QĐND - Ngày 31-1-1954, Mặt trận Điện Biên Phủ xuất hiện tấm gương "Dũng sĩ đâm lê" Hoàng Văn Nô. Hơn 13 năm sau, trên mặt trận Quảng Trị lại xuất hiện một tấm gương "Dũng sĩ đâm lê" khác, đó là chiến sĩ tình báo Trần Huyền. Cả hai đều anh dũng hy sinh khi giáp lá cà đánh địch và đều được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngày 28-4-2000. Tên của liệt sĩ Hoàng Văn Nô đã được đặt cho một ngôi trường tiểu học và một đường phố ở TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), riêng liệt sĩ tình báo Trần Huyền thì vẫn còn ít người biết tới…
Trần Huyền sinh năm 1940 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tháng 2-1960, anh tình nguyện nhập ngũ và được điều về Tiểu đoàn 74 thuộc Cục Tình báo (Bộ Tổng tham mưu), tới tháng 10-1963 thì được tuyển chọn đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau khi ra trường, Trần Huyền được điều trở lại Tiểu đoàn 74 làm Trung đội trưởng, rồi Đại đội phó Đại đội 2. Ở cương vị nào, anh cũng được cấp trên tín nhiệm, đồng đội tin yêu.
|
Di ảnh liệt sĩ tình báo Trần Huyền. Ảnh tư liệu
|
Tháng 5-1967, Trần Huyền chia tay người vợ mới cưới Vương Thị Tiến ở vùng quê Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) để cùng đội hình Đại đội 2 vào tăng cường cho Mặt trận B5. Nhiệm vụ mà Bộ tư lệnh Mặt trận giao cho đại đội là trinh sát, lập hồ sơ binh yếu địa chí toàn bộ khu vực cứ điểm Cồn Tiên-Dốc Miếu, phục kích, bắt tù binh, khai thác tin tức phục vụ bộ tư lệnh hạ quyết tâm chiến đấu. Trên cương vị Đại đội phó, trực tiếp phụ trách mũi nắm địch ở phía nam cứ điểm Dốc Miếu, từ Cửa Tùng tới Cửa Việt, Trần Huyền không những làm tốt công tác tổ chức, chỉ huy mà còn nhiều lần cùng các tổ trinh sát thâm nhập, điều tra khu căn cứ và phục bắt tù binh địch.
Sáng sớm 17-8-1967, Ban Quân báo Mặt trận yêu cầu Đại đội 2 bắt sống một lính Mỹ để khai thác tin tức. Ban chỉ huy Đại đội lên phương án tổ chức phục kích ở phía nam Cồn Tiên, nhằm vào những tốp địch vẫn thường đi tuần trong khu vực từ Dốc Miếu tới thị xã Quảng Trị. Thủ trưởng Ban Quân báo mặt trận nhất trí với phương án này và chỉ thị Trần Huyền trực tiếp chỉ huy tổ công tác để bảo đảm chắc thắng. Tới quá trưa, Trần Huyền cùng 3 trinh sát: Thái, Đắc, Hậu vượt qua nắng gắt, bí mật luồn sâu trong lòng địch. Cả 4 người đều ngụy trang kín đáo và đem theo đầy đủ vũ khí, đạn dược, lương thực. Bộ phận trinh sát pháo binh của mặt trận được lệnh sử dụng ống nhòm dõi theo để kịp thời báo cáo, đề nghị cấp trên chi viện hỏa lực khi cần thiết. Tới khoảng 15 giờ, khi tổ trinh sát chỉ còn cách cứ điểm Dốc Miếu chừng 600m, các trinh sát triệt để tận dụng địa hình, địa vật, luồn qua những bụi cây để tránh bị các loại máy bay trinh sát địch phát hiện. Chợt trinh sát viên Đắc-người đi đầu-khựng lại rồi khẽ nói: "Có địch!". Trần Huyền nhô lên quan sát thì thấy một số lính Mỹ đứng lố nhố chỉ cách đó một đoạn ngắn. Chúng cũng đã phát hiện ra các trinh sát nên vội vã bắn như vãi đạn về phía các anh. Trần Huyền cùng đồng đội sử dụng súng tiểu liên và lựu đạn đánh trả quyết liệt, khiến địch phải tản ra.
Vừa chiến đấu, vừa quan sát, Trần Huyền thấy khoảng 100 tên lính thủy đánh bộ Mỹ có xe bọc thép và máy bay trực thăng yểm trợ đang vây quanh tổ trinh sát. Xác định hỏa lực của chúng mạnh gấp nhiều lần tổ trinh sát, địa hình lại không thuận lợi để ta bám trụ, nếu tiếp tục đương đầu thì toàn bộ tổ trinh sát sẽ hy sinh, Trần Huyền ra lệnh:
- Tất cả rút ngay về phía sau, để tôi yểm hộ!
Thấy các trinh sát viên chần chừ, Trần Huyền hô tiếp:
- Rút ngay. Đây là mệnh lệnh!
Ẩn nấp sau những tảng đá to trong lòng suối cạn, Trần Huyền bình tĩnh nhả đạn về phía địch, khiến chúng phải tiếp tục tản ra, tập trung đối phó. Chờ chúng bò vào thật gần mới điểm xạ, cứ một loạt đạn của anh vang lên là lại có một vài tên địch đổ gục. Khi các đồng đội thoát khỏi vòng nguy hiểm thì súng anh hết đạn, buộc phải chuyển dùng lựu đạn đánh trả. Nhận thấy chỉ còn một mình anh, địch hò nhau bò lên, vây chặt hòng bắt sống. Đúng lúc đó, hỏa lực pháo binh của ta từ bờ bắc sông Thạch Hãn giội sang chi viện. Được tiếp thêm sức mạnh, anh tả xung hữu đột, dùng lưỡi lê, dao găm và võ thuật hạ gục thêm một số lính Mỹ buộc chúng phải từ bỏ ý định bắt sống mình. Sau khi nổ súng giết hại Trần Huyền, số lính Mỹ cũng vội vã rút lui, đem theo 26 thi thể đồng bọn. Ít ngày sau, đồng đội mới tranh thủ lúc địch sơ hở để đột nhập, đem thi thể Trần Huyền về mai táng.
Sau khi hy sinh, liệt sĩ Trần Huyền được Bộ tư lệnh Mặt trận B5 tuyên dương danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" và được truy tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng nhất. Toàn Mặt trận B5 cũng dấy lên phong trào học tập tấm gương "Dũng sĩ đâm lê" Trần Huyền. Giờ đây, liệt sĩ Trần Huyền đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
VŨ SÁNG