Chợ Lớn “trên bến dưới thuyền”

Một trong những nhà nghiên cứu lão thành nặng duyên nợ với Chợ Lớn đang sống khỏe mạnh và minh mẫn ở TP Hồ Chí Minh hiện nay là học giả An Chi. Ông đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về Chợ Lớn. Với lập luận khoa học chặt chẽ, thuyết phục, những luận cứ của ông đã giải quyết căn cơ những thắc mắc về tên gọi, ý nghĩa của nhiều thuật ngữ cổ gắn với vùng đô thị đặc trưng này.

Nhưng, trước khi đến với những thông tin học giả An Chi cung cấp, xin dừng lại một chút để chia sẻ cùng bạn đọc về nhân vật được truyền thông tôn vinh là “người hay chữ” nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh hiện nay. Học giả An Chi tên thật là Võ Thiện Hoa, sinh năm 1935 tại Gia Định-Sài Gòn (nay thuộc quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Trong sự nghiệp nghiên cứu hơn nửa thế kỷ qua, đóng góp xuất sắc nhất của ông về học thuật phải kể đến các công trình nghiên cứu về từ nguyên. Giải thích ý nghĩa của từ nguyên đòi hỏi nhà nghiên cứu phải bám sát các luận cứ, luận chứng về lịch sử, địa lý, văn hóa... trên tinh thần bảo đảm y nguyên văn bản gốc. “Y nguyên, người Nam Bộ gọi là y chang. Mà y chang, đọc lái là ang chi. Người Nam Bộ phát âm “ang” giống như “an”. Tôi ký bút danh An Chi dưới các bài báo, riết rồi thành tên mình luôn”, học giả An Chi giải thích về bí danh của mình.

leftcenterrightdel
Học giả An Chi

Theo học giả An Chi, vùng đất Chợ Lớn từ cuối thế kỷ 17 có tên gọi là Đề Ngạn, nơi quần cư của một cộng đồng người Hoa. Đến giữa thế kỷ 18, do người Hoa ở Cù lao Phố (Biên Hòa, Đồng Nai hiện nay) di cư đến đây sinh sống, làm ăn nên khu vực này trở nên đông đúc, nhộn nhịp. Họ lập chợ, phát triển giao thương đường thủy dọc các tuyến sông, kênh, rạch theo kiểu “trên bến dưới thuyền”. Khu chợ ở đây quy mô lớn hơn nhiều so với các chợ khác nên gọi là chợ Lớn. Tên gọi Chợ Lớn cũng được sử dụng chỉ địa danh vùng đất có khu chợ Lớn là vị trí trung tâm. Đến năm 1865, Thống đốc Nam Kỳ quyết định thành lập thành phố Chợ Lớn. “Thành phố Chợ Lớn là đơn vị hành chính độc lập, không thuộc tỉnh Chợ Lớn (tỉnh Long An hiện nay). Tuy nhiên, do trụ sở chính quyền tỉnh Chợ Lớn đặt tại thành phố Chợ Lớn nên nhiều người vẫn bị lẫn lộn giữa hai địa danh, hai đơn vị hành chính này”-học giả An Chi giải thích. Đến ngày 27-4-1931, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh sáp nhập hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn thành Khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Đến năm 1951 đổi tên thành Đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn, năm 1956 đổi thành Đô thành Sài Gòn. Dù tên gọi thay đổi, quy mô đơn vị hành chính được chính quyền Pháp thuộc điều chỉnh theo từng giai đoạn, nhưng do phong tục, tập quán cùng những yếu tố về lịch sử, địa lý, văn hóa có tính khu biệt rõ ràng nên khu vực Chợ Lớn vẫn có những đặc quyền, lợi thế riêng. Đây chính là những yếu tố đặc biệt để Đặc khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn (về sau là Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn) tận dụng xây dựng, mở rộng mạng lưới cơ sở cách mạng ở nội thành. Nhiều cơ sở trọng yếu của cách mạng, nơi nuôi giấu những cán bộ chủ chốt của Đảng được lựa chọn, xây dựng trong khu vực này. Gia đình học giả An Chi là một trong những cơ sở điển hình...

Trong tầng sâu truyền thống

Trung tâm giao thương lớn nhất của khu vực Chợ Lớn xưa (nay thuộc địa bàn các quận 5, 6, 11 TP Hồ Chí Minh) là chợ Bình Tây. Từ hình thức giao thương “trên bến dưới thuyền” dọc tuyến kênh Tàu Hủ, khu chợ của người Hoa từ giữa thế kỷ 18 đã trải qua một số lần di chuyển địa điểm, mở rộng quy mô. Đến năm 1928, thương gia giàu có người Hoa tên là Quách Đàm đã đầu tư kinh phí, tâm huyết xây dựng khu chợ khang trang theo phong cách kết hợp những nét đẹp của kiến trúc Á Đông và phương Tây đương thời. Đến nay, chợ Bình Tây đã trải qua nhiều cuộc trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn bảo tồn nguyên trạng kiến trúc, là khu chợ đầu mối lớn nhất, được đánh giá là chợ truyền thống đẹp nhất TP Hồ Chí Minh hiện nay. Dù tên chính thức là chợ Bình Tây nhưng từ hàng trăm năm nay, thương nhân, du khách vẫn quen gọi là Chợ Lớn.

leftcenterrightdel
Chợ Lớn “trên bến dưới thuyền” thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu

Học giả An Chi kể: Ông được sinh ra, nuôi dưỡng trong gia đình có truyền thống yêu nước. Gia đình bên ngoại có cậu là Võ Trọng Quản và chồng của dì là Nguyễn Văn Nghi tham gia kháng chiến từ rất sớm. Nguyễn Văn Nghi là người rất thân thiết với Trung tướng Nguyễn Bình, Khu trưởng Khu 7 Nam Bộ. Gia đình bên ngoại làm nghề buôn bán ở Chợ Lớn. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Chợ Lớn khá an toàn vì quân Pháp cho rằng Việt Minh không có mặt ở khu vực người Hoa sinh sống. Nhờ đó, nhiều cán bộ ở chiến khu về nội thành hoạt động thường chọn khu vực này làm nơi trú ẩn, xây dựng, phát triển cơ sở cách mạng. Các cậu, dì và các thím của Võ Thiện Hoa đều là những thương gia có tiềm lực kinh tế, quan hệ rộng nên họ rất có uy tín đối với các cấp chính quyền. Dưới vỏ bọc là những thương gia thành đạt, họ đã trở thành những cơ sở cách mạng quan trọng của Đảng trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ông bà ngoại và các cậu, dì của ông... làm hầm bí mật ngay dưới nền nhà và các sạp hàng trong chợ, tổ chức nuôi giấu những cán bộ chủ chốt của Đặc khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như: Mười Cúc (đồng chí Nguyễn Văn Linh), Bí thư Đặc khu ủy, Khu ủy; Trần Quốc Thảo, Phó bí thư Đặc khu ủy (giai đoạn sau là Bí thư Khu ủy); Đào Tấn Xuân, quyền Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặc khu, Phó bí thư Khu ủy... trong nhiều năm trời, bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có nhiều giai đoạn phong trào cách mạng ở nội thành hết sức khó khăn, các cơ sở cách mạng bí mật bị lộ, địch tăng cường lùng sục, bố ráp khiến nhiều cán bộ của ta sa vào tay giặc, nhưng các cơ sở trọng yếu ở Chợ Lớn vẫn giữ được an toàn. Thậm chí, trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng”, chúng ta vẫn tổ chức được cơ sở in báo bí mật ngay tại Chợ Lớn, do Ban Tuyên huấn Hoa vận thực hiện, dưới sự chỉ đạo của Khu ủy Sài Gòn-Chợ Lớn. Hiện căn nhà có căn hầm bí mật được sử dụng làm cơ sở in báo tại số 341/10 Gia Phú, phường 1, quận 6 đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Nói về yếu tố bảo mật của nhiều cơ sở cách mạng trong lòng địch ở khu vực Chợ Lớn, học giả An Chi lý giải: Nguyên nhân chủ yếu là chúng ta đã làm rất tốt công tác dân vận trong cộng đồng người Hoa (Hoa vận). Bên cạnh đó, địch có tâm lý chủ quan. Chúng cho rằng Việt Minh, Việt cộng chỉ xâm nhập hoạt động ở các vùng ven và những khu vực nội đô khác chứ khó có cơ hội xâm nhập khu vực sinh sống, làm ăn của người Hoa. Các cuộc càn quét, bố ráp, bắt bớ hiếm khi diễn ra trong chợ. Khuôn viên chợ rất rộng, lên đến hơn 25.000m2, là chợ đầu mối lớn nhất, hoạt động giao thương diễn ra tấp nập, sôi động, điều kiện thuận lợi để cán bộ của ta cải trang thành nhiều thành phần ẩn náu hoạt động. Hệ thống nhà hát, các tụ điểm vui chơi giải trí ở khu vực Chợ Lớn cũng là những địa điểm được chúng ta vận động, tận dụng phát động các cuộc đấu tranh, xuống đường của quần chúng.

Trong tầng sâu lịch sử-văn hóa Chợ Lớn, những câu chuyện như của gia đình học giả An Chi rất nhiều. Đó là những nhân tố kết thành giá trị truyền thống, khích lệ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến cho thế hệ hôm nay và mai sau. Chợ Bình Tây ngày nay vẫn là khu chợ đầu mối lớn nhất TP Hồ Chí Minh, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Dọc tuyến kênh Tàu Hủ, vẫn còn đó nét sinh hoạt đặc trưng “trên bến dưới thuyền”, nhất là vào dịp cuối năm, khi các phiên chợ Tết hoạt động. Hàng hóa đa dạng từ Nhà Bè và các tỉnh miền Tây Nam Bộ theo tàu, ghe ngược kênh Tàu Hủ cập bến, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập, trở thành những ngày hội văn hóa du lịch sôi động, đầy bản sắc.

Trong hành trình nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, nhiều chuyên gia kiến nghị: Cần bồi dưỡng sâu cho đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên du lịch những kiến thức về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ở từng địa danh, điểm đến. Khi đưa du khách tham quan các địa điểm trong thành phố, các hướng dẫn viên du lịch không chỉ giới thiệu vẻ đẹp của kiến trúc, văn hóa, phong tục, tập quán và các sản phẩm du lịch mà còn truyền đi thông điệp về lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, lòng trung thành, sáng tạo của nhân dân từ những dẫn chứng sinh động trong tầng sâu lịch sử, văn hóa...

Trong tầng sâu lịch sử-văn hóa Chợ Lớn, những câu chuyện như của gia đình học giả An Chi rất nhiều. Đó là những nhân tố kết thành giá trị truyền thống, khích lệ tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến cho thế hệ hôm nay và mai sau.

PHAN TÙNG SƠN