“Những cánh chim khiến tôi nhớ tới kỷ niệm trân quý”, Trung tướng Nguyễn Như Hoạt nói. “Ngày ấy, vào dịp Tết Canh Tuất 1970, trước khi tạm biệt gia đình sau đợt nghỉ phép để trở lại chiến trường, vợ tôi tặng tôi một món quà. Đó là chiếc gối trắng tinh, xung quanh vỏ gối được viền ren, trên mặt gối là đôi chim bồ câu đang sải cánh hướng tới hai chữ “hạnh phúc”, một chiếc khăn mùi soa thêu hai chữ “nhớ mãi” và dặn: “Em tặng anh món quà nhỏ để những khi ở xa, anh luôn nhớ rằng quê nhà có em đang chờ đợi”.
|
|
Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Như Hoạt. |
Trung tướng Nguyễn Như Hoạt và phu nhân Trần Thị Thêm cùng ở xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh-một miền quê giàu truyền thống cách mạng. Tuổi thơ của hai người gắn với nhau qua các câu chuyện cha anh đánh giặc và trong các buổi sinh hoạt đoàn sôi nổi. Tại các buổi sinh hoạt đó, Hoạt cảm mến Thêm vì cô hát hay, sôi nổi, nhiệt tình. Không biết Thêm có quý mến Hoạt hay không, nhưng mỗi khi lên hát, Thêm thường dành cho Hoạt cái nhìn e lệ, kín đáo. Ánh mắt ấy đã gửi gắm những tình cảm, rung động khác lạ len vào trái tim đang bước sang tuổi xuân thì. Ông Hoạt kể:
- Năm 1967, tôi xung phong nhập ngũ khi mới 17 tuổi. Nghe tin, u tôi mếu máo khóc, còn thầy tôi thì động viên: “Bà đừng khóc nữa! Nó nói cũng đúng đấy. Thời buổi bây giờ không đi trước thì đi sau. Trai thời loạn mà. Trần Quốc Toản ngày xưa mới có 16 tuổi đã ra trận rồi”. Cuối cùng thì u tôi cũng xuôi lòng nhưng ra điều kiện, tôi phải cưới vợ hoặc làm đám hỏi trước khi đi.
Nghe đến chuyện cưới vợ, Hoạt liền phản đối. Nhưng khi biết người cha mẹ dạm hỏi là cô Thêm xóm ngoài, lòng Hoạt mềm hẳn lại, trái tim anh đập thình thịch. Cố che giấu cảm xúc, Hoạt bối rối trả lời: “Thầy u làm thế nào thì làm”.
Kể đến đây, ông Hoạt cười sảng khoái và nói: “Ngày ấy, chúng tớ chỉ dạm ngõ thôi vì cả hai chưa đủ 18 tuổi nên chính quyền chưa cho phép cưới. Tuy nhiên, nhờ vậy mà chúng tớ được hai gia đình cho gặp riêng nhau để nói chuyện, những ngăn cách ngại ngùng ban đầu nhanh chóng đi qua”.
Từ đó, hình ảnh Thêm trở thành một phần không thể thiếu trong hành trang ra trận của Nguyễn Như Hoạt.
Ngày 5-5-1968, tại xóm Đồng Hoang, xã Cam Giang (nay là phường Đông Giang, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), chiến sĩ liên lạc Nguyễn Như Hoạt đã thành “đại đội trưởng bất đắc dĩ” chỉ huy Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 đánh bại cuộc tấn công của địch. Với thành tích này, Nguyễn Như Hoạt được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và được đơn vị cử theo đoàn dũng sĩ ra Bắc báo cáo thành tích.
Trung tuần tháng 11-1968, giữa thời gian nghỉ trong đợt báo cáo thành tích, Nguyễn Như Hoạt được phép về thăm nhà. Lần ấy, anh rủ thêm hai anh Quỳ và Lưu (đồng đội trong đoàn báo cáo thành tích) về chơi. Sau khi thăm nhà, anh đưa hai đồng đội đến thăm nhà Thêm. Trước lúc đi, nghe u nói Thêm hay sang nhà chơi và đỡ đần việc nhà, Nguyễn Như Hoạt càng thấy sóng lòng nổi mạnh.
Đường đến nhà Thêm ngập tràn ánh trăng. Ánh trăng mơn man đồng lúa đang thì con gái, dát bạc lên mặt nước kênh nội đồng. Hít căng lồng ngực hương sữa đòng đòng cho lòng bớt chộn rộn, Hoạt cất tiếng gọi Thêm. Sau tiếng thưa, Thêm cùng hai bạn gái (Thoa và Mai-sinh viên Hà Nội sơ tán ở nhờ trong nhà) ra mở cửa. Dưới ánh sáng ngọn đèn “phẫn”, Thêm trông rực rỡ hẳn lên nhưng nét mặt vẫn mang sự bối rối và e lệ ngày nào. Khi biết Hoạt là thành viên đoàn dũng sĩ từ chiến trường về báo cáo thành tích, ánh mắt Thêm long lanh niềm vui sướng, cô tự hào theo từng câu chuyện hào hùng.
Nhờ hai bạn gái cùng nhà tế nhị mời hai anh Quỳ và Lưu đi lên phía trước, Hoạt mới có thời gian riêng dành cho người con gái anh vẫn mang nặng hình ảnh trong tim. Lấy hết can đảm, Hoạt nắm tay Thêm. Thêm e ấp khẽ cúi đầu buông mái tóc dài thơm mùi hương bưởi thoảng trong gió.
Thời gian như lắng đọng trước sân nhà. Hoạt và Thêm chỉ bừng tỉnh khi nghe tiếng hai bạn gái gọi từ phía xa. Hoạt mạnh dạn hôn nhẹ lên mái tóc nhung huyền của Thêm và thì thầm: “Mai gặp nhé!”.
Những lần gặp sau càng thổi bùng lên ngọn lửa tin yêu trong trái tim hai người. Hoạt và Thêm đã xin phép hai gia đình và chính quyền tổ chức kết hôn. Một đám cưới theo “đời sống mới” được tổ chức ấm cúng trong vòng tay của gia đình, làng xóm và các bạn đoàn viên thanh niên.
“Những ngày trong quân ngũ, hình bóng Thêm như chắp cánh cho tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Còn ở quê nhà, tôi lại là động lực để Thêm chu toàn việc nước, việc nhà”, Trung tướng Nguyễn Như Hoạt chia sẻ.
Bài và ảnh: VIỆT THÙY