Nguyễn Đình Ưu (1918-2002) vốn là một thanh niên làm nghề vẽ truyền thần ở thành phố Hải Phòng, quê hương ông. Nguyễn Đình Ưu tham gia cách mạng từ thập niên 1940. Phát huy sở trường của mình, với chiếc máy ảnh được trang bị, ông lăn lộn trên các chiến trường, ghi lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông vừa tham gia chiến đấu vừa chụp ảnh phục vụ công tác địch vận, ảnh sinh hoạt, lao động và chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ ta. Ông chính là tác giả của những bức ảnh như: “Quân Pháp rút khỏi cầu Long Biên”; “Anh hùng Nguyễn Quốc Trị với nét mặt rạng rỡ nhận hoa của các bà mẹ, thiếu nữ Thủ đô” hay “Nhân dân Hà Nội vui mừng chào đón Bác Hồ, Trung ương Đảng và Chính phủ trở về”... Trong đó, “Nữ dân quân” là một trong những bức ảnh đặc biệt làm nên tên tuổi của Nguyễn Đình Ưu. Tác giả và bức ảnh đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2001.

“Ngày ấy, tôi nhận lệnh chụp cho được hình ảnh người chiến sĩ dân quân tươi, trẻ, khỏe nhưng phải nghiêm trang. Để đạt cả 4 yêu cầu đó trong một bức hình thật không đơn giản. Hơn nữa, chụp các cô gái thời bấy giờ khó lắm, hễ thấy tôi giơ máy ảnh lên định bấm là họ ngượng ngùng, bối rối, thậm chí bỏ chạy. Vì vậy, để thực hiện nhiệm vụ này, tôi mất cả tháng trời “ăn vạ” ở sân bay Bạch Mai, nơi đội hình các khối tham gia lễ diễu hành chào mừng Quốc khánh luyện tập để tiếp cận, chọn góc độ và thời cơ bấm máy”, lúc sinh thời, NSNA Nguyễn Đình Ưu kể.

leftcenterrightdel
 Nữ dân quân. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH ƯU

Sau những vất vả, cuối cùng ông cũng hoàn thành nhiệm vụ. Với chiếc máy ảnh hiệu Rolleiflex chỉ có tiêu cự ngắn, vào một buổi sáng trên sân bay Bạch Mai, khi các khối diễu hành bắt đầu luyện tập, nhà báo Nguyễn Đình Ưu cũng chỉnh xong tốc độ, khẩu độ và lựa chọn tiêu cự hợp lý. Ông bấm liền 3 kiểu một lúc khi đội hình nữ dân quân tiến qua lễ đài. Và ở kiểu thứ ba, ông đã thành công chụp được nữ dân quân tên là Minh Nguyệt, người làng Láng, Hà Nội, với hình ảnh đầu chít khăn mỏ quạ, chiếc áo cánh nâu, đai lưng thắt chẽn, vai mang súng, gương mặt đôn hậu và cương nghị. Công bố tháng 9-1960, bức ảnh ngay lập tức trở nên nổi tiếng, được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao, giành nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế sau đó. Điều mà sinh thời NSNA Nguyễn Đình Ưu vui nhất là 40 năm sau khi chụp bức ảnh, ông đã gặp lại “nữ dân quân” Minh Nguyệt vào cuối thu năm 2000.

PHƯƠNG HOA