QĐND - Đêm trung tuần tháng 11-1968, chiến sĩ trinh sát Phạm Quang Đạt nhận mật lệnh tức tốc rời thôn Nam Giảng đến Phá Tam Giang, trở lại đơn vị bám địch ở khu Bồng Bồng, Đông Lâm, Quảng Điền (Thừa Thiên-Huế). Cuộc ra đi đột ngột không một lời từ biệt của người chiến sĩ trinh sát khiến cô giao liên Hoàng Thị Thảo (về sau đổi tên là Văn Thị Chữ) thấp thỏm, lo lắng, đứng ngồi không yên. Và rồi cuộc chia tay không hẹn trước ấy đã tạo nên bước ngoặt của số phận mà đến hôm nay, dù đã 45 năm trôi qua, nhưng những khoảng trống do chiến tranh để lại trong cuộc đời mỗi người vẫn chưa thể lấp đầy...
Chàng trinh sát trẻ và cô giao liên quả cảm
Căn nhà nhỏ, đồng thời là tiệm sửa xe máy, xe đạp của cựu chiến binh, thương binh Phạm Quang Đạt (tên thật là Phan Quang Đạt) nằm ngay bên lề đường 8A thuộc xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sau nhiều năm bôn ba vào Tây Nguyên làm ăn, đến tuổi già, vợ chồng ông Đạt, bà Mùi lại trở về nương náu ở mảnh đất quê, sống cuộc đời đạm bạc. Cũng bởi cuộc sống khó khăn nên dự định trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội và gặp lại ân nhân, đồng thời là mối tình dang dở thời trai trẻ trong chiến tranh của ông suốt mấy chục năm qua, mãi đến cuối năm 2011 mới thực hiện được. Từ đó đến nay ông Đạt đã 3 lần trở lại thôn Nam Giảng, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, nơi ông được người dân đào hầm bí mật che giấu trong những năm tháng hoạt động trinh sát trong lòng địch. Cảnh cũ, người xưa đã thay đổi quá nhiều nhưng vẫn còn đó dấu tích của một thời binh lửa. Ông Đạt may mắn gặp lại một số nhân chứng, những người đã từng cưu mang, đào hầm che giấu bộ đội trinh sát năm nào.
Tháng 7-1967, Phạm Quang Đạt nhập ngũ vào đơn vị trinh sát C.2, Trung đoàn 803, Sư đoàn 324 (Quân khu 4). Sau thời gian huấn luyện, ông cùng đơn vị được đưa vào Thừa Thiên-Huế nhận nhiệm vụ. Phạm Quang Đạt nằm trong tổ trinh sát gồm 6 cán bộ, chiến sĩ, được cấp trên giao nhiệm vụ lọt vào thôn Nam Giảng, xã Quảng Thái phối hợp với lực lượng giao liên tại chỗ tổ chức trinh sát, bám nắm địch. Đây là địa bàn dã ngoại của các đơn vị quân đội Mỹ. Các chiến sĩ trinh sát hoạt động độc lập, ban ngày nằm hầm, ban đêm bí mật tiếp cận các đơn vị quân đội Mỹ để nắm tin tức, quy luật hoạt động của địch, mật báo về sở chỉ huy qua mạng lưới trinh sát, giao liên. Phạm Quang Đạt được gia đình cô giao liên Hoàng Thị Thảo đào hầm bí mật nuôi giấu. Trực tiếp cô Thảo giúp đỡ, phối hợp hoạt động với Quang Đạt. Ông Đạt nhớ lại kỷ niệm sâu sắc lúc bấy giờ: “Đêm 11 rạng sáng 12-5-1968, Thảo báo tin cho tôi, cấp trên lệnh cho 6 cán bộ, chiến sĩ trinh sát đến điểm hẹn tại một căn hầm bí mật giữa làng để nhận nhiệm vụ bổ sung. Tại cuộc họp chóng vánh ấy, chúng tôi được thông tin, hoạt động của lực lượng trinh sát ở khu vực này có dấu hiệu bị lộ, phải chuyển đi nơi khác. Mỗi chiến sĩ sẽ có một giao liên dẫn đường, tức tốc rời thôn Nam Giảng ngay trong đêm. Nhận lệnh xong, chúng tôi vừa bò lên khỏi miệng hầm thì bị lọt vào ổ phục kích của địch. Tôi lăn xuống rãnh nước tránh đạn rồi ném bom khói thoát khỏi vòng vây địch. Khi im tiếng súng, tôi quay lại thì 4 đồng đội tôi đã hy sinh. Một đồng chí vẫn còn sống nhưng máu ra rất nhiều. Đồng chí ấy cất tiếng nói yếu ớt: “Em là Đoàn Xuân Quang, ở xã Sơn Thủy, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Vợ em tên là Hòe, người xã Sơn Phúc. Em vừa cưới vợ, ở với vợ được một đêm thì lên đường nhập ngũ. Nếu anh còn sống trở về thì nhớ thông tin cho gia đình em”. Quang nói xong thì tắt thở. Tôi kéo thi thể 5 đồng đội xuống cái hố pháo gần đó vùi đất lại rồi tìm đường bí mật trở về nhà Thảo”.
 |
Ông Phạm Quang Đạt tháng 1-2013. |
Trong khoảng thời gian thực hiện nhiệm vụ, giữa chàng trinh sát trẻ Phạm Quang Đạt và cô giao liên Hoàng Thị Thảo đã có tình cảm đặc biệt dành cho nhau nhưng do hoàn cảnh chiến tranh nên chưa kịp ngỏ lời. Tháng 9 năm đó, lần thứ hai Phạm Quang Đạt bị địch phục kích, bắn trọng thương. Viên đạn của địch ngày ấy đến bây giờ vẫn để lại một vết lõm sâu hoắm sau lưng ông Đạt. Ròng rã gần hai tháng trời, cô Thảo tận tình chăm sóc, lo thuốc men cứu chữa cho người yêu. Một đêm trung tuần tháng 11, trong lúc đang đi trinh sát nắm địch thì Phạm Quang Đạt nhận được lệnh tức tốc rời thôn Nam Giảng. Mệnh lệnh đột xuất khiến Phạm Quang Đạt không kịp nói lời chia tay với cô Thảo và gia đình. Anh được đưa về Phá Tam Giang chữa trị vết thương, sau đó theo đơn vị ém quân hoạt động ở chân đồi 673, khu vực Bồng Bồng, Đông Lâm, huyện Quảng Điền, ngay sát chân đồn địch. Được một thời gian ngắn, Phạm Quang Đạt lại được điều ra hoạt động ở vùng Sịa, cách Quảng Thái khoảng 10km. Năm 1970, do vết thương tái phát, đau nặng, Phạm Quang Đạt được đơn vị chuyển ra điều trị, an dưỡng tại Đoàn 70 (Nghệ An). Do không đủ sức khỏe trở lại chiến trường nên đến năm 1972, ông được xuất ngũ.
Sau cuộc ra đi đột ngột
Trở về nhà, cuộc mưu sinh trên mảnh đất quê nghèo khổ thực sự là một thử thách lớn đối với một thương binh hạng 2/4. Ông Đạt xây dựng gia đình với bà Mùi. Hai vợ chồng vất vả làm đủ mọi nghề để sinh sống, nuôi con nhưng cuộc sống vẫn phải bữa hôm lo bữa mai. Ông bà quyết định cùng các con dắt díu nhau vào Tây Nguyên khai hoang, lập nghiệp. Thấm thoắt cũng đã mấy chục năm trôi qua. Ký ức chiến tranh, nấm mộ an táng 5 đồng đội và món nợ ân tình với người con gái giao liên năm nào luôn ám ảnh tâm trí ông. Biết chuyện, bà Mùi rất ủng hộ, động viên chồng trở lại chiến trường xưa. Với sự phối hợp của thân nhân các liệt sĩ, ông Đạt lên đường trở lại thôn Nam Giảng. Rất may mắn là ông đã tìm lại được hài cốt đồng đội. Ông tìm đến nhà trưởng thôn hỏi thăm tin tức về cô Hoàng Thị Thảo nhưng bác trưởng thôn trả lời, làng này không có ai tên như vậy. Nhưng rồi vận may cũng mỉm cười với ông khi có một cao niên trong làng nhớ ra, Hoàng Thị Thảo chính là cô Văn Thị Chữ. Mẹ của cô Chữ là cụ Phan Thị Nữ. Sau khi người chồng họ Hoàng qua đời, bà Nữ đi bước nữa với người đàn ông họ Văn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Hoàng Thị Thảo được đổi tên thành Văn Thị Chữ, mang họ của bố dượng. Bà Nữ có với người chồng thứ hai một người con trai, tên là Văn Đức Hà, hiện đang sống ở làng. Ông Đạt tìm gặp ông Văn Đức Hà. Sau vài câu hỏi thăm nhau, ông Hà bật dậy ôm chầm lấy ông Đạt:
- Anh Đạt. Anh vẫn còn sống ư? Lẽ ra ngày xưa anh đã là anh rể của em rồi. Chị em nhắc anh mãi…
Thời kỳ Phạm Quang Đạt hoạt động ở làng, Văn Đức Hà còn là một cậu bé. 45 năm rồi nhưng ký ức ngày ấy ông Hà vẫn nhớ như in…
Ông Đạt lau nước mắt ngậm ngùi khi nghe ông Hà kể lại chuyện xưa. Chiến tranh mà. Biết bao mất mát, hy sinh mà thời gian không thể xóa nhòa được…
Sau cuộc “mất tích” bí ẩn của chiến sĩ trinh sát Phạm Quang Đạt, cô Thảo như mất nửa cuộc đời. Bao câu hỏi dồn dập đến trong tim, trong óc cô nhưng không có câu trả lời. Ông Hà kể:
- Ngày đó mẹ và chị em đoán già đoán non rằng, anh đã bị địch bắn chết. Cả tháng trời sau đó, chị em tìm kiếm tưởng như có thể lật hết từng lùm cây, bụi cỏ trong làng với hy vọng tìm thấy thi thể anh, nhưng không có kết quả. Chị em buồn đau đến mức đổ bệnh sau đó. Khi không còn một chút hy vọng gì về tin tức của anh, chị em mới đi lấy chồng…
Cô Chữ lấy chồng, sinh hai lần nhưng chỉ nuôi được một người con gái. Lấy chồng được vài năm thì cô Chữ rơi vào cảnh góa bụa. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề khiến cô phải gửi con gái cho bà ngoại nuôi, bôn ba làm đủ mọi nghề kiếm sống. Năm 1982, cô Chữ đi bước nữa rồi theo chồng vào miền Nam làm ăn, nghe đâu nơi cô Chữ đến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ra đi, cô có nói rằng, mong muốn làm ăn thuận lợi, có được cuộc sống ổn định sẽ quay về đón con gái. Thế nhưng từ đó đến nay không có tin tức gì.
Bà Chữ đang ở đâu?
Tôi về quê. Ông Đạt nghe tin, tìm đến nhà:
- Cháu là nhà báo, chú nhờ cháu giúp chú việc này!
Ông Đạt đưa cho tôi mẩu thông tin nhờ đăng báo tìm người thân, ghi rõ là “Em Văn Đức Hà nhắn tìm chị Văn Thị Chữ”. Ông bảo, đó không chỉ là nguyện vọng của họ hàng, con cháu cô Chữ mà còn là tâm nguyện của ông. Tôi hết sức xúc động khi biết chuyện tình cùng ký ức những năm tháng chiến tranh của ông Đạt. Tôi hứa sẽ giúp ông bằng tất cả khả năng của mình. Nhưng sẽ là thiếu sót và vô tâm nếu tôi chỉ đưa lên báo mấy dòng đăng tìm người thân ngắn ngủi như vậy. Tôi viết về câu chuyện này với mong muốn sẽ làm được điều gì đó nhiều hơn như vậy. Câu chuyện cảm động của ông Đạt góp thêm một nốt nhạc trong khúc bi hùng ca về những mối tình dang dở của người lính trong chiến tranh mà phía sau đó là mỗi cuộc đời, mỗi số phận. Ông Đạt chia sẻ với tôi một niềm vui nho nhỏ, đó là trong đợt trở lại Tây Nguyên vừa qua, ông đã gặp được Hoàng Thị Bé (tên thường gọi là Đào), con gái của cô Chữ. Hiện con gái cô Chữ đã 43 tuổi, lấy chồng lập nghiệp ở xã Ia B’lứ, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai. Chị Đào cũng đã tìm mẹ nhiều năm nay nhưng chưa có tin tức gì!
Bà Chữ đang ở đâu? Mọi người ai cũng tin rằng, bà Chữ đang sống và mong muốn có một cuộc sum họp, hội ngộ thấm đẫm tình ruột thịt, thân tình.
Ai biết thông tin về bà Chữ, xin liên hệ với em trai Văn Đức Hà, thôn Nam Giảng, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, ông Phạm Quang Đạt, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; điện thoại: 0985704912 hoặc Cơ quan Đại diện phía Nam, Báo Quân đội nhân dân, lầu 8, tòa nhà 161-163 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP Hồ Chí Minh; điện thoại: 069.667440, Email: lunganbqd@gmail.com.
|
Bài, ảnh: LỮ NGÀN