QĐND - Hôm ấy là ngày 7-3, Trung tướng Nguyễn Thế Bôn, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng đến Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam) mang theo ít kẹo và chiếc đài Sony. Kẹo thì ông chia cho mấy chị em nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ, còn chiếc đài ông mang tặng bảo tàng. Ông xúc động khi trao chiếc đài cho chúng tôi, ông dặn: “Kỷ vật của chị Ba Định-Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng tôi năm 1968. Nó gắn với câu chuyện nhớ đời của tôi lần ấy khi bọn địch quyết bắt sống Sư đoàn trưởng Tám Bôn”.
 |
Chiếc đài của Thiếu tướng Nguyễn Thị Định-Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng Sư đoàn trưởng Nguyễn Thế Bôn.
|
Chúng tôi háo hức chờ đợi nghe ông kể, còn ông thì bật cười ha hả. “Bình tĩnh..., ngày xưa bom đạn ngập đầu vẫn không mất tiếng cười, bây giờ thì vui chút mừng chị em cái đã”-ông bảo. Sau một hồi kể chuyện tiếu lâm của lính, đọc thơ con cóc: “Hôm nay mồng tám tháng Ba/ Tôi giặt hộ bà chiếc áo của tôi/ Nếu bà còn thấy hôi hôi/ Tôi giặt chiếc áo của tôi hộ bà”. Cù cho chúng tôi cười một trận, ông mới hào hứng vào chuyện:
Mồng Hai Tết Mậu Thân 1968, theo ý định của cấp trên, Sư đoàn 7 sẽ đột nhập vào nội thành theo hướng Bắc trục đường 13 đánh vào Quân đoàn 1 ngụy, sau đó hoạt động tiêu hao tiêu diệt địch xây dựng cơ sở ở ven đô Bắc Sài Gòn. Nhưng sau đó, Sư đoàn 7 được lệnh nằm lại ven đô xây dựng cơ sở, phát động nhân dân nổi dậy. Thời gian này, Mỹ-ngụy bắt đầu phản kích đánh ra vùng ven đô dữ dội.
Ngày 2-6-1968, Mỹ-ngụy dùng xe tăng, xe bọc thép bất ngờ đánh vào Sở chỉ huy Sư đoàn 7 ở “Sình Bà Đá”. Sau một ngày các đơn vị của sư đoàn đánh trả quyết liệt, địch không vào được, buộc chúng phải rút. Ngay trong đêm 3-6, sư đoàn chuyển sang tây Đường 16 gần Bố Lá. Đội hình sở chỉ huy vừa vào vị trí mới thì trời sáng. Đúng 7 giờ, pháo binh, máy bay địch bắt đầu đánh phá. 8 giờ, xe tăng, xe bọc thép của địch tiến công vào sở chỉ huy cũ. Ở đây có lực lượng của sư đoàn bố trí đánh chặn nên địch không vào được. Đêm 4-6, Sở chỉ huy Sư đoàn 7 chuyển về Suối Thôn, đông nam Chơn Thành. Trưa hôm sau, khi bộ đội đang ăn cơm thì phát hiện máy bay L-19 lượn ba vòng, sau đó cho máy bay F-5 đến giội bom liên tục trong khoảng thời gian 30 phút. Vừa dứt tiếng bom thì pháo 105mm từ Chơn Thành bắn dồn dập 15 phút. Sau đợt pháo kích, cả đàn trực thăng xuất hiện trên trời. Ở phía dưới, anh em phát hiện xe M113 đi men theo rừng le, luồn lạch qua suối rồi tăng tốc lao vào sở chỉ huy theo 3 mũi. Mũi chủ yếu có 10 xe M113 đánh thẳng vào trung tâm sở chỉ huy. Địch chiếm được hầm giao ban. Tiểu đội vệ binh bắn cháy 2 chiếc xe M113, bọn địch khựng lại. Địch dùng 5 xe M113, 3 xe tăng đánh vào cơ quan hậu cần. Cơ quan hậu cần kịp rút khỏi. Mũi thứ ba, địch cho xe M113 vòng qua đại đội thanh niên xung phong tiến vào sở chỉ huy. Quân ta vừa lui vừa dùng súng B40, B41, AK, lựu đạn đánh lại. Lúc này, bộ phận sở chỉ huy, tác chiến đã chạy về hầm sư trưởng và chính ủy cách hầm giao ban 100m về phía tây. Sau khi địch chiếm được trung tâm sở chỉ huy, cơ quan hậu cần, chính trị lui sát bờ sông. Sư trưởng, chính ủy, tham mưu, tác chiến, bộ binh trụ lại chiến đấu. Lúc đó là 15 giờ. Chúng tôi tổ chức thảo luận chớp nhoáng để chọn phương án quyết trụ lại đánh hay lui. Có ý kiến cho rằng, sư trưởng và chính ủy Vương Thế Hiệp nên lui qua sông vì địch chỉ còn cách 100m, mọi người đều nhìn rõ xe địch, còn chúng không nhìn thấy ta bởi cụm le và gò mối che khuất. Nhưng tôi nghĩ, nếu ra sát bờ sông hay qua sông đều không có lợi. Rút qua sông, ta không bị pháo cũng bị bộ binh địch vây đánh. Quả nhiên, địch cho pháo, máy bay thay nhau đánh phá bờ sông ngay sau đó. Tôi lờ mờ hiểu ra vì sao địch biết rõ đường đi, nơi trú quân của ta, ba lần đánh vào sở chỉ huy của sư đoàn, hẳn là có tên chỉ điểm. Chúng quyết tâm bắt sống tôi-"Sư trưởng Tám Bôn”.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Thị Định và Sư đoàn trưởng Nguyễn Thế Bôn (đứng ngoài cùng, bên phải). Ảnh tư liệu.
|
Tôi và Tham mưu trưởng sư đoàn quyết định trụ lại chiến đấu đến phút cuối cùng. Chúng tôi xốc lại đội hình, sử dụng tiểu đoàn 12,7mm, công binh, các tay súng B40, B41 tổ chức đánh địch. Xe địch bốc cháy phía trước, phía sau. Đại đội thanh niên xung phong nghe tiếng súng nổ, tiếp cận bắn cháy 5 xe M113 của địch. Bọn địch tiến đến cách hầm sư trưởng, chính ủy chừng 80m, chúng bỗng dừng lại. Tôi chắc phần do thiệt hại nặng, phần vì không biết cụ thể hầm của tôi ở đâu nên đến khoảng 16 giờ thì địch rút.
Ngay đêm đó, sở chỉ huy lui sang đông Sông Bé, qua đường Phước Vĩnh, Đồng Xoài về hậu cứ dự bị tại Rạch Giá-Bắc Phước Vĩnh 15km an toàn.
Chiến cuộc mùa mưa năm 1968 kết thúc, chị Ba Định đến thăm sư đoàn. Chị truyền đạt ý kiến của Bộ tư lệnh Miền đánh giá về Sư đoàn 7 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Sư đoàn được tặng thưởng Huân chương Quân công giải phóng hạng hai.
Rồi chị nghe anh em kháo nhau: “Số Tám Bôn và Tư Hiệp to, hai ông hai bên có hai gò mối to bảo vệ chắc quá, mỗi ông lại có quả mìn chống tăng nữa thì xe M113 loại xe bọc thép ăn nhằm gì”. Chị Ba Định lắng nghe, tủm tỉm cười. Tôi phân bua với chị: Lần ấy, ta tiêu diệt 13 xe trong số 20 xe M113 của địch, hơn 100 tên địch bị thương vong, ta bị thương và hy sinh 7 đồng chí, chủ yếu là do bom và pháo. Địch tốn phí quá để bắt sống sư trưởng, bắt không được lại thiệt hại nặng nề, còn Tám Bôn tiếc đứt ruột vì bị mất chiếc đài National để nghe tin tức. Anh em đưa cho em chiếc đài khác để nghe nhưng nó tậm tà tậm tịt không nghe được đài địch, nhất là không nghe được những câu chuyện kể đêm khuya, nghe các chị: Trần Thị Tuyết, Kim Cúc, Châu Loan ngâm thơ…
Chị Ba cười ngất: “Anh đúng là mạng lớn, phước lớn”. Sau lần đó, chị về cậy cục nhờ anh em mua hộ chiếc đài Sony ở Cam-pu-chia rồi gửi tặng tôi. Chiếc đài tốt thật, tôi nghe sà sã vậy mà tiếng vẫn rất trong, rất ấm. Chiếc đài đã theo tôi đi cùng năm tháng, gắn với tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc. Đặc biệt, năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho tôi khi đó là Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân đoàn 1 tổ chức hành quân gấp vào miền Đông Nam Bộ, hiệp đồng với các đơn vị bạn tham gia trận quyết chiến chiến lược giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Chỉ trong một tháng, toàn bộ quân đoàn di chuyển vào chiến trường theo tuyến Quốc lộ 1-Đường 9-qua Lao Bảo sang Lào-về Kon Tum theo Đường 14 qua Buôn Ma Thuột vào Đồng Xoài, được mệnh danh là cuộc hành quân “thần tốc” để ngày 14-4-1975 có mặt ở Đồng Xoài-Phước Long chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Chiếc đài trở thành người bạn đồng hành với chúng tôi hành quân thần tốc từ Bắc vào Nam. Nó mang đến cho tôi những thông tin mới nhất về chiến thắng của quân dân hai miền Nam Bắc, động viên tinh thần bộ đội hăng hái tiến lên quyết giành thắng lợi trận cuối cùng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 1 đã đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, góp phần hoàn thành sứ mệnh vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến bây giờ, kể cả khi tôi về hưu, chiếc đài luôn đặt trên đầu giường để tôi nghe tin tức hằng đêm. Mỗi lần nghe đài, tôi luôn nhớ đến nữ tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Thị Định. Tôi nhớ dáng đi, khuôn mặt hiền từ của chị. Mỗi lần đến sư đoàn đi duyệt hàng quân, chị đến bên từng chiến sĩ bẻ lại cổ áo cho chiến sĩ, chị luôn dặn Quân Giải phóng không chỉ chiến đấu giỏi mà còn phải đẹp nữa. Chúng tôi gọi chị là “chị Ba”, còn anh em chiến sĩ kêu chị bằng “má”. Mỗi lần chị đến ai cũng có quà, dù chỉ là chiếc kẹo, viên thuốc bổ, cuộn chỉ, cái kim để vá áo… Kỷ vật này và câu chuyện chiến đấu năm nào nhất định phải kể lại cho thế hệ sau biết…”.
Kể xong, Trung tướng Nguyễn Thế Bôn trao chiếc đài cho chúng tôi và bức ảnh ông cùng các đồng chí Năm Phòng, Sáu Tòng đứng bên bà Nguyễn Thị Định. Khóe mắt vị tướng già hình như hơi ướt. Chúng tôi càng hiểu thêm rằng, ông luôn dành sự tôn trọng và tình cảm đặc biệt đối với bà Nguyễn Thị Định mà ông luôn gọi là chị Ba và đây chính là một trong số rất ít kỷ vật thiêng liêng nhất đối với ông.
Chúng tôi không ngờ lần ấy là lần cuối cùng vị tướng già rẽ vào bảo tàng… Khi tôi kể chuyện này, ông đã đi xa, rất xa, nhưng tiếng cười sảng khoái, tràn đầy lạc quan và hài hước của ông vẫn đọng lại trong ký ức chúng tôi.
TRẦN THANH HẰNG