Mặc dù bị căn bệnh viêm đa khớp, nhiều khi phải nằm trên giường bệnh, nhưng với chiếc máy vi tính và gần 15.000 đầu sách đủ các thể loại Đông, Tây, kim, cổ, thầy giáo Hỷ vẫn miệt mài với công việc...

Thầy Nguyễn Thừa Hỷ sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Cót, TP Hà Nội. Ấp ủ giấc mơ thi vào Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cậu học trò Nguyễn Thừa Hỷ rất chịu khó học tập, đêm ngày “dùi mài kinh sử”. Những năm tháng bao cấp dù gặp bao khó khăn vất vả nhưng Hỷ vẫn không nản chí. Hỷ có một người anh trai tên là Hoan, không may đoản mệnh mất sớm. Bố mẹ đau buồn vì ước nguyện gia đình “Hoan Hỷ” không thành. Nghĩ thương bố mẹ, lại thương anh, Hỷ lại càng quyết tâm phấn đấu bằng hai người. Nỗ lực được đền đáp khi Nguyễn Thừa Hỷ thi đỗ vào khóa đầu tiên, Khoa Lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp-ngôi trường danh tiếng lúc bấy giờ.

Nghĩ về những ngày ngồi trên ghế giảng đường, thầy Hỷ vẫn rưng rưng xúc động. Lớp học với nhiều thành phần, từ thành thị đến nông thôn, lại có cả các anh chiến sĩ đã lớn tuổi vừa trải qua kháng chiến. Thầy Hỷ tâm sự: “Ngày đó không có nhiều tài liệu, sách vở như bây giờ. Lên thư viện không phải lúc nào cũng sẵn, nhiều tài liệu quý hiếm phải có thẻ đọc ưu tiên mới được tiếp cận. Có được một quyển sách là cả lớp chuyền tay nhau đọc say sưa, đến quên cả ăn, ngủ”. Nhưng điều may mắn và trở thành động lực của Hỷ trong những ngày đầu học tập nghiên cứu lịch sử đó là gặp được nhiều người thầy đáng kính, trong đó có thầy Đào Duy Anh, một nhà nghiên cứu với những công trình mang tính khai phá, đặt nền tảng cho sự hình thành nền sử học và nền văn hóa học hiện đại Việt Nam. Trong giảng dạy, thầy là tấm gương về tinh thần tự học không ngừng nghỉ. “Tôi học được nhiều nhất ở thầy đó là tư duy bất phẫn, bất phát. Nghĩa là phải dạy những điều người học cần thì mới thành công được và quan trọng nhất là người thầy phải thắp được ngọn lửa đam mê cho người học”, thầy Hỷ cho biết.

Sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1959, thầy được điều động dạy môn Lịch sử cho học sinh trung học phổ thông ở nhiều địa phương khác nhau. Mãi tới năm 1990, khi đã 54 tuổi, thầy mới về làm cán bộ giảng dạy tại Bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Khoa Lịch sử, theo lời mời của GS Phan Huy Lê. Dù công tác ở đâu, thầy Hỷ vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, là người tiếp lửa cho học trò.

leftcenterrightdel
PGS, TS, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ.

Nhắc đến thầy giáo Nguyễn Thừa Hỷ nhiều người nghĩ ngay đến những công trình nghiên cứu về Hà Nội, một trong số đó là luận án tiến sĩ của thầy năm 1984 với tên gọi: “Thăng Long-Hà Nội thế kỷ 17, 18, 19: Kết cấu kinh tế-xã hội của một thành thị trung đại”. Thầy Hỷ nhớ lại: “Trước khi chọn đề tài này, tôi được gợi ý nghiên cứu về khởi nghĩa nông dân hoặc khai hoang ở miền Nam. Tôi e ngại bởi đây không phải sở trường. Trong khi đó tôi lại sinh ra và lớn lên ở Thủ đô, từng chứng kiến bao thăng trầm của mảnh đất này và hơn hết là tình yêu với Thủ đô nên tôi đã chọn Hà Nội để nghiên cứu”. Lựa chọn là vậy nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu thầy Hỷ mới thấm thía những khó khăn, vất vả. Nguồn tư liệu cổ bằng tiếng Việt khá eo hẹp. Lúc bấy giờ, việc tiếp cận các tư liệu bằng tiếng Anh, Pháp viết về Thăng Long-Hà Nội thời kỳ trung đại khá khó khăn. Để có nguồn tư liệu, suốt 3 năm trời, thầy Hỷ sử dụng vốn ngoại ngữ của mình để tìm tòi, chắt lọc, dịch nghĩa, đối chiếu, trích dẫn vào luận án nhiều tư liệu gốc của nước ngoài, chưa từng được khai thác. Điều kiện kinh tế của bản thân còn gặp khó khăn, có lúc tưởng sẽ buông xuôi, nhưng thầy Hỷ vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng.

Cho đến bây giờ, thầy Hỷ vẫn nhớ như in buổi bảo vệ luận án mà ngồi phía dưới hội đồng khoa học là nhiều tên tuổi cốt cán của ngành giáo dục, sử học, như: GS Nguyễn Khánh Toàn, “bộ tứ” Lâm-Lê-Tấn-Vượng (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng)… Nghiên cứu sinh Nguyễn Thừa Hỷ vừa báo cáo xong thì phía dưới bỗng có tiếng xì xào. Có một số ý kiến băn khoăn, cho rằng nên cân nhắc luận án vì thời đó, người ta còn tâm lý hơi e dè với những cụm từ mới như “thế lưỡng nguyên”. Nghe vậy, thầy Hỷ lo lắng lắm. Thầy mạnh dạn đứng dậy trình bày ý kiến, với những lập luận sắc sảo, chắc chắn. Thầy Hỷ chia sẻ: “Một trong những luận đề quan trọng tôi đưa ra là “Thế lưỡng nguyên đối trọng nhà nước-dân gian. Hiểu đơn giản, nhân tố nhà nước, thể hiện ở những biện pháp can thiệp, kiểm soát của nhà nước vào đời sống kinh tế của dân chúng (chính sách thuế khóa). Bộ phận kinh tế này chỉ chiếm một thị phần nhỏ, nhưng vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế đô thị. Kinh tế dân gian đô thị chỉ có thể tồn tại và phát triển được với sự dung dưỡng và có mặt, có lúc là sự hỗ trợ khuyến khích của nhà nước. Nhưng mô hình này có cả ưu và nhược điểm. Ở một số thời điểm lịch sử, nhất là cuối thế kỷ 19, nó đã bộc lộ sự trì trệ, đầy rẫy mâu thuẫn, nghịch lý, khiến đô thị Thăng Long-Kẻ Chợ không thể vượt ngưỡng để phát triển lên, mặc dù có tiềm năng to lớn”.

Thầy Hỷ vừa nói xong thì cả khán phòng vỗ tay tán thưởng. Thầy thở phào nhẹ nhõm khi hội đồng đánh giá luận án rất cao, đặc biệt là về mặt tư liệu, bởi nó mang đến cái nhìn đa chiều về Thăng Long-Hà Nội mà chưa có công trình nào nghiên cứu. Công trình đã phác họa được diện mạo của Thăng Long-Hà Nội qua các thế kỷ 17, 18, 19, trở thành những luận đề quan trọng, có ảnh hưởng rộng rãi trong giới nghiên cứu trong và ngoài nước khi tiếp cận lịch sử xã hội Việt Nam thời kỳ trung đại. Cơ duyên ấy là cột mốc quan trọng khiến thầy Nguyễn Thừa Hỷ gắn bó sâu sắc với ngành Hà Nội học trong suốt mấy thập kỷ qua.

Nhà giáo Nguyễn Thừa Hỷ nhận bằng Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ trung đại năm 1984, được công nhận chức danh Phó giáo sư năm 1996, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2002. Vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, thầy Hỷ ra mắt cuốn sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây” với dung lượng hàng nghìn trang, được đánh giá cao. Năm 2018, dù tuổi đã cao, sức khỏe có hạn nhưng thầy Hỷ đã xuất bản cuốn “Thăng Long-Hà Nội trong mắt một người Hà Nội” như một sự nối dài những tâm huyết của thầy về Hà Nội.

Bài và ảnh: NGUYỄN NGỌC TUÂN