không ngớt vạch trần tội ác của bọn xâm lược, tuyên truyền giác ngộ những kẻ lầm đường lạc lối quay về với Tổ quốc. Tên quan tư cho chị 5 ngày để nghĩ lại, nếu không sẽ xử bắn. Trần Thị Khang chờ đợi ngày đó mà không hề nao núng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cơ sở cách mạng và du kích. Vào một ngày cuối tháng 6-1950, quân giặc đã giết hại chị bằng hình thức man rợ: Chúng treo ngược chị lên cành cây đa ở La Tiến, dùng dao cắt cổ rồi hất xác xuống sông Luộc.
Năm đó, chị Trần Thị Khang mới 21 tuổi.
Tin chị Trần Thị Khang bị giặc giết hại dã man đã dấy lên một làn sóng căm thù trong phụ nữ và nhân dân tỉnh Hưng Yên. Ban chấp hành Hội Phụ nữ Cứu quốc tỉnh Hưng Yên đã phát động phong trào phụ nữ toàn tỉnh học tập gương trung liệt của chị. Lực lượng nữ du kích Hoàng Ngân tỉnh Hưng Yên đã phát động “Tuần lễ giết giặc, trả thù cho chị Trần Thị Khang”. Nhiều trận đánh của du kích và bộ đội địa phương khiến cho nhiều tên giặc phải đền mạng. Đại hội Phụ nữ Liên khu 3 họp năm 1951 đã tuyên dương công trạng và truy tặng bằng khen cho người hội viên trung kiên, bất khuất Trần Thị Khang. Chính phủ cũng đã truy tặng chị Huân chương Kháng chiến hạng nhì. Ngày 8-1-2000, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng Vũ Thị Kính-Trần Thị Khang danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
"Ngày 7-5-2001, huyện Mỹ Hào quê tôi đã tổ chức đón nhận danh hiệu cao quý đó và tôi cũng được mời về dự. Trước đó, ngày 4-5, các tổ chức, đoàn thể, nhân dân huyện Phù Cừ và xã Nguyên Hòa đã đặt vòng hoa tưởng niệm tại nơi em gái tôi hy sinh. Mới đây, Hội Phụ nữ tỉnh Hưng Yên có đến gặp tôi bày tỏ mong muốn làm một cái gì đó kỷ niệm về Vũ Thị Kính-Trần Thị Khang, bởi đó là một trong những phụ nữ tiêu biểu của tỉnh. Bao nhiêu năm đã trôi qua, song tấm gương kiên trung của em tôi vẫn còn in đậm trong nhân dân Hưng Yên”-Giáo sư Trần Phương nói.
Tôi biết, mỗi lần về thăm Phù Cừ, giáo sư lại ra sông Luộc, nơi hình hài của em gái ông tan vào dòng sông và mảnh đất quê hương. Và ông xúc động nhớ tới bài thơ “Qua sông Luộc cảm tác” của Đại thi hào Nguyễn Du:
Sông Luộc nước chảy đông
Thao thao chẳng trở hồi
Núi xanh thương chuyện cũ
Tóc trắng được về nơi
Ngày xuân thuyền buôn họp
Lũy cổ mở gió khơi
Lòng vô cùng thương cảm
Cỏ thơm rợn chân trời.
HỒNG SƠN