QĐND - Anh hùng Nguyễn Xuân Đài trưởng thành từ một trắc thủ, rồi sĩ quan điều khiển, ông đã từng tham gia hàng trăm trận chiến đấu, cùng Tiểu đoàn 61 bắn rơi 42 máy bay Mỹ, trong đó trực tiếp điều khiển tên lửa cùng kíp chiến đấu bắn rơi 23 chiếc. Đó là những chiến công mà nhiều người đã biết đến, song có những “khoảng trời riêng” của vị anh hùng này thì mãi gần đây chúng tôi mới được nghe ông kể lại.

Xuất thân trong một gia đình nghèo  ở xã Nam Thanh, Nam Trực, Nam Định. Năm 1960, Nguyễn Xuân Đài tình nguyện tòng quân lên đường bảo vệ Tổ quốc. Với vẻ bề ngoài cao to, sáng sủa nên ông được tuyển vào đội duyệt binh và may mắn được gặp Bác Hồ. Sự kiện ấy đã tiếp thêm nghị lực và quyết tâm để ông rèn luyện, phấn đấu vươn lên. Chỉ sau 2 năm nhập ngũ, Nguyễn Xuân Đài đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tháng 9-1963, ông được cấp trên tin tưởng, lựa chọn cử đi học ở Liên Xô (trước đây). Trước khi đi, ông được nghỉ phép 10 ngày. Trong thời gian này, ông đã kịp làm đám cưới với cô thôn nữ xinh đẹp Trần Thị Thanh Minh. Cưới xong chỉ được ở với người vợ yêu trọn vẹn một đêm, ngay sáng sớm hôm sau, ông phải trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ.

Vợ chồng Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Xuân Đài.

Có một kỷ niệm mà ông không thể nào quên, đó là quãng thời gian vào giáp Tết năm 1972, ngay sau Chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” lịch sử. Lúc đó, anh hùng Nguyễn Xuân Đài đã mang cấp hàm Thượng úy, chức vụ trợ lý huấn luyện thuộc Sư đoàn Phòng không Hà Nội. Do nhiệm vụ, ông không có thời gian để biên thư về cho gia đình và người vợ thân yêu, vì thế mới xảy ra câu chuyện đồng chí Đặng Văn Nhiên - Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn gặp ông và nói:

- Đơn vị cử tớ mai về gia đình cậu chúc Tết, cậu có nhắn nhủ, gửi gắm gì không? (vì lúc đó Nguyễn Xuân Đài là Anh hùng LLVT nhân dân).

Nhưng khi ông mang thư và quà lên thì thủ trưởng đã đi từ sớm mất rồi. Buồn bã, ông lững thững ra về. Mãi tận chiều tối, thủ trưởng Nhiên mới lên đơn vị: Hôm nay tớ về nhà cậu, khi xe vừa đến cổng, mọi người trong gia đình cậu và dân làng rất vui mừng, phấn khởi ra đón, nhưng họ chỉ thấy người đơn vị mà không thấy cậu đâu lại chẳng thấy thư từ gì cả, làm cho mọi người như chết lặng, ai cũng nước mắt rưng rưng, họ nghĩ ngay là cậu đã hy sinh nên đơn vị về báo tử. Chúng tớ giải thích thế nào mọi người cũng không tin. Họ bảo, nếu thằng Đài chưa chết sao nó không viết vài dòng thư về, rằng các đồng chí về nhà thế này là chúng tôi biết nó còn sống hay đã chết rồi... Cả thôn họ đều đồn là cậu đã hy sinh. Chỉ có cô vợ cậu là người có nghị lực và kiên cường, cô ấy tin rằng cậu không thể chết được. Ngay bây giờ, cậu phải khẩn trương viết thư gửi về nhà ngay, không thì các cụ ở nhà năm nay coi như không có Tết.

Ông vội chạy về lấy giấy bút ra tốc ký ngay. Rồi ông cười hỉ hả: Đó là một kỷ niệm đáng nhớ, đến giờ thỉnh thoảng vợ chồng tôi vẫn kể lại cho các con, các cháu nghe về những ngày tháng chiến tranh ác liệt, những kỷ niệm của một thời bom đạn.

Trong lúc ông đang vui, tôi mạnh dạn hỏi ông về nguồn gốc cái biệt danh “Đài điếc” mà đồng đội vẫn thường gọi. Như chạm vào đúng nỗi niềm, ông cười một cách sảng khoái, nét mặt rạng lên. Ông gọi với vào nhà trong bằng giọng hết sức thân mật:

- Mình ơi, bà Minh ơi. Ra đây một lát xem nào.

Bà Minh vợ ông - một người đàn bà đã vào tuổi lục tuần nhưng vẻ xuân sắc một thời vẫn còn đọng lại, mủm mỉm cười bước ra. Ông ý nhị nhìn vợ rồi vào chuyện: Ngày đó, sau khi cưới, vợ chồng chưa kịp bén hơi nhau thì ông đã phải lên đường ngay. Những năm tháng chiến đấu ác liệt, hiếm hoi lắm ông mới được tranh thủ “tạt” qua nhà một lát, rồi lại phải lên đường làm nhiệm vụ. Năm năm trời trên nghĩa vợ chồng, nếu tính từng ngày cũng chưa đủ khắp mấy ngón tay. Chỉ thương cho cô vợ trẻ ở nơi quê nhà mỏi mòn mong đợi. Bà Trần Thị Thanh Minh lúc đó là cán bộ Đoàn, kiêm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Là người có bản lĩnh, nhưng do áp lực của dư luận với những lời ra tiếng vào đại loại như: “Trai thời chiến, sống nay chết mai, biết thế nào được mà chờ với đợi...”; rồi “Vợ chồng nhà chị Đài đẹp đôi như một cặp trời sinh mà lại “điếc” mới khổ chứ”... Những “lời ong tiếng ve” đó cứ hằng  ngày, hằng giờ thấm dần vào suy nghĩ của bà lúc nào không hay. Mong mỏi có một mụn con để đầu hôm sớm mai cho đỡ hiu quạnh cứ thôi thúc trong bà.

 Không thể chờ đợi thêm được nữa, bà liền nảy ra một quyết định táo bạo: “Khăn gói quả mướp” dò theo hòm thư, quyết tâm đi tìm chồng. Suốt một ngày đường trong tâm thế vừa đi vừa cảnh giác, tránh máy bay địch bắn phá, rồi cũng đến được Hà Nội, nhưng lúc đó trời đã tối mịt... Lòng rối bời, cái quyết tâm “hừng hực” ban sáng giờ như đã tan biến, bà cảm thấy nhụt chí và tự nhủ lòng: Một cô gái nhà quê như mình lên tỉnh, đất thì rộng, trời thì cao biết tìm anh ấy ở đâu bây giờ mà trong tay chỉ có mỗi địa chỉ hòm thư...

Phải bao nhiêu lần hỏi thăm, hết trận địa này, đến công sự kia và cuối cùng bà cũng tìm thấy một doanh trại bộ đội. Vừa lúc đó, thấy một anh bộ đội đang ở trong cổng gác đi ra, bà hỏi:

- Đồng chí cho hỏi, ở đây có ai là Nguyễn Xuân Đài không ạ?

- Cô là ai? Mà hỏi Đài nào?

- Dạ, tôi là... là vợ anh ấy - Bà ấp úng.

Người đàn ông mặc áo lính tỏ ra ngạc nhiên và cố căng mắt quan sát, vẻ dò xét. Người lính ấy đi đi, lại lại như đang lục tìm trong danh sách đơn vị, rồi bất chợt reo lên: À phải rồi, có, có, “Đài điếc” phải không?

- Đồng chí bảo sao? “Đài điếc” nào? Anh ấy nhà em là Nguyễn Xuân Đài, quê Nam Định mà, anh ấy có điếc đâu?

Nói rồi, lúc này bà mới chợt thầm hiểu ra và cảm thấy hơi tủi trong lòng với cái biệt danh “Đài điếc” mà đồng đội đặt cho anh, nhưng rồi cũng cố gắng trấn an:

- Chắc là đúng đấy đồng chí ạ!

- À, ờ, đúng rồi, ở đây có đồng chí Nguyễn Xuân Đài - Đài trắc thủ - Đài sĩ quan điều khiển.

Kiểm tra giấy tờ tùy thân của cô gái đứng trước mặt xong, người lính dẫn khách vào trong đơn vị.

Được tin có vợ đến thăm mà ông cũng chưa thể gặp mặt ngay được. Phải chờ cả mấy tiếng đồng hồ, làm xong nhiệm vụ ông mới tất tả đến tìm vợ. Cuộc gặp không hẹn trước bất ngờ đến nỗi hai người đứng trước mặt nhau một lúc lâu mà chẳng ai tin đó là sự thật. Sau lần ấy, vợ chồng ông đã có chung một niềm vui. Cuối năm đó, ông được cấp trên tin tưởng cử đi đào tạo chức danh tiểu đoàn trưởng tên lửa tại Trường Sĩ quan Phòng không. Vừa chân ướt chân ráo vào trường, ông rất mừng khi nhận được tin vợ sinh con, nhưng niềm vui chưa kịp thông báo với đồng đội thì nỗi buồn đã ập ngay xuống. Đứa con bao năm vợ chồng ông mỏi mòn mong đợi vừa sinh ra đã vội vã lìa đời.

Mãi rồi nỗi đau mất mát trong lòng họ cũng dần nguôi ngoai, nhưng niềm khát khao được làm mẹ trong lòng vợ ông thì ngày một lớn dần. Bà tiếp tục đi tìm chồng và họ đã có những giây phút thật sự hạnh phúc bên nhau. Chín tháng sau, vợ ông đã sinh hạ được một cậu con trai khôi ngô tuấn tú. Lần này thì họ đã thực sự "hóa giải” được cái biệt danh “Đài điếc”. Rồi trong khoảng thời gian 8 năm tiếp theo, sau 2 lần sinh hạ, vợ chồng ông lại có thêm 2 cậu ấm nữa.

Lúc này bà Minh cũng vui vẻ góp chuyện:

- Đúng là “tam nam bất phú” đồng chí nhà báo ạ. Chúng tôi may mà được quân đội cấp cho gian nhà tập thể mới có chỗ chui ra chui vào, chứ nuôi các con ăn học, trưởng thành cũng vất vả lắm rồi.

Tôi nhìn quanh căn nhà vốn là dãy tập thể 2 tầng K89 (cũ) trong ngõ 12 phố Nguyễn Ngọc Nại mà không khỏi cảm động. Nếu không tận mắt chứng kiến, chúng tôi khó mà hình dung người anh hùng một thời sinh tử lại sống giản dị và khiêm nhường đến thế.

Bài và ảnh: QUỲNH VÂN - ĐỖ HÙNG