Từ đường Phan Đình Phùng, thành phố Kon Tum (Kon Tum) rẽ vào đường Trương Quang Trọng khoảng 800m, ngục Kon Tum hiện lên trước mắt du khách với hàng xà cừ cao vút, biểu hiện sinh động cho ý chí, nghị lực, lòng quả cảm của các chiến sĩ cách mạng. Về với di tích lịch sử Ngục Kon Tum, du khách sẽ được tham quan quần thể di tích, bao gồm nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, cụm tượng đài “Bất khuất” và hai ngôi mộ tập thể nằm bên bờ sông Đak Bla lộng gió.

Đại biểu Ủy ban đối ngoại Quốc hội Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia thăm ngục Kon Tum tháng 7-2009. Ảnh: Internet

Sau khi hoàn thành quá trình khai thác thuộc địa, thiết lập xong bộ máy cai trị trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thực dân Pháp đã xây dựng tại đây một nhà lao có quy mô không lớn lắm và cũng không kiên cố nhưng lại là “lò giết người tàn bạo của thực dân Pháp ở nước ta thời kỳ 1930-1931”. Ngục Kon Tum chính là nơi giam cầm những tù chính trị bị bắt trong cao trào cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931). Thực dân Pháp đã bắt giam và đày ải hơn 500 lượt tù chính trị và gần một nửa vĩnh viễn đã phải nằm lại mảnh đất ngục tù và dọc con đường 14. Đứng trước cái chết, những người tù chính trị đã phải tìm cho mình một con đường sống, biết rằng con đường đó có thể phải trả giá bằng chính sự sống của bản thân cũng như của tất cả đồng chí, đồng đội. Song, họ hi vọng rằng “sau khi ta chết rồi, họa may mấy anh em mới còn phương sống”.

Trong hoàn cảnh bị giam cầm, ngục tù, những người tù chính trị đã chuẩn bị cho mình một phương thức đấu tranh mà mình có thể thực hiện: “Phản đối đi Đăk Pét”, “phản đối đánh đập, bắn giết tù chính trị”, “phản đối đi làm đường 14”… những khẩu hiệu đó luôn được tù chính trị hô vang mỗi khi đối mặt với súng đạn, với sự tàn bạo của kẻ thù. Thực dân Pháp không từ bỏ một thủ đoạn giết người man rợ nào và đã đàn áp dã man cuộc đấu tranh của tù chính trị tại đây. Ngày 12-12-1931, chúng đã chĩa súng, xả đạn vào những tù chính trị đang bị giam giữ trong nhà lao, kể cả những người tuyệt thực đã 4-5 ngày, không còn sức lực. Chỉ trong vòng mấy phút đồng hồ, trong số 40 người đã có 8 người bị chết, 8 người bị thương.

Không dừng lại ở đó, những năm tháng chiếm đóng ở Tây Nguyên, thực dân Pháp đã buộc những người tù khổ sai phải chặt cây, phá đá, làm đường để thực hiện ý đồ khai thác thuộc địa. Trong 6 tháng - từ tháng 12-1930 đến tháng 6-1931, đã có 170 người đã hi sinh.

Cuộc “Đấu tranh lưu huyết” và cuộc “Đấu tranh tuyệt thực” tại ngục Kon Tum đã chứng minh một chân lý: Sự hà khắc, dã man tàn bạo của kẻ thù chỉ có thể giam cầm, đày đọa được thể xác chứ không thể dập tắt, giết chết ý chí cách mạng của những người cộng sản. Cũng tại nơi này, ngày 25-9-1930, đồng chí Ngô Đức Đệ triệu tập một cuộc họp bí mật tại phòng biệt giam của mình, tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tỉnh Kon Tum… Sự kiện này đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh được nhen nhóm bấy lâu, đồng thời tuyên truyền đường lối cách mạng, tiếp tục truyền ngọn lửa đấu tranh tới người dân bản địa Kon Tum.

Ghi nhận sự đấu tranh kiên cường, bất khuất, nghị lực phi thường của các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại ngục Kon Tum, đồng thời làm sống lại những ngày tháng tranh đấu bảo vệ con người và vùng đất Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng Cộng sản (ra đời tại Ngục), một khu quần thể di tích lịch sử Ngục Kon Tum đã được tu sửa, xây dựng khang trang và trở thành điểm hẹn truyền thống lịch sử, là sự tri ân của người đang sống với người đã khuất. Ngày 16-11-1988, Bộ Văn hóa-Thông tin ra quyết định số 1288 công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia sớm nhất trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Ngày nay, di tích Ngục Kon Tum đã trở thành nơi thăm viếng của nhân dân trong và ngoài nước khi đến với Kon Tum. Trong dòng lưu bút ghi lại cảm tưởng khi tới thăm Ngục Kon Tum, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã viết: “Tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, anh dũng hi sinh của các đồng chí mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ người Việt Nam. Chúng tôi nguyện sẽ tiếp tục sự nghiệp cách mạng, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Phạm Thị Nhung