QĐND - "Thời gian hạnh phúc nhất của vợ chồng tôi chỉ khoảng 15 năm trở lại đây, từ lúc tôi chính thức nghỉ hưu. Bao nhiêu năm kháng chiến giải phóng dân tộc, làm nhiệm vụ quốc tế, sự chia ly luôn thường trực trong mối quan hệ vợ chồng. Dẫu vậy, cuộc sống đã dành tặng tôi một người vợ đảm đang, là hậu phương vững chắc để tôi vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Thiếu tướng Cao Long Hỷ, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ An ninh quân đội chia sẻ về người vợ thảo hiền của mình như vậy.

Mối lương duyên miền Nam

Trong căn nhà nhỏ ấm cúng ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, tôi may mắn được trò chuyện với vợ chồng Thiếu tướng Cao Long Hỷ. Với chất giọng miền Nam đặc sệt và nụ cười hiền hậu, ông bà kể về câu chuyện gia đình, không quên dành tặng cho nhau những lời cảm phục về đức hy sinh, sự thủy chung trong tình nghĩa vợ chồng.

Vợ chồng ông Cao Long Hỷ năm 1965.

Tuổi thơ của chàng trai Cao Long Hỷ (sinh năm 1934, quê xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) gắn liền mảnh đất Gia Định với những ngày đi bán bánh dạo và những đêm vạ vật, ngủ ở vỉa hè. Từ nhỏ, Cao Long Hỷ đã chứng kiến kẻ thù gây nhiều tội ác trên quê hương và nỗi đau lớn nhất khi kẻ thù bắn chết cha của ông. Lòng sục sôi căm thù giặc đã tiếp thêm động lực để chàng thiếu niên 13 tuổi gia nhập các tổ chức vũ trang thuộc Khu 7 (Quân khu 7 ngày nay) làm cách mạng, đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, về một đơn vị pháo binh ở Vĩnh Phúc, sau đó được cử đi học Trường Sĩ quan Pháo binh ở Sơn Tây. Nhờ có kết quả học tập tốt nên khi tốt nghiệp, ông được nhà trường giữ lại làm giảng viên. Ông nhớ lại: “Dịp Tết năm 1961, khi được nghỉ phép, tôi về thăm người em trai đang học lớp bổ túc học sinh miền Nam ở Đông Triều (Quảng Ninh). Tại đây, tình cờ tôi gặp được nữ sinh Lê Thị Liễu Chi-người con gái gốc Tam Bình, Vĩnh Long (sau này là vợ) theo gia đình tập kết ra Bắc. Thuở ấy, gặp người gốc miền Nam thì vui lắm và câu chuyện dường như có sự thân thiết đã từ rất lâu”.

Tháng 5-1961, ông nhận lệnh tập trung chuẩn bị đi B. Cũng thời điểm đó, ông biết được bà đã chuyển lên học ở Trường Bổ túc Công nông Trung ương tại Hà Nội. Cùng đồng đội tập kết ở địa điểm đã định, chỉ còn 15 ngày nữa lên đường vào Nam chiến đấu thì bất ngờ ông nhận lệnh quay lại Hà Nội khám sức khỏe và nhận quyết định sang Liên Xô học tập theo diện đào tạo cho giải phóng quân miền Nam. Trước ngày lên đường sang nơi xứ người, ông quyết định gom góp tiền dành dụm, mua được 2 lạng kẹo xuống Trường Bổ túc Công nông Trung ương thăm bà. Khi thông báo với bà chuyện ông được cử sang Liên Xô học, gương mặt bà thoáng mừng, nhưng lại phảng phất nỗi ưu tư. Còn ông cảm thấy như sắp phải chia xa một thứ gì đó thiêng liêng, quan trọng lắm. Rồi hai người rủ nhau đi ăn phở. Lạ thay, cả đoạn đường không một quán phở nào mở cửa nên hai người quyết định vào một quán miến gà. Người chủ quán vô tình đưa bát miến của ông nhiều thịt, còn bát của bà thì nhiều xương cánh. Vốn tình cảm, ông muốn nhường cho bà tô miến nhiều thịt nhưng không biết làm cách nào. Nhanh trí, ông nhờ bà ra bàn phía trước lấy thêm lọ giấm. Có cơ hội, ông thực hiện ngay “thủ thuật” để nhường bà tô miến ngon hơn.

Bà Chi nhớ lại: “Khi trở lại bàn, tôi phát hiện ngay bát miến của mình bị đổi. Lúc đó, tôi chợt nhận ra một điều, người đàn ông này có thể là chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời mình. Bát miến chẳng đáng là bao, nhưng ý tứ của người mời và cách ông ấy sẻ chia, nhường nhịn khiến tôi cảm động và trân trọng. Và có lẽ, tình cảm của chúng tôi bắt nguồn từ đây”.

Sau lần ông đến thăm, hai người gần như “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Gần bốn năm ông học Cao đẳng An ninh quốc gia Liên Xô thì bà cũng đỗ và học Trường Đại học Kinh tế tài chính. Bao nhiêu thương nhớ, gửi gắm, ông bà nhờ những cánh thư làm cho khoảng cách địa lý như ngắn lại và thời gian xa cách cũng thu hẹp hơn. Ông tâm sự: “Ở bên Liên Xô, nhận được thư của bà từ Việt Nam gửi sang, tôi vui mừng lắm và vô cùng xúc động, cảm thấy có hơi ấm từ quê hương, tiếp thêm động lực để tôi cố gắng học thật tốt”. Bà mỉm cười chia sẻ: “Tôi ở Việt Nam cũng vậy, nhận được thư ông thì rất vui. Tâm lý của người nữ sinh lúc đó cũng trong sáng lắm, chủ yếu mong muốn động viên nhau cố gắng học tập...”.

Tốt nghiệp ở Liên Xô với tấm bằng đỏ, ông về nước với tâm lý sẵn sàng đi B. Nghĩ rằng đi vào miền Nam chiến đấu sẽ khó hẹn ngày trở về nên ông nói với bà nên chia tay để bà chuyên tâm cho công việc học tập của mình. Nhưng bà không chấp nhận. Lời bà nói khi ấy ông vẫn còn nhớ mãi: “Anh cứ chiến đấu cho đất nước, còn em ở nhà đợi anh trở về”. Chính vì thái độ cương quyết, tin tưởng của bà, ông đã thưa chuyện với tổ chức. Thời đó, muốn cưới nhau không phải dễ, nhất là ông đang chuẩn bị đi B. Được tổ chức cho phép, đám cưới giản đơn của ông bà diễn ra tại phố Bà Triệu (Hà Nội) ngày 24-11-1964 dưới sự chứng kiến của gia đình, đồng đội và bạn bè.

Đám cưới của vợ chồng ông ngày ấy đơn sơ. Hôm đó, ông mặc áo vest còn bà mặc chiếc áo dài trắng trông rất đẹp đôi, ai cũng ngưỡng mộ, ngợi khen. “Tôi và vợ đến với nhau giản dị bởi chúng tôi là những đồng hương cùng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền Nam thân yêu. Chính tình cảm thiêng liêng ấy đã vun đắp, nuôi dưỡng nên tình yêu đôi lứa của chúng tôi...”-Thiếu tướng Cao Long Hỷ xúc động bày tỏ. 

Sắt son tình nghĩa vợ chồng

Tháng 4-1965, ông có quyết định đi miền Nam chiến đấu, tập kết ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Cách ngày lên đường ít hôm thì ông nhận được quyết định ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Vậy là lần thứ hai ông “hụt” đi B. Lúc đó, ông về nhận nhiệm vụ tại Ủy ban Thống nhất của Trung ương và được biệt phái sang đài phát thanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, làm việc bí mật. Lúc này, bà tốt nghiệp đại học và về làm việc tại Ngân hàng Kiến thiết tỉnh Hòa Bình. Vợ chồng không được gặp mặt nhau, mọi thông tin đều liên lạc qua thư từ bằng hòm thư của người đi B và sử dụng mật danh. Giữa năm 1966, ông được đi phép ít ngày, lên Hòa Bình thăm bà và trong lần ấy một mầm sống đã nảy nở. Tháng 7-1967, bà sinh bé trai và đặt tên là Cao Chí Thanh. Khi đó mặc dù không có mặt ở nhà nhưng ông đã luôn viết thư động viên vợ phải cứng rắn, mạnh mẽ để chồng yên tâm công tác.

Gia đình Thiếu tướng Cao Long Hỷ. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp.

Cuối năm 1967, ông được điều động trở về quân đội để đi B. Nhưng cũng như hai lần trước, trước ngày lên đường, ông được tổ chức giữ lại để tham gia vào điều tra một vụ án quốc tế. Thời gian này, người con gái của ông bà ra đời. Năm 1972, ông vào chiến đấu tại Mặt trận Quảng Trị. Nỗi nhớ vợ con luôn thường trực trong ông, càng thôi thúc ông sát cánh cùng đồng đội kiên cường chiến đấu, giành độc lập, thống nhất cho nước nhà. Rồi ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Trở về mảnh đất miền Nam thân yêu đúng ngày giải phóng, cảm xúc của ông rưng rưng khó tả. Để thực hiện công việc tái thiết kinh tế sau giải phóng, bà được điều chuyển vào Nam công tác. Hai vợ chồng gặp nhau vui mừng khôn xiết. Khoảng thời gian hạnh phúc chưa được bao lâu thì ông lại lên đường tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, giúp nước bạn Cam-pu-chia. Trở về nước, ông tiếp tục ra Bắc nhận nhiệm vụ ở Cục Bảo vệ An ninh quân đội hơn 10 năm, đến năm 2001 thì nghỉ hưu, trở về Nam sinh sống.

Suốt những năm tháng chiến tranh, thậm chí có lúc ở rất gần nhau, nhưng ông bà chẳng có mấy ngày đoàn tụ, sum họp. Nắm lấy bàn tay bà, ông chia sẻ: “Khi vợ tôi ở Hòa Bình, thì tôi ở Sơn Tây, Hà Nội. Khi bà ấy về Hà Nội, tôi đi Quảng Trị và sau đó vào miền Nam. Khi bà ấy vào Nam thì tôi đi Cam-pu-chia, rồi khi về nước ra Bắc thêm 10 năm nữa. Tôi thương và trân trọng đức hy sinh của vợ khi một mình lo lắng, nuôi dạy, đưa hai con thơ đi sơ tán khắp mọi nơi khi địch đánh phá miền Bắc. Rồi khi vào Nam phải cáng đáng mọi việc gia đình. Nỗi vất vả ấy, không bao giờ bà than vãn với tôi. Những lá thư của bà gửi cho tôi luôn là câu chuyện về cuộc sống lao động, về những đứa con ngoan, biết nghe lời mẹ và đợi cha trở về”. 
HÙNG KHOA