Ông Mai Đức Toại nhập ngũ năm 1950 và được biên chế vào Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312. Đến năm 1958, ông được trên cử đi học lái máy bay MiG-17 tại Trung Quốc. Ông là một trong số những phi công đầu tiên của Việt Nam trưởng thành từ lính bộ binh, được đào tạo ở nước ngoài trở về cùng các phi công trong nước tham gia chiến đấu. Bằng ý chí và nghị lực, cùng với sự mưu trí, dũng cảm, áp dụng cách đánh của Việt Nam, ông đã cùng đồng đội liên tục xuất kích đánh đuổi nhiều máy bay của giặc Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa và các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc của Tổ quốc.

leftcenterrightdel
Đại tá Mai Đức Toại (đứng thứ ba, từ trái sang) và các cựu chiến binh của Đại đoàn 312 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2001. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Trong cuộc đời là phi công tham gia chiến đấu, chiến công của ông có nhiều nhưng kỷ niệm mà ông nhớ nhất vẫn là trận xuất kích vào ngày 2-9-1965, đúng ngày kỷ niệm 20 năm Quốc khánh. Mặc dù lần xuất kích đó không lập được chiến công nhưng biên đội của ông đã ngăn chặn không cho máy bay địch vào sâu đánh phá ta. Sáng hôm ấy, biên đội MiG-17 gồm: Mai Đức Toại, Lê Trọng Huyên, Nguyễn Văn Bảy, Đỗ Huy Hoàng nhận được lệnh trực cấp 1 tại sân bay Đa Phúc. Sau khi tiếp thu máy bay và hiệp đồng chiến đấu xong, 6 giờ 30 phút, trực ban tác chiến thông báo do thời tiết xấu nên biên đội trực chiến chuyển sang cấp 3, nhiệm vụ trực cấp 1 được giao cho bộ đội phòng không. Nghe vậy, mọi người ai nấy đều tranh thủ chợp mắt vì sáng nào cũng thức dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị. Đang ngon giấc thì 9 giờ, trực ban tác chiến thông báo đơn vị chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu vì có 3 tốp máy bay địch đang trên đường vào phía tây nam Ninh Bình. Mọi người vội vàng thức dậy và ở tư thế sẵn sàng chờ lệnh, khoảng 2 phút sau thì từ đài chỉ huy có hai phát pháo hiệu đỏ vút lên trời, báo động đơn vị vào trực cấp 1. Cả 4 phi công Mai Đức Toại,

Lê Trọng Huyên, Nguyễn Văn Bảy, Đỗ Huy Hoàng chạy ra máy bay lên buồng lái, nhanh chóng thực hiện các thao tác, sẵn sàng chờ lệnh của sở chỉ huy.

Khoảng 3 phút sau, một quả pháo hiệu đỏ lại vút lên, sở chỉ huy lệnh cho phép mở máy cất cánh, vòng phải theo hướng cầu Đuống-Long Biên sang Hà Nội. Sau đó, sở chỉ huy ra lệnh cho biên đội vòng trái hướng Nho Quan (Ninh Bình). Vòng trái xong, Mai Đức Toại lệnh cho số 2 Lê Trọng Huyên triển khai đội hình xuyên mây lên độ cao hơn 3.000m, đến Ninh Bình ước tính lượng mây 6/10, có thể nhìn thấy mục tiêu mặt đất, biên đội tiếp tục bay đến Ghềnh thì sở chỉ huy lại lệnh vòng trái hướng Nho Quan theo trục đường 59. Khoảng 5 phút sau, sở chỉ huy thông báo địch đang ở bên phải biên đội 60 độ và khoảng cách 70 cây số, chúng có 3 tốp đang hoạt động ở phía tây Thanh Hóa. Tiếp tục vòng phải 60 độ, quan sát một hồi lâu, Mai Đức Toại và Lê Trọng Huyên đều phát hiện được mục tiêu. Chúng có vẻ như đang săn tìm gì đó?

leftcenterrightdel
Đại tá Mai Đức Toại giới thiệu những hình ảnh trong cuộc đời quân ngũ của mình với con trai.

Mặc dù rất muốn được tiếp cận mục tiêu để công kích nhưng sở chỉ huy chưa cho phép, vậy là ông lệnh cho số 2 vòng quanh tại chỗ khu vực Nho Quan, Ghềnh để chặn địch nhưng mãi vẫn không thấy chúng vào sâu. Khoảng 20 phút sau, sở chỉ huy lệnh cho biên đội thoát ly về hạ cánh. Vốn đã bay quen địa hình nên ông nhanh chóng giảm độ cao từ 4.000m xuống 1.000m bay dọc theo sông Hồng về Phú Xuyên rồi chuẩn đài xa về hạ cánh.

Buổi chiều hôm đó, biên đội được vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đến thăm, động viên. Sau khi nghe Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện báo cáo tình hình trực chiến của đơn vị, Đại tướng đã biểu dương tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của đội ngũ phi công cũng như anh em nhân viên kỹ thuật, hậu cần; Đại tướng ân cần thăm hỏi các phi công, căn dặn mọi người cần phải tỉnh táo, tiến công kiên quyết, đặc biệt là hiệp đồng tác chiến tốt để làm chủ các trận đánh. Một thời gian sau, Đại tá Mai Đức Toại đã xuất kích và bắn hạ được hai máy bay F105 và A4 của Mỹ, được Bác Hồ tặng thưởng Huân chương Chiến công và Huy hiệu của Người.

MAI VĂN ĐÔNG