Làm giỗ chung cho đồng đội

Đầu tháng 10-1968, Hoàng Ngọc Bích được điều về làm liên lạc ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 270 (Quân khu 4). Đơn vị được giao nhiệm vụ chốt giữ Điểm cao 21 (xã Gio Mỹ, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), tiêu hao sinh lực địch ở Điểm cao 31 đối diện. Ngày 15-10, hai đại đội bộ binh ngụy có cố vấn Mỹ từ Điểm cao 31 tấn công Điểm cao 21. Trung đội 4 chiến đấu dũng cảm, địch bị thiệt hại nặng. Tối 15-10, Trung đội 6 được lệnh cơ động lên phòng ngự tại Điểm cao 21. Chính trị viên phó đại đội Nguyễn Hữu Cánh và Trung đội trưởng Khương Văn Chi trực tiếp chỉ huy.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Bích xúc động giới thiệu tên 32 liệt sĩ trên bàn thờ tại gia đình. 

8 giờ sáng 16-10, pháo của địch ầm ầm giội mấy chục phút rồi lại lặng im. Khoảng một tiếng sau, trên mặt đất nghe tiếng rầm rì, hai đại đội địch có xe tăng đang tiến vào điểm cao. “Chờ địch vào thật gần mới đánh. Trên sẽ chi viện hỏa lực”-mệnh lệnh từ Ban chỉ huy tiểu đoàn.

Hàng chục xe tăng địch tiến vào theo 2 hướng. Khi vào cách 50-70m thì dừng lại, cứ thế nã đạn vào trận địa hơn 10 phút. Cả trận địa mù mịt, rung chuyển tưởng như tan tành. Nhưng đợt tấn công này địch vướng mìn chống tăng, hai xe tăng bốc cháy khiến chúng hoảng sợ phải lùi ra, tiếp tục gọi pháo bắn.

Nhiều đợt tấn công của địch đều bị Trung đội 6 bẻ gãy. Tuy nhiên, vì không được hỏa lực pháo binh của trên chi viện nên đến chiều 16-10, đơn vị bị thương vong lớn, trong khi địch vẫn tràn lên. Tiếng súng của ta thưa dần. 33 chiến sĩ Trung đội 6 quá mỏng so với lực lượng hùng hậu của địch. Đến 2 giờ sáng ngày hôm sau, Trung đội 3 được lệnh cơ động vào trận địa làm công tác thương binh tử sĩ. Khi vào tới nơi, cả chiến trường bị san phẳng, ngổn ngang vết xe tăng giày xéo. Lần tìm trong trận địa, anh em phát hiện một cái đầu nhô lên, đào bới thì phát hiện là một chiến sĩ. Sờ thấy người còn nóng nên đồng đội đã chuyển anh về phía sau điều trị. Người duy nhất sống sót ấy là Hoàng Ngọc Bích, còn 32 cán bộ, chiến sĩ của trung đội đã anh dũng hy sinh.

Năm 1980, đang là giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, mang trong người nhiều vết thương, hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, nhưng ông Bích quyết trở lại chiến trường xưa mong sao tìm lại được Điểm cao 21 với khát vọng cháy bỏng là tìm hài cốt đồng đội. Vào tới Gio Mỹ, nhìn đâu cũng thấy một màu cát trắng. Ông Bích tìm vào làng, gặp một cụ già hơn 80 tuổi, là người thông thạo địa hình, nắm nhiều chuyện thời đánh Mỹ và nhờ ông cụ chỉ dẫn tìm đến Điểm cao 21. Nhưng đứng trước đồi cát trắng mênh mông, ông chỉ có thể lấy được một lọ cát tượng trưng cho thân thể đồng đội mang ra Hà Nội rồi lập một bàn thờ đồng đội ngay tại căn nhà tập thể của mình ở Đại Mỗ, Từ Liêm (Hà Nội). Bàn thờ chỉ có một lọ cát, di ảnh đồng đội cũng không có, ông Bích tự vẽ một bức tranh màu với tựa đề “điểm chốt” về Điểm cao 21 rồi đặt lên bàn thờ. Từ năm ấy, cứ đến ngày 16-10 hằng năm, ông làm cơm để giỗ chung cả trung đội.

Năm 2008, sau khi đặt vấn đề với UBND xã Gio Mỹ, mong được xây dựng tấm bia tưởng niệm trên đồi cát, ông ra Hà Nội thuê thợ khắc tấm bia và mang vào Điểm cao 21 dựng ngày 27-7-2009. Nhưng nhiều người bảo ông làm liều khi không có chứng cứ rõ ràng mà cứ thờ “32 đồng đội”. Suốt nhiều năm, ông đi khắp nơi, gặp nhiều người, nhiều lần trở lại Gio Linh và may mắn lục lại hồ sơ ở Ban CHQS huyện Vĩnh Linh thì đúng là danh sách cán bộ, chiến sĩ trung đội hy sinh ngày 16-10-1968 là 32 đồng chí. Có bản danh sách trong tay, ông Bích viết thư báo cho gia đình 32 liệt sĩ. Thư gửi đi, lần lượt 32 gia đình liệt sĩ đều đã hồi âm, có gia đình tìm lại được hài cốt liệt sĩ. Thế là tâm nguyện của ông đã được thực hiện qua bao năm lặn lội.

Đài tưởng niệm trên đồi cát

Sau khi gắn tấm bia, nhân dân trong xã Gio Mỹ cứ đến ngày rằm, mồng một hằng tháng đều lên đồi thắp hương cho anh linh các liệt sĩ. Nhưng nhìn tấm bia phơi nắng, phơi mưa, cô quạnh trên cát trắng, ông Bích và các CCB của Trung đoàn 270 bàn với nhau đề nghị được xây đài tưởng niệm tại đây. Được sự giúp đỡ của Tổng công ty 36 (Bộ Quốc phòng) và sự quyên góp của đồng đội, công trình đài tưởng niệm đã được xây dựng trên đồi cát.

Đầu tháng 8-2011, đài tưởng niệm được khánh thành trên diện tích hơn 1.000m2, cao 6m, ba tầng mái bằng đá trang nghiêm, có lư hương, sập thờ, bia ghi danh và tóm tắt trận đánh bi hùng, tổng kinh phí xây dựng hơn 4 tỷ đồng. Đây là tấm lòng của những đồng đội may mắn được trở về sau những trận chiến ác liệt. Và với người dân Gio Mỹ thì nơi đây là quả đồi linh thiêng, nơi quy tụ anh linh nhiều liệt sĩ đã ngã xuống để nhân dân có được cuộc sống thanh bình như ngày hôm nay.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA