Lúc đó, ông bắt đầu sưu tầm tài liệu, gặp gỡ các nhân chứng để chuẩn bị viết một công trình gọi là “5 con đường Hồ Chí Minh”. Ông khẳng định, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngoài đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển, đường ống xăng dầu, đường vận chuyển quá cảnh, còn có “Con đường tiền tệ” nữa. Một trong các “thủ lĩnh” tổ chức con đường đó là ông Lữ Minh Châu, tức Ba Châu, nguyên Phó ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục miền Nam, Ủy viên Trung ương Đảng (khóa VI), Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (nay gọi là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)...

Ông Lữ Minh Châu tên thật là Lữ Triều Phú, sinh ngày 29-9-1929 tại Khánh An, U Minh, Cà Mau. Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi ở địa phương, rồi nhập ngũ. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, sang Liên Xô học về tài chính ngân hàng. Ông Đặng Phong cho tôi nghe đoạn băng ghi lời kể của ông Lữ Minh Châu: “Sau khi tốt nghiệp Đại học Tài chính Moscow, tháng 12-1964, tôi về nước. Ngay sau đó, anh Sáu Triêm, Phó ban Tổ chức Trung ương kêu tôi đến, đưa sang gặp anh Lê Đức Thọ và anh Phạm Hùng để các anh giao nhiệm vụ cho tôi vào hoạt động công khai, hợp pháp trong lòng chế độ Sài Gòn... Đầu năm 1965, Phó thủ tướng Phạm Hùng khi đó phụ trách chi viện miền Nam đã đề xuất thành lập một ngân hàng đặc biệt, có mật danh là B29, thuộc Cục Ngoại hối, nhưng chịu sự chỉ đạo đơn tuyến. Ông Mai Hữu Ích, tức Bảy Ích, Cục phó, đồng thời là Ủy viên Ban Viện trợ miền Nam phụ trách B29. Toàn bộ tiền viện trợ và tiền giúp đỡ của quốc tế cho Việt Nam đánh Mỹ đều tập trung về đầu mối này. Từ năm 1965 đến 1975, B29 đã tiếp nhận gần 679 triệu USD, trong đó hơn 626 triệu USD là tiền viện trợ đặc biệt, còn lại là tiền của các tổ chức và nhân dân các nước ủng hộ...”.

leftcenterrightdel
Ông Lữ Minh Châu (người đứng) và ông Mai Hữu Ích trong vai nhà buôn tại Phnôm Pênh, thời kỳ bắt đầu chuyển tiền bằng FM, năm 1966. Ảnh tư liệu. 

Khi nhận nhiệm vụ mới, ông Ba Châu còn có thời gian ngắn được bồi dưỡng thêm nghiệp vụ tình báo và sau đó ông đã thực sự trở thành một điệp viên hoạt động trong lòng địch. Đoạn băng ghi lời ông Ba Châu: “...Tôi thuộc Ban Công tác đặc biệt của Trung ương Cục miền Nam với các bí số D270 và N2683. Anh Mười Thăng Long là Trưởng ban, còn tôi là Phó trưởng ban. Nhiệm vụ của ban là cung cấp các loại tiền nhanh chóng, đủ và đúng theo yêu cầu của hậu cần miền Nam. Tôi đóng vai một nhà buôn tại Phnôm Pênh, Campuchia”.

Tại thủ đô Phnôm Pênh, ông Ba Châu làm Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Nam Dân, chuyên buôn bán, kết nối với miền Bắc Việt Nam. Chiến trường ngày càng mở rộng, nhu cầu tiền nhiều hơn, càng nhanh càng tốt và phải cung cấp cho nhiều nơi. Cách chuyển trực tiếp tiền mặt (gọi là AM) không thể đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu, nhất là trong điều kiện chiến tranh, thường gặp không ít tổn thất dọc đường vận chuyển. Thực tế đã xảy ra một số lần địch ném bom trúng xe hàng, trong đó có các thùng đựng tiền, vỏ tuy không bị cháy song sức nóng đã làm số tiền bên trong phân hủy. Theo cuốn Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương, các năm 1972-1973, số tiền các loại bị cháy trên đường vận chuyển tổng cộng hơn 5 triệu USD. Điều này đòi hỏi bên cạnh việc chuyển AM còn phải vận dụng các nghiệp vụ mua bán và thanh toán quốc tế để có thêm cách chuyển khoản, gọi tắt là FM.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh, miền Bắc chi viện cho miền Nam một lượng lớn tiền gồm nhiều loại: Đô la Mỹ, tiền Sài Gòn, baht Thái và đặc biệt riel Campuchia, gọi là tiền R. Tiền R có vai trò quan trọng đối với hoạt động của tất cả các bộ phận kháng chiến của miền Nam. Vì thế, tại kho tiền trong căn cứ nội địa của Trung ương Cục luôn có một lượng lớn loại tiền này, thường xuyên cung ứng cho các đơn vị kinh doanh trên đất Campuchia. Trước khi Lonnol đảo chính Quốc trưởng Xihanuc, hắn đã biết ta có kho tiền R lớn, song không biết để ở đâu và lượng tiền cụ thể là bao nhiêu. Vì thế, hắn đã tính đến việc đổi tiền để vô hiệu hóa số tiền riel được lưu giữ trên đất Việt Nam. Cùng với lệnh đổi tiền là lệnh phong tỏa toàn tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia. Song ta có nội gián báo trước thời điểm đổi tiền. Khi lệnh đổi tiền được công bố ngày 24-2-1970, thì toàn bộ số tiền R của Trung ương Cục đã phân phối trở lại đất Campuchia và được đổi hết. Lúc đó, ông Mười Phi và ông Ba Châu, Trưởng  ban và Phó trưởng ban N2683 đã tổ chức giấu số tiền mới tại kho hàng của Công ty Hắc Lỷ, một đơn vị buôn bán khác của Trung ương Cục trên đất Campuchia. Tiếp đến, cuộc đảo chính của Lonnol nổ ra. Bí thư Trung ương Cục miền Nam Phạm Hùng đã chỉ thị bằng mọi giá phải đưa được số tiền R về lại căn cứ. Các ông Mười Phi, Ba Châu và Tư Cam đã nảy ra sáng kiến đóng tiền vào các túi nilon lớn, lồng một bao khác bên ngoài rồi đổ đầy mắm bù hóc lên trên. Hai xe tải lớn của hãng buôn Hắc Lỷ vẫn thường chở loại mắm này sang bán ở Nam Bộ. Chuyến “chở mắm” này vẫn như thường lệ, nhưng ta cố tình chọc thủng nhiều lỗ trên miệng túi, để xe chạy xóc, mắm trào ra bốc mùi sặc sụa. 140 chiến sĩ được huy động bảo vệ hai xe “bù hóc” bằng cách mật phục ở những nơi có trạm gác, nếu gặp địch gây rắc rối không cho qua thì nổ súng tiêu diệt tại chỗ, quyết không để “mắm” rơi vào tay chúng. May là lính Lonnol ở các trạm đã không chịu nổi mùi bù hóc, lảng tránh và kiểm soát qua loa, hai xe qua các trạm gác trót lọt. Vậy là 20 ngày sau cuộc đảo chính, toàn bộ số tiền đã vượt Cửa khẩu Túc Mía, trở về kho tiền của Trung ương Cục tại Tân Biên, Tây Ninh.

Bên cạnh việc chuyển tiền mặt, với cách chuyển tiền FM, ông Ba Châu cùng cộng sự còn chuyển hàng trăm triệu USD viện trợ thành tiền Sài Gòn, thông qua việc móc nối với một nhà tư sản có chân trong nhiều doanh nghiệp ở Sài Gòn chuyên kinh doanh vàng từ Hồng Công, Singapore và các nước. Trong việc này, ông Bảy Ích vốn là chuyên gia ngoại hối bậc thầy đã có công lớn trong việc bảo toàn vốn ngoại tệ, còn dùng nó để kiếm lời cho công quỹ. Số tiền lãi thu được trong các năm kháng chiến lên tới gần 21 triệu USD.

Ngày đất nước thống nhất 30-4-1975, ông Lữ Minh Châu làm Trưởng ban Quân quản các ngân hàng Sài Gòn-Gia Định, tiếp quản toàn bộ số tiền, vàng của chế độ cũ. Theo số liệu của ông Đặng Phong, số tiền lúc tiếp quản là hơn 1.000 tỷ đồng tiền giấy, gấp đôi lượng tiền lưu hành thời điểm đó cho đến khi đổi tiền ngày 22-9-1975. Cùng với tiền giấy, 16 tấn vàng dự trữ của chế độ cũ, từng bị đồn đoán là bị Nguyễn Văn Thiệu mang ra nước ngoài, cũng được bảo quản nguyên vẹn. Ông Lữ Minh Châu kêu gọi nhân viên ngân hàng của chế độ cũ quay lại làm việc, kiểm kê đối chiếu sổ sách. Ngày 6-6-1975, tức 5 tuần sau ngày giải phóng, Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra Nghị định số 04/PCT-75 về thành lập Ngân hàng Quốc gia. Ông trở thành người lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng mới ở miền Nam, đã nỗ lực cùng các cộng sự sớm hòa nhập, thống nhất quản lý với hệ thống ngân hàng toàn quốc. Việc giữ nguyên tên cũ còn là một cách làm hay, giúp chúng ta thế chân “gọn gàng” ngân hàng của chính quyền Sài Gòn, tiếp tục có vai trò trong các tổ chức tiền tệ quốc tế, trong lúc tiền gửi của chế độ cũ ở nhà băng nước ngoài vẫn còn hơn 100 triệu USD. Sau này, ông Lữ Minh Châu với tư cách là Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư kiêm Trưởng ban Quản lý Khu chế xuất Tân Thuận trong giai đoạn mở cửa, đổi mới còn có nhiều đóng góp trong việc thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Lữ Minh Châu, một nhân vật lịch sử của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam, đã thanh thản ra đi mãi mãi tại nhà riêng trong một hẻm ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh rạng sáng ngày 27-2-2016, hưởng thọ 88 tuổi.

PHẠM QUANG ĐẨU