QĐND - Cuối năm ngoái tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm “Đỗ Nam Cao một con đường thơ” nhân ngày giỗ đầu của nhà thơ họ Đỗ. Vợ của nhà thơ quá cố cùng các con, cháu được Ban tổ chức đón từ TP.Hồ Chí Minh ra dự tọa đàm. Cuộc tọa đàm bàn sâu về giá trị nội dung, nghệ thuật trong thơ Đỗ Nam Cao và những cống hiến của ông cho nền thi ca cách mạng. Trong nhiều áng thơ xuất sắc ông để lại cho đời, có bóng dáng của người con gái, người phụ nữ là bạn đời của ông – bà Trần Thu Hồng.
Nhà thơ chiến trường và nữ tù chính trị trẻ tuổi
Nhà thơ Đỗ Nam Cao sinh ngày 8-6-1948 tại làng Mỹ Lâm, xã Liên Hòa, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970. Sau khi tham dự lớp viết văn khóa IV, ông cùng nhiều văn nghệ sĩ, trí thức cùng thời tình nguyện vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Bước chân Đỗ Nam Cao đã đặt đến những địa danh ác liệt nhất của vùng đất Nam Bộ viết về cuộc chiến đấu của quân dân ta cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Các trang viết của Đỗ Nam Cao bỏng rát không khí chiến trường, thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước và những suy ngẫm sâu sắc về thời cuộc. Trong các bài thơ tình của ông, tình yêu đôi lứa, nỗi nhớ day dứt, niềm khát khao cháy bỏng… thường gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước. Chẳng hạn trong hai câu thơ rất nổi tiếng của ông “Tôi hôn con ghì Trường Sa vào ngực/ Bãi đá ngầm cào rách thịt da…”, ta thấy tình yêu thương của người cha dành cho con ở trong ông cao đẹp đến mức nào. Nhà thơ Đỗ Nam Cao mất ngày 8-11-2011, vì bệnh hiểm nghèo. Hiện người bạn đời của ông – bà Trần Thu Hồng đang sinh sống cùng con, cháu tại quận Phú Nhuận, TP.Hồ Chí Minh.
Trong lễ giỗ đầu của nhà thơ Đỗ Nam Cao, tôi được bà Trần Thu Hồng mời đến dự tại tư gia. Trong nỗi tiếc thương người bạn đời tài hoa thi phú đã dừng bước hành trình ở tuổi 64, dòng ký ức chảy cùng nước mắt của người đàn bà đẹp, từng là cựu tù chính trị trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước giúp tôi có thêm một câu chuyện tình đẹp về người lính trong chiến tranh để chia sẻ cùng bạn đọc nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8-3…
“Tôi sinh ra ở vùng quê Điện Bàn, Quảng Nam trong một gia đình là cơ sở của cách mạng. Ba mẹ và các anh chị em tôi đều được giác ngộ tham gia cách mạng từ rất sớm. Lên 10 tuổi, tôi đã làm giao liên. Năm 13 tuổi tôi bị địch bắt, bị giam ở nhà tù Non Nước (Đà Nẵng), sau đó bị biệt giam trong “chuồng cọp” ở nhà tù Phú Tài (Quy Nhơn) rồi chuyển vào giam trong hầm cấm cố ở nhà tù Cần Thơ. Đầu năm 1973, tôi cùng các bạn tù được trao trả tự do theo tinh thần Hiệp định Pa-ri. Tôi gặp anh ở sân bay Lộc Ninh. Duyên phận đã gắn bó hai chúng tôi với nhau từ đấy…” – Bà Trần Thu Hồng bắt đầu dòng ký ức về câu chuyện tình với nhà thơ Đỗ Nam Cao như vậy.
 |
Trần Thu Hồng (ngồi giữa, hàng đầu) ngày mới ra tù. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đó là một buổi chiều mùa Xuân năm 1973. Chuyến bay chở các tù nhân từ Cần Thơ về Lộc Ninh vừa hạ cánh, lập tức hàng trăm người ùa tới. Trong số các nữ tù trở về, có một nhân vật nhận được sự quan tâm đặc biệt của mọi người, đó là nữ tù nhân vừa tròn 17 tuổi, mang vẻ đẹp như một thiên thần. Đòn roi chốn tù ngục và sự dã tâm của kẻ thù để lại trên cơ thể cô chi chit vết thương, nhưng không thể lấy mất của cô đôi mắt to tròn với ánh nhìn trong veo cùng tiếng hát líu lo như chim họa mi. Hàng trăm ống kính hướng về cô. Hàng trăm vòng tay ùa tới nâng lấy cô. Cảm xúc dạt dào ập đến trong tim những nhà báo, văn nghệ sĩ có mặt lúc bấy giờ. Hình ảnh của nữ tù chính trị Trần Thu Hồng nhanh chóng đi vào các tác phẩm văn chương ngay sau đó. Nhiều tác phẩm được đăng tải kịp thời trên các báo, tạp chí. Trong số các nhà văn, nhà báo viết về Trần Thu Hồng có nhà thơ Đỗ Nam Cao. Hình ảnh mong manh, trong sáng đến tột cùng và ý chí kiên cường, tinh thần cách mạng của cô gái tuổi 17 đã gieo vào trái tim nhà thơ Đỗ Nam Cao sự rung cảm mãnh liệt. “Sau hôm gặp nhau ở sân bay Lộc Ninh, anh Cao đã viết một bài thơ tặng tôi, sau đó được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh nói, anh rất khâm phục sự gan góc của tôi và rất yêu quý cô gái bé bỏng nơi tôi nên muốn nhận tôi làm em kết nghĩa. Lúc bấy giờ nhìn anh rất cao lớn, phong trần, nước da đen sạm vì khói lửa chiến trường và nắng gió phương Nam. Tôi vui vẻ nhận lời. Có thêm một người anh, mình có thêm một điểm tựa, nguồn động viên lớn lao…” – Bà Hồng nhớ lại cái thuở ban đầu lưu luyến ấy.
Thực ra việc nhận nhau làm anh em kết nghĩa chỉ là cái cớ để nhà thơ tài hoa họ Đỗ mở đường đến với trái tim Thu Hồng. Sau khi ra tù, Hồng càng ngày càng đẹp. Vẻ đẹp rực rỡ như búp trên cành sau chuỗi ngày bị bão gió vùi dập, nay được những bàn tay nhân ái yêu thương chăm sóc, đã bung nở thành bông hoa ngát hương khoe sắc. Bà Hồng kể: “Hồi ấy tôi có nhiều người theo đuổi lắm. Không chỉ có các anh cán bộ, các anh bộ đội giải phóng mà ngay cả một số viên sĩ quan cai ngục cũng đeo bám. Tôi vẫn nhớ tên Trung úy Thọ, cai ngục ở nhà tù Cần Thơ. Trước ngày tôi được trao trả tự do, hắn đã nằng nặc thuyết phục tôi ở lại làm vợ hắn, hắn sẽ lo cho tôi cuộc sống giàu sang, phú quý ở đất Tây Đô. Mặc dù tôi đã từ chối thẳng thừng nhưng hắn vẫn theo máy bay ra tận Lộc Ninh. Về sau, nghe nói hắn còn lên Lộc Ninh mấy lần nữa để tìm tôi…”.
Đẹp thế, nhiều người theo đuổi thế nên ai chiếm lĩnh được trái tim Thu Hồng hẳn phải là người đặc biệt. Và Đỗ Nam Cao đã trở thành một người rất đặc biệt. Vẻ phong trần, từng trải, trái tim đa cảm, nhân hậu, lãng mạn của nhà thơ mang đến cho Thu Hồng cảm giác bình yên, tin tưởng. Sau khi trở về rừng một thời gian, Đỗ Nam Cao viết thư ngỏ lời. Nhận thư, Thu Hồng với bản tính hồn nhiên, vô tư, trong sáng của người con gái mới lớn, đã “không hiểu anh ấy nói gì” nên đưa thư cho các chị đọc. Mấy chị lớn tuổi đọc thư xong, dí ngón tay vào trán Thu Hồng mà cười lớn: “Vậy là mày có người yêu rồi đấy, ngốc ạ!”.
“Yêu ư? Trong tôi chưa từng xuất hiện ý nghĩ đó. Yêu là phải thế nào? Mình còn nhỏ, còn quá trẻ, phải yêu thế nào? Hàng trăm câu hỏi cứ ập vào tôi mà không có câu trả lời. Tôi băn khoăn suy nghĩ rất nhiều về lời tỏ tình của anh mà không biết phải trả lời thế nào? Bỗng dưng tôi thấy nhớ anh, mong được gặp anh. Khi tôi kể chuyện này với các chị, các chị lại cười, trêu tôi: “Như vậy nghĩa là mày đã yêu rồi đó”.
Năm 1974, Thu Hồng cùng các chị cựu tù chính trị được tổ chức cho ra Bắc an dưỡng, chữa bệnh và học văn hóa. Trước khi đi, Đỗ Nam Cao nhờ một người bạn chuyển đến tặng Thu Hồng một chiếc áo ấm. Chiếc áo có 2 màu xanh, tím đan xen nhau, như là một thông điệp nhà thơ gửi đến người yêu, màu xanh hòa bình và màu tím thủy chung. Thu Hồng được an dưỡng tại Trại K.72 ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Dù xa xôi cách trở nhưng Thu Hồng vẫn luôn nhận được sự quan tâm của người yêu. Ở chiến trường không gần gũi, chăm sóc người yêu được, Đỗ Nam Cao nhờ người thân, bạn bè ở ngoài Bắc đến Trại K.72 thăm, động viên Hồng.
Người nằm xuống, tình yêu mãi còn
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà thơ Đỗ Nam Cao về công tác ở Viện Văn học tại TP.Hồ Chí Minh. Cuối năm 1975, Trần Thu Hồng trở lại miền Nam. Hai người gặp lại nhau sau những tháng năm xa cách, đợi chờ. Tình yêu đến độ chín muồi. Hai năm sau họ tổ chức hôn lễ.
 |
Vợ chồng nhà thơ Đỗ Nam Cao – Trần Thu Hồng trong chuyến du lịch cuối cùng ở Hội An năm 2011.
|
Sau ngày đất nước thống nhất, Trần Thu Hồng được bố trí công tác ở Ban Tổ chức Quận 1, Ban Tổ chức quận Phú Nhuận, đến năm 1980 làm Trưởng phòng Lương thực quận Phú Nhuận. Năm 1988 được bổ nhiệm làm Giám đốc Trạm chế biến, xuất nhập khẩu thuộc Công ty Lương thực TP.Hồ Chí Minh và Giám đốc EDC1 của Công ty phát triển kinh tế Vũng Tàu – Côn Đảo cho đến năm 1998 thì nghỉ hưu. Bà Trần Thu Hồng sinh được hai người con, một trai, một gái, nay đều đã có gia đình riêng. Khi cuộc sống đã an nhàn thì nhà thơ Đỗ Nam Cao lâm trọng bệnh qua đời. Ông ra đi khi tài năng thi ca đã vào độ chín, để lại nhiều tiếc thương cho gia đình, đồng đội và các bạn thơ.“Anh ấy mất đi khi chưa kịp nhìn thấy mặt cháu nội. Sự nghiệp sáng tác còn bỏ dở. Từ khi căn nhà vắng tiếng anh, tôi thấy chông chênh. Nhiều lúc thèm cảm giác được anh nâng niu, che chở như thuở mới yêu nhau!” – Bà Hồng nói.
Trong cuộc tọa đàm “Đỗ Nam Cao một con đường thơ”, các nhà thơ, nhà phê bình văn học đều đánh giá rất cao tài năng, đức độ của nhà thơ Đỗ Nam Cao. Bạn viết gọi ông là một tài thơ lặng lẽ, lặng lẽ như chính cuộc đời và phong cách sống của ông “Hữu xạ tự nhiên hương”. Đỗ Nam Cao lặng lẽ sống, lặng lẽ viết nhưng ông ít in thơ. Với sự nghiệp cầm bút, ông là người cầu toàn.
Tôi xin phép bà Hồng thắp một nén nhang lên bàn thờ nhà thơ Đỗ Nam Cao. Trong bức ảnh thờ, nhà thơ họ Đỗ mái tóc xõa lòa xòa chấm vai, gương mặt phong trần, phúc hậu với nụ cười thật sáng. Chợt nghe lòng rưng rưng nhớ đến hai câu thơ khá nổi tiếng của ông: “Rồi anh sẽ yên nằm dưới cỏ/ Thì tình yêu chưa thể đã yên nằm…”
PHAN TÙNG SƠN