QĐND - "Nhận xong công văn trả lời, tôi vội chào tạm biệt và đi ngay cho kịp vượt Đường số 5A trong đêm. Khi đã đến đường an toàn, đi một đoạn dốc rẽ vào gộp đá, tôi mắc võng nằm ngủ. Nhìn trời đầy sao, trong lòng tôi rất tự hào về chiến công thầm lặng của người chiến sĩ thông tin” - Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh, nguyên Phó giám đốc về chính trị, Học viện Lục quân hồi tưởng trong buổi trao tặng chiếc địa bàn kỷ vật từng gắn bó với ông suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Chiếc địa bàn quân sự của Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh. Ảnh: Xuân An.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Quảng Ngãi, được đắm mình trong môi trường đấu tranh cách mạng sôi động của làng quê có truyền thống anh dũng, kiên cường, chàng thanh niên Lê Ngọc Sanh sớm hun đúc mong ước phục vụ đất nước. Trở thành người chiến sĩ, kinh qua nhiều vị trí chiến đấu, công tác, Lê Ngọc Sanh luôn cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Để làm được điều đó, như ông nói, có phần đồng hành rất quan trọng của những vật dụng mà quân đội giao cho ông, trong đó có chiếc địa bàn hiệu Silva do Liên Xô (trước đây) sản xuất mà ông được nhận từ những ngày là chiến sĩ thông tin 15W, Phân đội thông tin H18, Tỉnh đội Quảng Ngãi. Cùng với việc tặng nó cho bảo tàng làm hiện vật, ông đã chia sẻ những câu chuyện về "người bạn” chiến đấu tin cậy của mình.

Đó là chuyến đưa công văn hỏa tốc của Tỉnh đội Quảng Ngãi chuyển cho Ban chỉ huy Huyện đội Đức Phổ ngày 4-5-1963. Thời gian này, Lê Ngọc Sanh vừa trực quay máy ra-gô-nô bảo đảm cho các phiên làm việc thu phát công điện cho các đài 15W trong tỉnh, vừa theo học lớp báo vụ tại chức. Công việc đang diễn ra trôi chảy thì một tình huống bất ngờ xảy ra. Tỉnh đội cần chỉ đạo hiệp đồng chiến đấu trong toàn tỉnh, nhưng máy 15W của huyện Đức Phổ bị hỏng, mất liên lạc. Trong khi đó, tiểu đội thông tin vận động không có người biết đường. Vậy là Lê Ngọc Sanh xung phong nhận nhiệm vụ chuyển thư hỏa tốc này đến huyện Đức Phổ trong vòng hai ngày. Đề phòng có khả năng mất phương hướng do vượt qua vùng địch còn kiểm soát, thường có biệt kích mai phục, cấp trên trang bị thêm cho ông chiếc địa bàn quân sự để lấy góc phương vị định hướng di chuyển.

Mang theo khẩu súng cạc-bin đề phòng tình huống bất ngờ địch bao vây sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, Lê Ngọc Sanh bắt đầu xuất phát. Khẩn trương vượt qua cánh đồng của xã Ba Điền, Ba Sơn (huyện Ba Tơ), rồi tiếp tục đi đến thôn Phú Khương, vượt qua sông Vệ, sang thôn Khánh Giang, Trường Lệ thuộc xã Hành Tín, huyện Nghĩa Hành. Khi tiếp cận xuống gần Đường số 5A, lợi dụng địa hình quan sát nắm địch, biết chúng thường đưa quân đi phục kích để bảo vệ đồn số 7 và đồn Đá Chát, ông quyết định chọn thời điểm 12 giờ sẽ vượt Đường số 5A. Vì lúc này bọn địch đi càn quét, hoặc đi phục kích đều dừng lại nghỉ trưa, đó là lúc chúng sơ hở nhất. Khi đi được khoảng 200m, phát hiện một toán lính ngụy đang nằm nghỉ trưa, đầu gối mũ sắt, súng để trên bụng, Lê Ngọc Sanh bình tĩnh, nhẹ nhàng lách qua bên phải. Nhờ có địa bàn định vị, ông tìm được đường cắt trong rừng, đi vòng khoảng 3km tìm cách trở lại đường mòn để đi đến huyện đội.

Sau gần hai ngày vượt đường rừng trước mắt kẻ địch, Lê Ngọc Sanh quyết không chùn bước, cố gắng đi nhanh hơn để giao thư kịp thời. 14 giờ ngày 5-5, thư hỏa tốc đến tay cán bộ chỉ huy huyện Đức Phổ trước nửa ngày. Ông kể: “Nhận xong công văn trả lời, tôi vội chào tạm biệt và đi ngay cho kịp vượt Đường số 5A trong đêm. Khi đã đến đường an toàn, đi một đoạn dốc rẽ vào gộp đá, tôi mắc võng nằm ngủ. Nhìn trời đầy sao, trong lòng tôi rất tự hào về chiến công thầm lặng của người chiến sĩ thông tin”.

Rồi đến cuộc di chuyển cơ quan tỉnh đội ngày 13-11-1964. Ban trực sớm hôm ấy, đồng chí Trần Nhật Quang, Đài trưởng 15W nhận được bức điện dịch ngay của quân báo Quân khu 5 báo địch đã phát hiện chỗ ở của Tỉnh đội Quảng Ngãi, sẽ sử dụng máy bay B-52 giội bom, toàn đơn vị nhận lệnh hành quân.

Ngay lập tức, cơ quan tham mưu lệnh qua sóng vô tuyến điện, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc chấp hành lệnh rời vị trí. Lê Ngọc Sanh cùng với đơn vị thông tin cũng khẩn trương làm nhiệm vụ. Bản thân Lê Ngọc Sanh sau khi phối hợp điện báo đã chạy chân đưa thư hỏa tốc đến một số đơn vị ở xa. Cùng với chiếc địa bàn của Lê Ngọc Sanh, Phân đội thông tin H18 đã nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Dù đường hành quân rất khó khăn, trong quá trình di chuyển, luôn bám sát đội hình, bám địch để theo dõi, nắm thông tin. Quả nhiên, đúng 24 giờ, máy bay B-52 bắt đầu giội bom xuống khu vực tỉnh đội. Cứ 15 đến 20 phút, chúng giội bom một lần, kéo dài cho đến gần sáng. Sau đó, địch dùng máy bay trực thăng chở 2 tiểu đoàn bộ binh đổ xuống để bao vây tỉnh đội. Chúng hy vọng lần này sẽ tiêu diệt gọn cơ quan Tỉnh đội Quảng Ngãi, nhưng không ngờ khi tiến quân vào, chỉ thấy doanh trại bị bom làm hư hỏng mà không còn một người. “Nhờ tác dụng chỉ hướng đi chính xác của chiếc địa bàn mà bản thân tôi đã vượt qua nhiều tình huống hiểm nghèo để tiếp tục chiến đấu. Ở vị trí công tác sau này, tôi vẫn sử dụng nó để xác định vị trí xây dựng khu vực phòng thủ bảo vệ Tổ quốc”, Thiếu tướng Lê Ngọc Sanh tâm sự.
VŨ VĂN AN