Nguyễn Chánh (1914-1957) sinh trưởng trong một gia đình trung nông tại Đội 6, thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc đời binh nghiệp của đồng chí Nguyễn Chánh gắn liền với Mặt trận Liên khu 5, một chiến trường khó khăn về kinh tế, bị quân đội Pháp bao vây tứ bề, cách xa Trung ương, nhưng lại có vị trí chiến lược rất quan trọng. Dưới sự lãnh đạo quân sự của ông, quân và dân Khu 5 đã giành nhiều thắng lợi quan trọng. Trong đó, ông đã chỉ huy Chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Kon Tum, đánh thắng trận An Khê, phá tan cuộc hành binh Atlante của tướng Henri Navarre. Chiến thắng này góp phần chia lửa cùng chiến trường Điện Biên Phủ, cùng cả nước đi đến thắng lợi, buộc Pháp phải đầu hàng và rút khỏi Việt Nam.
    |
 |
Đồng chí Nguyễn Chánh. Ảnh tư liệu |
Hầu hết những người từng công tác, gắn bó với đồng chí Nguyễn Chánh dù chỉ vài tháng đều có chung một nhận xét: Ngoài cương vị là một lãnh đạo, chỉ huy xuất sắc, Nguyễn Chánh còn là người rất chân tình, gần gũi. Đồng chí Trần Quỳnh, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, từng công tác ở Phòng Chính trị Liên khu 5, có 15 năm làm việc gần đồng chí Nguyễn Chánh kể lại: Hồi ấy có chủ trương xây dựng phong trào vui nhộn trong bộ đội để tạo khí thế lạc quan trong sinh hoạt và chiến đấu. Hưởng ứng phong trào đó, đời sống của bộ đội quả có vui, cởi mở và thoáng hơn nhưng cũng có anh em tếu quá trớn. Anh Chánh không mắng mà chỉ khuyên phải có chừng mực, vui nhưng đừng tục và phải biết giữ gìn tư cách người chiến sĩ cách mạng.
Đồng chí Nguyễn Chánh khuyến khích phong trào văn nghệ để vui sống đánh giặc. Bài hát: Du kích Ba Tơ (Dương Minh Viên), Bài ca tự túc (Lưu Trùng Dương), Tây Nguyên hành khúc (Đức Tùng)... là những ca khúc do chính ông đặt hàng tác giả và tham gia viết lời. Với cách nói chuyện hấp dẫn, mạch lạc, chặt chẽ, sinh động mà hết sức chân tình, nghiêm khắc nhưng lại đầy độ lượng, Nguyễn Chánh đã có cách riêng để “thu phục nhân tâm”, tổ chức chỉ đạo quân và dân Khu 5 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao, chia lửa với chiến trường chính Bắc Bộ.
Có một chuyện mà ông Phan Tâm-cán bộ lão thành cách mạng tỉnh Quảng Ngãi nhớ mãi. Ấy là sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Nguyễn Chánh thoát khỏi ca-sô Huế về Quảng Ngãi tham gia Tỉnh ủy, phụ trách Đội du kích Ba Tơ, có dịp ghé qua nhà Phan Tâm chơi. Bữa cơm gia đình có thịt gà, song Nguyễn Chánh chỉ ăn lấy lệ, nài mãi ông mới nói: “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng, ở nhà chú còn bao nhiêu người nữa còn chưa ăn...”. Chỉ một câu nói ấy thôi cũng đủ cho thấy Nguyễn Chánh là người như thế nào. Ông hầu như ít chăm chút bản thân, mà luôn chú ý đến cuộc sống đời thường của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Thể trạng của ông không được khỏe, hay ốm đau nhưng ông không bao giờ từ chối bất cứ việc gì khi tập thể cần, nhất là giai đoạn đấu tranh với chủ ngục khi bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc. Ông nói: Tuổi còn trẻ phải cố làm sao cho xứng đáng. Cuộc đời làm cách mạng rất khổ, đôi khi phải hy sinh. Sức trai chịu đựng hay đành chịu nhục mất nước? Ta có cánh phải bay, có chân phải chạy...
Nguyễn Chánh nổi tiếng là con người rất tình cảm. Trong ông có một tình thương vô tận đối với con người, rất chân thành và khoan dung, rất tôn trọng và công bằng, có lẽ chính vì vậy mà ông đã thu hút được cảm tình của nhiều người thuộc các tầng lớp và lứa tuổi khác nhau. Với tác phong giản dị, gần gũi, với tài năng thuyết phục và cái duyên nói chuyện, ông đã giác ngộ được nhiều người đi theo cách mạng, hy sinh cả gia tài, tiền của, danh vọng, đứng vào cùng hàng ngũ với ông để chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Trong số những người này có cả địa chủ, phú nông, có người xuất thân từ dòng họ vua quan, có người là trí thức, có cả những người đã từng là sĩ quan trong quân đội của Pháp. Chẳng thế mà nhiều người sống gần nhà biết ông hoạt động cách mạng nhưng không thôi thắc mắc vì sao ông phải vào tù ra tội, chịu đựng gian khổ để đấu tranh vì quyền lợi của dân nghèo mà lại chơi thân với nhà giàu như Hội viên Sâm, ông Tú Tiên, ông Chánh Lý, ông Hương Kiểm... Hóa ra, ông đang giác ngộ họ theo cách “rất con người” của mình.
Tại lễ tưởng niệm 60 năm ngày mất của tướng Nguyễn Chánh, chúng tôi được nghe tâm sự đầy xúc động của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, nguyên Chính ủy Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, người có thời gian dài hoạt động với đồng chí Nguyễn Chánh ở Khu 5. Ông nhắc lại những kỷ niệm một thời gắn bó cùng người chỉ huy “đặc biệt và hiếm có” với sự kính trọng và trân trọng: “Mỗi khi nhớ đến quê hương Quảng Ngãi, tôi lại nhớ đến anh Chánh và những ngày Liên khu 5 “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước trọng trách đè nặng hai vai và thách thức quá lớn, anh Chánh đã tỏ rõ phẩm chất kiên cường, sáng suốt và toàn diện”.
    |
 |
Đồng chí, đồng đội và đại diện gia đình tại Lễ tưởng niệm 60 năm Ngày mất của nhà cách mạng Nguyễn Chánh. Ảnh: Tuấn Tú |
Còn nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, tuy không trực tiếp làm việc dưới quyền Bí thư khu ủy Nguyễn Chánh, nhưng với vai trò là phóng viên, có điều kiện tiếp xúc với nhiều lãnh đạo, đồng chí cùng làm việc với nhà cách mạng Nguyễn Chánh nên biết rất nhiều về ông. Sau này, khi Hiệp định Geneve được ký kết, nhà báo Hà Đăng lại là người may mắn đi chuyến tàu cuối cùng đưa cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, trên đó có đồng chí Nguyễn Chánh và đồng chí Nguyễn Duy Trinh ngày 16-5-1955. “Lần ấy, tôi được gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp với anh Chánh. Quả thật như lời người ta nói, anh là một lãnh đạo rất gần gũi, thân thiết, coi cấp dưới như anh em và đặc biệt nghiêm túc trong công việc”-nhà báo Hà Đăng cho biết.
Bà Nguyễn Tuyết Minh, con gái thứ hai của đồng chí Nguyễn Chánh chia sẻ kỷ niệm: “Hồi tôi và anh tôi học lớp 5, lúc đó chúng tôi khoảng 12-13 tuổi. Có một lần ba tôi về thấy anh tôi mặc một chiếc áo màu boóc-đô may bằng vải xa xỉ là thứ hàng nhập khẩu của Pháp. Hồi đó ở Khu 5 có chính sách “Bao vây kinh tế địch”, vì vậy tuyệt đối không ai được dùng hàng ngoại và ba đã gợi ý để anh tôi tự tay đốt chiếc áo đó đi. Còn tôi là con gái nên ba nhẹ nhàng hơn. Lúc nằm ngủ trưa, thấy tôi đeo một chiếc vòng nhựa màu xanh ở cổ tay, cũng là hàng ngoại, ba cầm tay tôi xem chiếc vòng rồi nói: “Mua chiếc vòng này là con tiếp tế cho địch một viên đạn để bắn lại quân của ba đây!”. Tôi vội tụt xuống giường, ra ngoài bể nước xoa xà phòng cởi vòng ra. Đến chiều, khi ăn cơm, để ý không thấy chiếc vòng trên tay tôi, ông cười đầy vẻ hài lòng”.
Trong câu chuyện với bà Tuyết Minh, chúng tôi còn được biết, đồng chí Nguyễn Chánh không chỉ yêu thương con, quý mến bạn bè của các con mà còn rất quan tâm săn sóc con của các đồng chí cùng hoạt động với ông, của những người đã hy sinh cũng như những người lúc đó còn đang bị cầm tù. Năm 1956, khi ông đi Trung Quốc chữa bệnh, ghé vào Khu học xá Nam Ninh, ông gọi tất cả con của các cán bộ Khu 5 đến chơi và chụp ảnh kỷ niệm, những tấm ảnh đó còn được các gia đình giữ đến ngày nay. Tình cảm của ông không đóng khung trong phạm vi những người quen biết hoặc những người cùng quê, mà còn vươn đến một thứ tình cảm lớn lao hơn-đó là tình đồng loại, tình quốc tế. Thời gian ông ốm phải điều trị ở Thanh Đảo, Quảng Châu, Trung Quốc, khi viết thư cho các con, ông thường kể chuyện về các cô y tá, các bác sĩ Trung Quốc đã tận tình chữa bệnh cho ông như thế nào. Ông gửi ảnh của họ về nhà và tặng ảnh người thân, phong cảnh Việt Nam cho họ. Ông làm những điều này hoàn toàn do tình cảm chứ không phải vì ý thức ngoại giao, chính trị. Bao giờ ông cũng muốn những người ông quen thân đồng thời cũng là người thân của các con và bạn bè ông, ngược lại, bạn bè của họ, người thân của họ đồng thời cũng là người thân của ông...
BÍCH TRANG - NGUYỄN THANH QUÝ