Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ấm, sinh năm 1941, tại xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Tháng 2-1964, ông nhập ngũ vào Trung đoàn Pháo phòng không 224, Sư đoàn 375. Đến năm 1969, ông sang Lào tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào trong đội hình Binh trạm 12, Bộ tư lệnh 559, phối thuộc Trung đoàn Pháo phòng không 284 (nay là Trung đoàn Tên lửa 284) làm trợ lý kỹ thuật. Tại đây, ông cùng đồng đội ngày đêm đối mặt với mưa bom, bão đạn của địch. Nguy hiểm là vậy, bộ đội ta còn chịu cảnh thiếu đồ ăn, nước uống. Chính trong hoàn cảnh đó, ông và đồng đội đã tận dụng ống pháo sáng của địch để làm ra những chiếc ca vừa đựng nước lại có thể dùng nấu cơm.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Ấm trao tặng chiếc ca cho ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: QUANG ĐỨC

Ông nhớ lại, buổi đêm địch bắn nhiều quả pháo sáng lên bầu trời để dễ dàng quan sát quân ta. Những quả pháo sáng có gắn dù treo lơ lửng trên bầu trời chiếu sáng cả một vùng đất rộng. Vì vậy, để tránh địch phát hiện, bộ đội ta phải ngụy trang kỹ càng. “Khi thấy pháo sáng của địch, tôi và đồng đội phải ngụy trang, nằm sát mặt đất, mắt vẫn dõi theo các quả pháo sáng để biết nó rơi ở khu vực nào rồi đến lấy. Có những quả pháo sáng rơi ngay gần chúng tôi nhưng không ai được đuổi theo nhặt, đề phòng địch phát hiện cũng như tránh giẫm phải bom của địch rải. Đợi địch rời đi, chúng tôi mới chặt ngọn tre, lấy dây dù buộc vào đầu ngọn kéo đi để rà bom cho nổ hết rồi mới đi nhặt các ống pháo sáng về. Trong 4 ngày đêm, chúng tôi nhặt được 4 ống pháo sáng. Mỗi ống pháo có chiều dài khoảng 1m gò được 4 ca, tổng cộng chúng tôi gò được 12 ca, chia đều cho mỗi người một cái”-ông Ấm kể.

Những năm tháng chiến đấu gian khổ, chiếc ca này luôn là vật bất ly thân với ông. Đến năm 1976, ông Ấm xuất ngũ, chiếc ca được ông đem về nhà cất giữ cẩn thận và trong một số trường hợp nó vẫn là vật dụng hữu ích đối với gia đình ông. Như lần người con gái út của ông bị bệnh nặng phải nhập viện năm 1986, ông mang theo chiếc ca này để đun nước, nấu cơm chăm sóc con gái mình. Tháng 5-2020, cựu chiến binh Nguyễn Văn Ấm đã tặng chiếc ca cho Bảo tàng Hà Nội với mong muốn các thế hệ sau biết được những khó khăn, gian khổ mà cha anh đã trải qua để giành lại độc lập dân tộc.

DUY TIÊN