QĐND - Nhân Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và 61 năm Ngày truyền thống ngành hậu cần quân đội (11-7-1950/11-7-2011), xin giới thiệu đôi nét về người đảng viên Trần Đăng Ninh, một cuộc đời gắn bó với cách mạng, luôn suy nghĩ và hành động theo những điều Bác Hồ chỉ dẫn...

Một công nhân bất khuất

Đồng chí Trần Đăng Ninh, tên khai sinh là Nguyễn Tuấn Đáng, sinh năm 1910 tại xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, một vùng quê có nhiều nhà nho yêu nước như Dương Khuê, Bùi Bằng Đoàn, Nguyễn Thượng Hiền... Sống trong môi trường cách mạng, hoạt động trong phong trào công nhân Hà Nội, anh đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 7-1936, lấy bí danh là Trần Đăng Ninh.

Đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp đầu tiên của Quân đội. Ảnh tư liệu.

Một số lão thành cách mạng hoạt động ở Hà Nội thời kỳ 1935-1945 còn nhớ mãi hình ảnh anh công nhân ngành in Trần Đăng Ninh dáng người quắc thước, chắc nịch với chiếc cằm vuông kiên nghị, nụ cười đôn hậu, thân mật năm 1937 đã đến nhiều nơi vận động quần chúng đi dự cuộc mít tinh công khai lớn nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5 tại nhà Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt-Xô). Thường ngày, anh vẫn luôn tươi vui niềm nở, nhã nhặn nhưng trong cuộc mít tinh có tới 25.000 người dự hôm ấy, người ta thấy Trần Đăng Ninh dũng cảm, hùng hồn cùng quần chúng hát Quốc tế ca, hô vang các khẩu hiệu đòi chính quyền Pháp ban hành luật lao động, đòi giảm thuế, đòi tự do lập các hội ái hữu, nghiệp đoàn, đòi hòa bình, chống chiến tranh đế quốc(*).

Năm 1939, đồng chí Trần Đăng Ninh được chỉ định vào Thành ủy Hà Nội.

Trong khởi nghĩa Bắc Sơn, đồng chí nhận nhiệm vụ chỉ đạo phong trào cách mạng ở Bắc Sơn, trực tiếp phụ trách việc xây dựng du kích tại đây. Sau đó, đồng chí tiếp tục tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng lâm thời (1940), Ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết (1941), Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (1941).

Đồng chí Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên tù nhân chính trị tại các nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội, ngục Sơn La, đầu năm 2011 vừa qua đã kể lại những chuyện thời kỳ đồng chí Trần Đăng Ninh bị bắt giam tại các nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, bị tra tấn rất dã man nhưng vẫn dũng cảm đấu tranh, không chịu khai báo rồi vượt ngục thành công cùng các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu.

Ra tự do, đồng chí được phân công làm việc trong Xứ ủy Bắc Kỳ.

Một cán bộ lãnh đạo tài năng, một gương sáng mẫu mực

Năm 1945, đồng chí Trần Đăng Ninh tham gia Ủy ban quân sự Cách mạng Bắc kỳ. Khi thống nhất Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân, ông được cử vào Bộ tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Trần Đăng Ninh được Trung ương chỉ định tham gia Ban Chấp hành Tổng bộ Việt Minh. Thời kháng chiến chống Pháp, đồng chí nhận quyết định làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng, là đặc phái viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra tình hình thực hiện chính sách Đại đoàn kết của Chính phủ ở một số địa bàn quan trọng. Với bản chất cương trực, kiên quyết nhưng công bằng, mềm mỏng của mình, Trần Đăng Ninh đã cùng Đoàn Đặc ủy Chính phủ thuyết phục thành công các Nhà lang Đinh Công Phủ lúc ấy đang có thế lực lớn trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Hòa Bình và “Vua Mèo” Vương Chí Sình ở Hà Giang cùng Giám mục Lê Hữu Từ ở vùng Công giáo Phát Diệm, Kim Sơn. Sau đó giữa năm 1948, khi xảy ra “Vụ án H122” ở Việt Bắc, Bác Hồ lại chỉ định Trần Đăng Ninh cùng một đoàn cán bộ Trung ương trực tiếp đi giải quyết.

Bác Hồ và đồng chí Trần Đăng Ninh. Ảnh tư liệu

Đồng chí Lê Giản, Tổng giám đốc đầu tiên của Nha Công an Trung ương cho biết: “Năm 1948, Trung ương và Bác Hồ giao cho anh Trần Đăng Ninh đi kiểm tra Vụ H122. Tôi được cùng anh đi làm vụ này. Đó là một vụ đặc biệt có rất nhiều vấn đề, nhiều bài học tỏ rõ phẩm chất bản lĩnh tài năng lớn của anh Ninh. Qua thẩm tra Vụ H122, anh Ninh đã có cách làm việc rất khoa học, sâu sát, tỉ mỉ và cẩn thận, kiên quyết... Với tài năng và trí tuệ, với kinh nghiệm cuộc sống phong phú, từng trải, với tinh thần làm việc ngày đêm, với quyền lực tối cao được Bác Hồ giao, một lòng vì Đảng, vì dân, vì công lý, anh Ninh đã giải oan cho mấy trăm người, lấy lại niềm tin cho cán bộ và nhân dân”.

Từ đó anh được ca tụng là “Bao Công Việt Nam”.

Tháng 7-1950, Trung ương quyết định tổ chức lại các cơ quan Bộ Quốc phòng. Tổng Quân ủy được thành lập, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Bí thư; Trần Đăng Ninh được bổ nhiệm Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (nay là Tổng cục Hậu cần) là phó bí thư; Nguyễn Chí Thanh, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị là ủy viên.

Sau đó, đồng chí Trần Đăng Ninh cùng một số cán bộ khác nhận quyết định theo Bác Hồ và Đại tướng ra mặt trận, trực tiếp lãnh đạo Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ông Hoàng Đình Phu, nguyên Giám đốc Viện Kỹ thuật Quân sự, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước cho biết: “Làm Trưởng phòng Kế hoạch Tổng cục Cung cấp gần anh Ninh từ giữa 1950 đến cuối 1953, anh đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc về người thủ trưởng vừa là người thầy, vừa là người anh, tạo cho tôi những bí quyết thành công trong mọi lĩnh vực công tác, một bước trưởng thành khá cơ bản về phong cách làm việc... Anh rất quan tâm đến việc ứng xử giữa con người với con người, có lối sống giản dị, thân mật, gần gũi với mọi người. Anh em cả trong, ngoài Đảng từng tiếp xúc với anh đều quý trọng, tin cậy anh”.

Trước Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí Trần Đăng Ninh lâm bệnh nặng. Theo bác sĩ Lê Hùng Lâm, người chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Trần Đăng Ninh kể lại: “Thương tiếc đồng chí Trần Đăng Ninh, Hồ Chủ tịch đã đến thăm khi đồng chí đang điều trị bệnh. Do nhiều lần bị địch tra tấn dã man, bị bệnh hiểm nghèo, đồng chí đã ra đi ngày 6-10-1955. Bác Hồ có mặt và đã khóc trong buổi khâm liệm đồng chí Trần Đăng Ninh”.

Trong buổi sinh hoạt Sử học ở Hà Nội năm 1995 kỷ niệm 85 năm ngày sinh và 40 năm ngày mất của đồng chí Trần Đăng Ninh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát biểu: “… Anh Ninh đã hoạt động trên nhiều lĩnh vực, giữ nhiều trọng trách của Đảng và Chính phủ, nhiều đồng chí đã viết, đã nói. Tôi chỉ phát biểu về những đức tính của anh mà tôi còn nhớ mãi.

… Đấu tranh kiên cường, bất khuất với kẻ thù; vượt qua mọi khó khăn trở ngại để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; ngay khi lâm bệnh nặng vẫn lo công việc chung và phấn đấu tới phút cuối cùng với dũng khí của người cộng sản. Chỉ trong mấy năm phụ trách công tác hậu cần, anh đã xây dựng được tổ chức hậu cần của chiến tranh nhân dân Việt Nam, bảo đảm cho các chiến dịch lớn của chủ lực cũng như hoạt động rộng khắp của chiến tranh du kích trên các chiến trường. Anh Ninh là người của đoàn kết vì đại nghĩa, đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, trọng dụng những người có đức, có tài… Anh luôn đấu tranh phê phán cái sai, ủng hộ cái đúng, không nhân nhượng… Anh Ninh là người có tính nhân hậu, đầy lòng nhân ái thương người, thấm nhuần tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Anh Ninh luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, lắng nghe, tôn trọng nghiên cứu kỹ lưỡng bạn nhưng luôn căn cứ vào thực tiễn Việt Nam để giải quyết công việc…

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, chúng ta cần có những người như anh Trần Đăng Ninh. Phải chăng, anh Ninh là “một mẫu người” mà Bác Hồ muốn xây dựng”.

 Đồng chí Trần Đăng Ninh về cõi vĩnh hằng quá sớm, mới ở tuổi 45, với 25 năm cống hiến cho cách mạng. Do những đóng góp to lớn của mình cho Tổ quốc, đồng chí Trần Đăng Ninh đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng hai cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Sau khi đồng chí ra đi, Nhà nước đã truy tặng đồng chí Huân chương Độc lập hạng nhất và Huân chương Sao Vàng.

(*)Tháng 4-1936, Mặt trận Nhân dân Pháp, nòng cốt là Đảng Cộng sản Pháp giành thắng lợi trong cuộc Tổng tuyển cử rồi lên nắm chính quyền ở Pháp nên phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Việt Nam thời gian ấy có điều kiện hoạt động tốt hơn.

Đỗ Nam Trung