Ông kẻ vẽ khẩu hiệu, phát thanh hô loa, diễn kịch tuyên truyền xóa nạn mù chữ, quyên góp “Tuần lễ vàng” phục vụ kiến quốc.
Từ chuyện vào hang bắt cọp...
Năm 1949, giặc Pháp nhảy dù chiếm đóng bốt Thiên, xây dựng một cứ điểm để khống chế phong trào du kích, thực hiện kế hoạch bình định khu Đồng bằng Bắc Bộ. Chúng lập ra tổ chức hương dũng, cử ra hương chủ, lập làng tề, rào làng và tổ chức càn quét, tìm diệt cơ sở cách mạng quanh vùng. Hồi ấy có một người từng là cán bộ của Việt Minh, sau đảo ngũ sang giặc, khét tiếng tàn bạo. Để tỏ lòng trung thành với người Pháp, ông ta chỉ huy vây quét, săn lùng cán bộ Việt Minh. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều cơ sở bí mật của cách mạng bị phá vỡ; nhiều đảng viên, cán bộ nòng cốt bị bắt, bị giết. Ông ta được thưởng mề đay, thăng lên chức đội, gọi là ông Đội.
Ông Khúc Kim Đính. Ảnh tư liệu.
Trước tình hình đó, chi bộ Đảng họp ra nghị quyết, bí mật cử một số đảng viên về tề, về vùng địch, sống với vợ con, hợp thức hóa, bám dân, bám đất, nắm tình hình và lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Riêng Khúc Kim Đính được giao làm công tác địch vận, sau này mới biết thực chất là tình báo. Một kế hoạch được quyết định là phải loại trừ tên phản bội. Lão Đội đẹp trai, thích ăn diện, nghiện hút thuốc lá thơm Cô-táp, lại sành uống cà phê và được nhiều phụ nữ mê. Hắn ta có nhiều vợ, chi phí tốn kém. Không biết bằng cách nào ông Đính đã nhanh chóng “kết bạn tâm giao” với tên Đội. Họ thường rủ nhau ra thị xã Hải Dương chơi, may quần áo hoặc mua sắm những lọ nước hoa Pháp… Dân làng Thiên thấy hai người cặp kè nhau, nên không ít đôi mắt nhìn theo ông đầy ẩn ý…
Một lần vào buổi sáng, trên con đường 183, có hai người đàn ông ăn mặc sang trọng đi bộ từ cầu Thiên về phía đò Bình. Tới quán Kỹ Sơn, bỗng nhiên bên đường có tiếng hô “dừng lại!”, rồi có một tốp du kích xông lên.
Từng là công an Việt Minh đảo ngũ về làm việc cho Pháp, tên Đội luôn đề phòng bị ám sát. Bây giờ biết có động, hắn rút trong túi quần ra một quả lựu đạn mỏ vịt, vừa chạy vừa giơ lên dứ dứ hô to: “Lựu đạn này! Lựu đạn này”. Mấy người du kích nghe thế, vội nằm rạp xuống mặt đất. Chờ không có tiếng nổ, biết là bị lừa, bèn đứng dậy đuổi tiếp. Khi ấy, lão Đội bỗng quay lại và ném thật. Một tiếng nổ vang lên, hết làn khói bay thì cũng là lúc đối tượng chạy đã xa. Tên Đội thoát thân, trong tình thế không có trong kịch bản. Còn Khúc Kim Đính, trong tích tắc bàng hoàng đã nhanh trí tương kế tựu kế, chạy theo Đội trở về đồn…
Từ chiều hôm đó, ông sống trong sự căng thẳng. Chưa có chỉ thị của tổ chức, ông không dám bỏ ra vùng tự do. Như thế khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”? Ở lại thì nơm nớp kẻ thù tới bắt. Nhưng thật may, vỏ bọc của ông còn nguyên vẹn.
Tháng 3-1953, một đảng viên trong chi bộ bị địch nghi ngờ bắt giam ở đồn Phả Lại. Tổ đảng cử ông đi nắm tình hình. Nhưng giữa đường, thì ông đã bị Tây bắt và tra tấn. Có một tên chỉ điểm, khai cho ông làm công an (?). Ông nói cứng rắn với bọn Tây: “Mắt phải của tôi bị hỏng hoàn toàn, không nhìn thấy gì, không thể đi đêm được. Vả lại Việt Minh cũng không dùng những người hỏng mắt như tôi”.
Lại tra tấn, lại quay điện. Chúng đánh chán rồi bỏ ông đói ba ngày. Ông mừng lắm bởi điều quan trọng nhất là tên chỉ điểm và bọn giặc không biết ông là Cộng sản. Chúng chỉ biết đây là một thanh niên yêu nước, từ sau ngày Tổng khởi nghĩa có tham gia kẻ vẽ khẩu hiệu, diễn kịch, tuyên truyền cho Chính phủ Hồ Chí Minh.
Ngày ông còn đi làm thợ, bị một mảnh xương trâu bắn vào mắt, hỏng một bên mắt. Bây giờ ông đã khôn khéo lợi dụng để che đậy thân phận của mình. Bọn Tây ù mờ, chúng không biết rằng, người bị hỏng một mắt, thì mắt kia có thị lực gấp đôi… Tra tấn mãi, không có bằng chứng gì, giặc tống ông lên xe chở về nhà tù Gia Lâm.
... Đến nỗi hàm oan
Đi tù, mất liên lạc với Đảng mấy năm, nên khi trở về làng, ông không được sinh hoạt. Ông như con chim lạc đàn, luôn nhớ về tổ cũ. Người ta bí mật đi tìm những bạn tù của ông ở nhiều nơi để thẩm tra. Ở đâu ông cũng được nhận xét là người có lòng yêu thương và hay bênh vực bạn tù. Đang lúc công việc thẩm tra chuẩn bị kết thúc, thì có một người tuy không ngồi tù với ông, nhưng khai ra ông làm cai tù.
Lại tiếp tục đi tìm chứng cứ và ông lại mòn mỏi đợi chờ.
Quyết định phục hồi Đảng tịch của ông Khúc Kim Đính.
Biết rằng mình đang trong thời gian thử thách, ông xin đi bán sách hưởng hoa hồng cho có việc làm. Đường từ nhà ra tỉnh gần 40 cây số qua hai con đò, ông đạp xe cọc cạch đi lĩnh sách về, không có cửa hàng, mang bán rong, bán lưu động. Chỗ nào đông người là đến, là tuyên truyền, kể chuyện sách, giới thiệu sách mời mọc người mua.
Ban ngày, ông ra nơi dân công đắp đê chống lụt. Ông căng dây, treo cờ Tổ quốc, ảnh Bác trên sườn đê, ngồi chờ. Lúc họ giải lao, ông mang sách đến tận nơi để bán. Ông viết đôi câu đối treo lên: Khi lao động vui câu hò tiếng hát/ Lúc giải lao xem quyển sách tờ tranh. Ban đêm, ông ra bãi chiếu bóng nhờ mi-crô để giới thiệu. Ông nói dõng dạc: “Có sách hướng dẫn trồng cây điền thanh, nuôi bèo hoa dâu đây! Có cả truyện cho trẻ em nhé: “Dế mèn phiêu lưu ký”. Còn đây, cuốn truyện “Phá đám” dành cho thanh niên. Ai cần cứ gọi”. Ông vào tận hang cùng ngõ hẻm, vùng núi rừng bán sách cho người dân tộc thiểu số.
Cứ như thế, ông bán được nhiều sách, số doanh thu cao. Số tiền 5% hoa hồng đủ để sống và đợi chờ…
Rồi ông được bầu là Lao động tiên tiến, là Chiến sĩ thi đua của ngành phát hành sách tỉnh Hải Dương, được tặng Bằng khen của Bộ Văn hóa...
Như chim lạc bầy tìm thấy tổ...
Người ta bảo: “Đất có tuần, người có vận”, chẳng biết thế có đúng không, nhưng năm 1962, ông có những niềm vui dồn dập: Được bình xét là Chiến sĩ thi đua toàn ngành lần thứ hai. Vào tuổi 42, ông được vào biên chế nhà nước. Người ta nhìn ông với con mắt ấm áp hơn, chứ không phải anh bán sách như trước. Cảm động hơn là sau gần 9 năm thấp thỏm đợi chờ, tại Quyết định số 11/NQ-HU ngày 13-7-1962 của Ban thường vụ Huyện ủy Chí Linh, ông được phục hồi Đảng tịch. Ông đã được minh oan, không phải “cai tù” như lời tố cáo.
Ông như con chim xa đàn tìm thấy tổ, mãn nguyện lắm!
Sau này trong hồ sơ cán bộ của ông, vẫn còn lưu lại bản xác nhận của đảng ủy cơ sở xã Thái Học gửi về huyện: “Đảng ủy có phân công đồng chí tổ chức đến gặp ông Tế, thôn Đa Đinh, ông Căn, thôn An Ninh, xã An Bình và ông Chữ, ông Hài, thôn Tè, xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách là những người cùng bị giam ở Gia Lâm, thì 4 ông này đều chứng nhận là đồng chí Đính được anh em cử làm đầu dây, nhận công việc cho anh em tù. Giấy tờ này đều có chữ ký và con dấu của UBHC các xã nhận thực và chúng tôi đã gửi về Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Chí Linh. Sau khi đồng chí Đính bị bắt, thì khai báo thế nào không rõ, nhưng cơ sở ở tề vẫn giữ được vững không có việc gì xảy ra. Bí thư Đỗ Chạo”.
Thực ra vào cuối năm 1953 đầu 1954, giặc Pháp đang bị sa lầy trong chiến trường Điện Biên Phủ. Hằng ngày, có hàng trăm chuyến bay chở hàng, vũ khí đạn dược khí tài, tiếp tế cho căn cứ Điện Biên. Ở Gia Lâm cứ sáng ra, các tù nhân bị lùa vào một chỗ, rồi địch từ các nơi đến nhận người, bắt họ khênh vác sắt thép, vũ khí rất nặng nhọc và luôn đánh đập, thúc ép người tù. Thấy ông hay bênh vực người yếu, lại ăn nói mạch lạc rõ rành, nên các tù nhân trong trại thống nhất cử ông đứng ra đại diện, tức là “đầu dây”, thay mặt cho một tốp có 25 người, để sắp xếp công việc, bảo vệ những người già yếu, hay bị Tây đánh đập. Đến ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, ông tham gia Ban tổ chức đình công, tổ chức mít tinh, kẻ khẩu hiệu, đòi phía địch thực hiện đúng tinh thần Hội nghị Quân sự Trung Giã, không vận chuyển vũ khí, chất nổ trong ba ngày. Nhà tù Gia Lâm, tổ chức Trung đội Tiền Phong, ông được cử làm Trưởng ban vui sống, đòi thuốc men cho người già yếu, bảo đảm khẩu phần ăn, tổ chức văn nghệ, ca hát, đọc thơ ca kháng chiến… Bọn địch phải nhượng bộ. Ông tuổi Thân (1920), mất năm 1996, thọ 77 tuổi.
KHÚC HÀ LINH