Những ngày này, mỗi lần nhắc nhớ về lịch sử, truyền thống đơn vị, trong tôi lại vang vọng lời bài hát “Nơi tín hiệu đi, về” với những ca từ cô đọng về công việc của những người lính thông tin “205”: “Xuyên qua trời mây, xuyên qua lòng đất, thầm lặng đêm ngày tiếp nối mọi miền quê…”. Giai điệu truyền thống như gợi mở thế hệ hôm nay tìm về cội nguồn với những trang sử vàng 6 thập niên của lữ đoàn anh hùng.

Lữ đoàn Thông tin 205 trước đây là Trung đoàn Thông tin 205 - Trung đoàn thông tin đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 23-10-1958 tại Bãi Bằng, Phú Thọ. Tại lễ công bố chính thức hôm đó, đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam thay mặt Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng đọc nghị định thành lập trung đoàn và trao “Quân kỳ quyết thắng” tặng đơn vị.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo, chỉ huy Cục Chính trị, Binh chủng Thông tin liên lạc và Lữ đoàn 205 tặng hoa chúc mừng các đội tham gia Hội thi cán bộ hội phụ nữ giỏi năm 2018. Ảnh: TRUNG DŨNG

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã vượt qua mưa bom bão đạn để giữ vững TTLL luôn thông suốt phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo chiến đấu. Đặc biệt, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ tư lệnh TTLL, đơn vị đã tập trung những cán bộ, nhân viên kỹ thuật giỏi, liên tục bám đài, bám máy, giữ vững TTLL từ Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu tới các mặt trận. Nhiều tấm gương tiêu biểu với những thành tích đáng khâm phục như “Kiện tướng chính xác” Vương Thị Ngọc Phượng đã nối thông liên lạc, tìm kiếm được điện đài T130 gửi bản điện tối khẩn dịch ngay thứ 32 của bộ tới mũi tiến công quan trọng của chiến trường, được Bộ Tổng Tư lệnh gửi điện biểu dương khen ngợi; chiến sĩ báo vụ Nguyễn Thị Thịnh, chỉ mới hai tuổi quân và một tuổi nghề đã đạt danh hiệu “Kiện tướng chính xác” 10 vạn nhóm điện không sai sót, vinh dự được Bác Hồ tặng Huy hiệu của Người…

Tổng kết các chiến dịch trong thời gian từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cho đến Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (năm 1971), đơn vị đã giữ vững liên lạc với 143 đối tượng, chuyển nhận 188.391 bức điện kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn.

Trong những ngày chiến đấu ác liệt của Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” (tháng 12-1972), đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của đơn vị đã kiên trì bám dây, bám máy, các tuyến vận hành; bảo đảm TTLL thông suốt, kịp thời phục vụ sự chỉ huy, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng đối với các lực lượng phòng không-không quân, tên lửa, cao xạ chiến đấu bắn hạ máy bay giặc Mỹ. Trong chiến dịch này, 5 nữ chiến sĩ của tiểu đội truyền đạt nội bộ thuộc Tiểu đoàn 78 quân bưu đã được đồng chí Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam tặng danh hiệu “5 cô gái tên lửa”…

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã chuyển, nhận kịp thời, chính xác, an toàn 40.959 công điện. Trong đó có 633 công điện khẩn, 139 công điện đặc biệt và 2.113 công điện tối khẩn dịch ngay. Hệ thống thông tin của đơn vị đã phục vụ hàng trăm cuộc đàm thoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội ở Thủ đô Hà Nội với các đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Ngày 7-4-1975, chiến sĩ báo vụ Nguyễn Bá Lứu của Đại đội 5, Tiểu đoàn 77 đã chuyển tới các cánh quân bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Trưa 30-4-1975, qua đường trục thông tin vô tuyến điện tiếp sức Bắc - Nam, đồng chí Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh báo cáo về Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh ở Hà Nội sự kiện bộ đội ta đã cắm cờ ở Dinh Độc Lập, tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện...

Trước yêu cầu phát triển, ngày 2-1-1985, Bộ Quốc phòng ra quyết định chuyển Trung đoàn Thông tin 205 thành Lữ đoàn Thông tin 205 thuộc Bộ tư lệnh TTLL. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Đảng ủy, Bộ tư lệnh binh chủng, bằng ý chí, trách nhiệm và tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tích cực nghiên cứu, học tập vươn lên làm chủ trang bị, khí tài, ngày 1-9-1993, cán bộ, chiến sĩ lữ đoàn đã tham gia lắp đặt thành công và đưa vào khai thác tổng đài kỹ thuật số đầu tiên của Quân đội ta (Tổng đài E10 tại T78B). Giai đoạn từ năm 1996 đến 1999 là những năm đột phá của lữ đoàn trong đổi mới hệ thống thông tin theo hướng “số hóa”. Hàng loạt các tổng đài điện tử kỹ thuật số được lắp đặt, quản lý khai thác.

Thực hiện chủ trương bảo đảm thông tin hỗn hợp theo địa bàn tác chiến chiến lược, lữ đoàn có những thay đổi lớn về tổ chức, biên chế, lực lượng. Từ năm 2011 đến nay, nhiệm vụ, hệ thống trang bị, khí tài thông tin của lữ đoàn tiếp tục được phát triển, đổi mới. Hiện nay, lữ đoàn đang quản lý, khai thác nhiều trang bị khí tài hiện đại, đồng bộ, đa chủng loại với đầy đủ các dịch vụ (thoại, báo, truyền hình, truyền số liệu, quân bưu...), trong đó với hàng chục tổng đài điện tử kỹ thuật số, trực tiếp kết nối với hàng trăm tổng đài khu vực và các đơn vị trong toàn quân. Hệ thống xe quân bưu được lắp đặt thiết bị định vị, kết nối GPS; có thể giám sát vị trí, lộ trình. Hệ thống máy soi chiếu hành lý, quản lý công văn tài liệu bằng mã vạch được đưa vào sử dụng nhằm tăng tính bảo mật, hiệu quả, an toàn của thông tin quân bưu.

Với nhiệm vụ bảo đảm TTLL cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo chỉ huy, chỉ đạo các LLVT làm nhiệm vụ  huấn luyện, SSCĐ; trực tiếp bảo đảm thông tin cho Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng và các đơn vị đóng quân trên địa bàn Thủ đô Hà Nội... lữ đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ liên lạc trên các phương tiện thường xuyên đạt 99,5-100%; đặc biệt đã bảo đảm tốt TTLL bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, các sự kiện chính trị, các hội nghị của Đảng, Nhà nước; phục vụ nhiệm vụ phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; các cuộc diễn tập do bộ và các đơn vị toàn quân tổ chức. Bảo đảm truyền hình phục vụ hội nghị của bộ, các tổng cục với các điểm cầu trong toàn quân và các nhiệm vụ đột xuất quan trọng khác.

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Lữ đoàn Thông tin 205 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân; 232 huân, huy chương các loại; 5 lần được Bác Hồ, Bác Tôn tặng lẵng hoa cùng nhiều phần thưởng cao quý khác; nhiều năm liền lữ đoàn được tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Trong đội hình của lữ đoàn hiện nay có Tiểu đoàn 77; Đại đội 5 VTĐ, Tiểu đoàn 77; Đại đội 10, Tiểu đoàn 78 quân bưu và đồng chí Phạm Hữu Thoan (chiến sĩ quân bưu) được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày 28-8 vừa qua, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng lữ đoàn Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, củng cố quốc phòng từ năm 2013 đến 2017, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.          

(*) Thượng tá, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Thông tin 205

TÔ HỒNG QUÂN (*)