 |
Thiếu tướng Lê Thanh (ngoài cùng bên phải) trong Hội thảo quốc tế về đoàn kết Việt Nam-Lào bảo vệ và xây dựng khu căn cứ cách mạng tỉnh Hủa-Phăn
|
“Tháng 5 năm 1949, tôi được lệnh từ Sơn La vượt qua biên giới sang châu Xiềng Khọ, tỉnh Sầm Nưa (Lào) làm Chính trị viên Ban xung phong Lào Bắc. Gần một năm ở đây, tôi cùng đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và các tổ, đội công tác đã móc nối với dân, giúp bạn xây dựng cơ sở kháng chiến”-Thiếu tướng Lê Thanh mở đầu câu chuyện với chúng tôi…
Trước đó, ông Lê Thanh đang là Chỉ huy trưởng Ban xung phong Trung Dũng hoạt động ở vùng từ Mộc Châu (Sơn La) đến Điện Biên Phủ. Ngày 16-5-1948, Ban xung phong Lào Bắc được thành lập, với nhiệm vụ là gây dựng cơ sở chính trị trong quần chúng, xây dựng căn cứ địa Lào Bắc vững chắc. Gửi thiếp cho Ban xung phong Lào Bắc, Bác Hồ viết: “Kiến lập căn cứ địa Lào độc lập là nhiệm vụ cần kíp. Ban xung phong Lào Bắc phải ra sức gây cơ sở quần chúng trong vùng địch kiểm soát. Tôi chúc Ban xung phong Lào Bắc chóng thành công. Khu giải phóng Lào độc lập chóng thành lập”. Sau khi tập kết ở một địa điểm sát biên giới Việt-Lào, đơn vị chia thành từng tổ 2-3 người thâm nhập vào các bản người Puộc ở Tà Xẻng, Lào Hùng, Moong Nam và Xiềng Xã, xây dựng cơ sở trên địa bàn tả ngạn sông Mã thuộc châu Xiềng Khọ.
Thiếu tướng Lê Thanh nhớ lại: “Sang đất Lào, tôi luồn rừng tìm đến bản Người Thênh, đại bản doanh của đơn vị mới. Người đầu tiên tôi gặp chính là đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản, Chỉ huy trưởng Ban xung phong Lào Bắc (sau này đồng chí là Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào). Chúng tôi chưa gặp nhau nhưng đã biết tên nhau. Vài tháng trước, tôi và Cay-xỏn còn viết thư trao đổi về kinh nghiệm giữ gìn đoàn kết nội bộ. Đồng chí Cay-xỏn lúc đó còn trẻ, người trắng trẻo, dễ gần. Phút bỡ ngỡ ban đầu qua nhanh, anh thông báo về tình hình đơn vị cho tôi…”.
Lúc mới thành lập, Ban xung phong Lào Bắc chỉ có 30 người, trong đó 2/3 là người Việt. Trải qua một năm công tác, Ban đã xây dựng được cơ sở ở 44 bản, với hơn 300 gia đình. Cuối năm 1948, Liên khu 10 tăng cường thêm 1 tiểu đoàn chủ lực để đẩy mạnh xây dựng cơ sở xuống Xốp Xan, Mường Ét. Ngày 20-1-1949, đồng chí Cay-xỏn mở hội nghị cán bộ, tuyên bố thành lập quân đội giải phóng, lấy tên là Đơn vị Lát-sa-vông. Ban xung phong Lào Bắc hình thành hai bộ phận: bộ phận hoạt động phân tán gây dựng cơ sở và đội quân Lát-sa-vông, khi tập trung, khi phân tán, vừa làm chính trị, vừa làm quân sự.
Để vận động quần chúng, các tổ công tác phải đến địa bàn, vừa tìm hiểu phong tục tập quán của dân, vừa nghiên cứu thủ đoạn tuyên truyền, chống phá của địch để có biện pháp phù hợp. Thiếu tướng Lê Thanh kể: “Ở đây chúng tôi không có tài liệu nghiên cứu gì hết, phải tự suy nghĩ ra mà làm. Các tổ gây dựng ở cơ sở phải tiếp xúc với dân, khêu gợi để họ nói. Dân thường kể đến chuyện đi làm phu, làm đường số 6 đoạn từ Mộc Châu đến Sầm Nưa. Ăn, ở, chữa bệnh chẳng ai lo, phu thường bị đói, làm việc nặng, lại bị đánh đập, bị tai nạn đá đè què chân, gãy tay, không ít người bị chết oan. Họ còn kể: Pháp có ống nhòm nhìn thấy Việt Minh ở trong rừng; Pháp có cả ra-đi-ô, Việt Minh nói, các quan nghe được hết. Chúng dọa: Ai đi theo Việt Minh, hoặc nói gì với Việt Minh, các quan đều nhìn thấy, nghe thấy hết. Chúng tôi đưa ống nhòm của mình cho dân xem, rồi giải thích cho dân hiểu: ống nhòm không nhìn được vật che khuất, không nhìn được người nấp trong rừng. Đưa ra-đi-ô cho dân nghe, cán bộ phân tích: Người thường nói, ra-đi-ô không nghe được, người phải nói qua máy, ra-đi-ô mới nghe được. Khi dân đã hiểu, chúng tôi mới bình luận: Giặc Pháp tàn ác vô nhân đạo. Không thể để chúng cướp hai nước chúng ta, bắt dân ta làm nô lệ lần nữa. Đồng bào hãy theo Việt Minh để đánh đuổi Pháp…”.
Để chia rẽ quần chúng với cách mạng, Pháp còn tuyên truyền Việt Minh thua, sắp hết đất rồi, nên phải chạy sang Lào xin ăn, quấy rối Lào. Cán bộ ta cho dân muối biển và nói với dân: Muối này làm từ nước biển, Việt Nam có biển rộng, có đồng bằng lớn, dân đông. Pháp không thắng được đâu. Chúng tôi sang đây là theo lệnh Bác Hồ, cùng với dân Lào đánh Pháp để Việt Nam và Lào cùng được độc lập.
Chỉ sau một thời gian, cơ sở của ta đã có ở khắp biên giới phía Tây, cũng như phía Đông Lào. Lực lượng kháng chiến đã mạnh lên nhiều. Ngày 2-11-1949, Tiểu đoàn 910 của Trung đoàn Sơn La phối hợp với Ban xung phong Lào Bắc và dân quân trên địa bàn tiến công kết hợp với địch vận ở Xiềng Khọ, buộc giặc phải đầu hàng. Viên đồn trưởng và 33 binh sĩ đã mang súng nộp cho cách mạng. Chiến thắng này cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng chiến trong nhân dân, củng cố căn cứ địa thêm vững chắc.
Bài và ảnh: Hoàng Tiến-Trung Nguyên