Đình Chí Hòa là một trong những ngôi đình cổ nhất tại TP Hồ Chí Minh, có niên đại gần 300 năm. Đây là nơi nhà giáo Võ Trường Toản mở trường dạy học cuối thế kỷ 18.
Theo sử liệu, Võ Trường Toản người làng Thanh Kệ, dinh Quảng Đức (nay thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), vào cư ngụ tại làng Hòa Hưng, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là khu vực Hòa Hưng, quận 10, TP Hồ Chí Minh). Ông là một nhà nho lớn, một nhà giáo đức độ, tài ba ở miền Nam thế kỷ 18. Sở học của tiên sinh họ Võ đã đạt tới bậc danh nhân, có kiến thức uyên thâm, thông đạt, đạo đức hơn người... PGS, TS Hà Minh Hồng (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhận định: Ở thế kỷ 18, vùng đất Nam Bộ mới được khai mở nên thành phần cư dân khá phức tạp, nhiều lưu dân. Bởi thế, nhu cầu đào tạo đội ngũ trí thức đủ trình độ để làm quan và quản trị xã hội, định hình văn hóa, thu phục nhân tâm là điều vô cùng hệ trọng. Chính thời điểm này, nhà nho, nhà giáo Võ Trường Toản đến định cư ở đất Gia Định, cũng là lúc nghĩa quân Tây Sơn khởi binh. Trong cảnh binh đao ấy, Võ Trường Toản mở trường đào tạo nhân tài. Ở vùng đất mới, cái ăn cái mặc luôn là mối bận tâm hàng đầu của dân chúng thì việc học dường như quá xa vời trong nhận thức của nhân dân. Ấy vậy mà chỉ trong một thời gian không dài, Võ tiên sinh cùng những học trò của mình, bằng đức độ và tài năng lại có thể khai thông đạo học, giáo hóa dân chúng, chấn hưng văn khí, làm cho miền Nam trở nên đoàn kết, gắn bó với quốc gia, kiên trung, bất khuất bảo vệ bờ cõi giang sơn. Thế mới biết sự cao siêu của một bậc hiền nhân!
|
|
Cán bộ, giáo viên Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) dưới bức tượng Võ Trường Toản trong khuôn viên trường. |
Võ Trường Toản mở trường dạy học, thực hành đúng sứ mệnh của kẻ sĩ: Không màng danh lợi, coi khinh tiền bạc, suốt cuộc đời dồn hết tâm sức vào việc dạy người với tâm nguyện giữ gìn đạo đức xã hội, chấn hưng văn khí, đón đầu một xã hội tương lai, góp công dựng xây đất nước. Nghe tin ông mở trường, người khắp nơi đến xin học. Theo những tài liệu lưu giữ tại đình Chí Hòa: Học trò của thầy Võ Trường Toản không chỉ đông mà còn có nhiều người tài giỏi sau này ra gánh việc giang sơn. Nổi bật là nhóm Gia Định tam gia thi gồm 3 nhà thơ nổi danh ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19: Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh; có những người sau này nổi tiếng anh tài, tham gia chính sự như: Ngô Tùng Châu, Phạm Ngọc Uẩn, Lê Bá Phẩm... Học trò kính trọng thầy Võ Trường Toản ở cái tâm, cái đức và đạo học uyên thâm, lấy sở học để hưng quốc. Ông được người đời tôn xưng là “Vạn thế sư biểu” của vùng đất Nam Kỳ. Nguyễn Ánh nghe danh tài đức của ông, đã trân trọng mời ông tham gia chính sự, nhưng ông khước từ, chỉ dâng 10 kế sách giúp trị quốc, an dân. Năm 1792, hay tin Võ Trường Toản qua đời, chúa Nguyễn cảm mến, tiếc thương ban từ hiệu: “Gia Định xử sĩ sùng đức Võ tiên sinh”. Vua Gia Long truy tặng ông đôi liễn, mang ý nghĩa: “Lúc sống, dạy dỗ được người, không con mà như có/ Khi mất, tiếng tăm còn để, thân tan danh vẫn còn”...
Tên của ông được đặt cho nhiều con đường, trường học ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ. Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Được mang tên danh sư Võ Trường Toản, các thế hệ thầy, trò nhà trường coi đó là niềm vinh dự, tự hào to lớn. Chúng tôi vô cùng tâm đắc với phương pháp dạy học của nhà giáo Võ Trường Toản. Là một nhà nho, thầy coi trọng việc lấy “nghĩa lý để giáo hóa”. Có thể thấy rõ điều đó qua ví dụ khi thầy giảng về sách “Đại học”, một sách trong “Tứ thư”: “Sách “Đại học” 1.700 chữ, tán ra gồm vô số sự vật, tóm lại còn 200 chữ, tóm nữa thì còn một chữ, tóm lại nữa một chữ cũng không”. Chúng tôi hiểu rằng, thầy muốn căn dặn học trò cần hiểu cái cốt lõi, tinh túy trong nội dung cuốn sách chứ không nên học vẹt từng câu, từng chữ. Tư tưởng dạy học của thầy còn nguyên giá trị mà thế hệ nhà giáo hôm nay cần vận dụng”.
Suốt cuộc đời vì đạo học, điều lớn lao nhất nhà giáo Võ Trường Toản để lại cho đời là chữ Nhân, chữ Nghĩa và đạo đức, nhân cách cao thượng của một người thầy. Nơi ông từng dạy học năm xưa-đình Chí Hòa, đã trở thành Di tích lịch sử cấp Quốc gia, được ngành văn hóa, du lịch TP Hồ Chí Minh tôn tạo, quản lý phục vụ tham quan, tổ chức lễ hội của địa phương. Ông Hai Dũng, 51 tuổi, người trông coi đình Chí Hòa, giới thiệu: Ngôi đình này không chỉ là nơi nhà giáo Võ Trường Toản mở trường dạy học, mà trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp, do Phan Xích Long lãnh đạo cũng chọn đình Chí Hòa làm nơi bí mật luyện tập võ nghệ. Ngày 25-8-1945, từ ngôi đình này, các thanh niên tiền phong trong phong trào tổng khởi nghĩa đã dùng giáo mác, gậy gộc... xuống đường chặn đánh quân Pháp...
Bài và ảnh: CHÂU GIANG