Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Kim Cúc ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ngôi nhà nằm yên bình dưới những tán cây xanh mát. Khi được hỏi về kỷ niệm gặp Bác Hồ và chiếc khăn quàng đang được lưu giữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5, mắt bà lấp lánh niềm vui và xúc động. Bà bảo, đó là những ngày tháng đẹp và ý nghĩa nhất của cuộc đời. Chiếc khăn Bác tặng là kỷ vật được bà nâng niu trân trọng. Nó không chỉ giúp bà vượt qua những ngày tháng lạnh giá trên đất Bắc mà còn giữ ấm tâm hồn bà mỗi khi gặp khó khăn.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng bà Trần Thị Kim Cúc vẫn còn giữ được nét kiên nghị của nữ biệt động thành Đà Nẵng năm xưa. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, năm 14 tuổi, cô bé Cúc đã đi làm giao liên và tham gia Đội thiếu niên đánh Mỹ rồi trở thành chiến sĩ biệt động thành dũng cảm, mưu trí, gan dạ. Chiến sĩ Cúc lập nhiều chiến công, được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội công tác biệt động thành. Sau trận đánh vào căn cứ quân Mỹ ở Sơn Trà, không may cô bị địch bắt. Địch tra tấn dã man, đóng đinh vào đầu nhằm khai thác thông tin nhưng không khuất phục được người con gái kiên trung nên đành phải thả. Do di chứng vết thương quá nặng, thường xuyên lên những cơn co giật nên Cúc được chuyển ra Bắc điều trị. Cũng trong dịp này, cô vinh dự được gặp Bác Hồ.

leftcenterrightdel

Bà Trần Thị Kim Cúc kể chuyện cho thế hệ trẻ về những kỷ niệm ngày được gặp Bác Hồ.

Bà Cúc hào hứng kể: “Tôi vinh dự 8 lần được gặp Bác Hồ, mỗi lần là một cảm xúc riêng. Lần đó, vào buổi chiều cuối năm 1967, trời quang đãng nhưng rất lạnh. Sau một thời gian điều trị, bệnh tình của tôi đã thuyên giảm. Chiều hôm đó, tôi cùng chị Mười (quê Đồng Tháp, bị thương và ra Bắc điều trị cùng đợt với bà Cúc-TG) rủ nhau ra sân tập thể thao. Chúng tôi đang chơi thì được báo tin có xe ở Phủ Chủ tịch đến đón vào ăn cơm với Bác Hồ. Tôi mừng quá cứ thế leo lên xe đi luôn mà quên mất cả áo ấm, mũ bông, khăn quàng cổ trước đó đã cởi ra để chơi thể thao còn để bên gốc cây. Chiếc xe đưa chúng tôi qua những con phố Hà Nội rồi vào Phủ Chủ tịch và dừng trước nhà sàn Bác Hồ. Anh lái xe mở cửa xe cho chúng tôi rồi đưa tay chỉ vào căn phòng và nói Bác Hồ ngồi trong đó. Tôi và chị Mười chạy ù vào với Bác. Bác ngồi trên chiếc ghế dựa bằng mây chờ chúng tôi từ bao giờ. Người đi đôi giày màu đen, đội mũ bông và mặc áo đại cán ka ki màu vàng nhạt. Trên cổ Bác có quàng chiếc khăn có hai màu như màu cờ giải phóng. Chúng tôi chưa kịp thưa với Bác lời nào thì nước mắt cứ trào ra. Bác ân cần bảo chúng tôi ngồi xuống ghế ở bên cạnh Bác”.

leftcenterrightdel
Chiếc khăn của nữ biệt động thành Trần Thị Kim Cúc được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5.  

Nhấp một ngụm nước, giọng run run xúc động, bà Cúc kể tiếp: “Trời Hà Nội hôm ấy rất lạnh nhưng hạnh phúc được gặp Bác Hồ nên chúng tôi không hề thấy rét. Đợi chúng tôi ngồi xuống, Bác quay sang hỏi thăm tôi: “Sau thời gian chữa bệnh ở nước ngoài, cháu thấy sức khỏe thế nào? Nghe các anh kể, cháu vẫn còn lên những cơn co giật phải không? Đầu cháu có còn tê buốt không?”. Xúc động nghẹn ngào, chúng tôi không nói nên lời. Thấy chúng tôi mặc phong phanh, Bác nói tiếp: “Sao trời lạnh thế này mà các cháu mặc như vậy? Các cháu phải mặc đủ ấm, phải khoác áo bông, đi tất chân, tất tay để giữ ấm cơ thể. Riêng cháu Cúc phải thường xuyên đội mũ vào để bảo vệ vết thương trên đầu”. Vừa nói Bác vừa lấy chiếc mũ mà Bác đang đội đưa cho tôi: “Cháu đội vào cho ấm”. Lúc đó, trước cử chỉ thân tình của Bác như một người cha lo lắng cho con, tôi tự trách mình: Có việc nhỏ tự chăm sóc cho mình mà để Bác phải lo lắng. Cứ thế, nước mắt tôi chảy dài trên má. Lau vội những giọt nước mắt, tôi nói trong nghẹn ngào: “Thưa Bác! Chúng con còn trẻ, lạnh này chưa thấm tháp vào đâu, nhưng Bác, Bác phải giữ ấm, giữ gìn sức khỏe để lo việc nước ạ! Thưa Bác, con không dám nhận”. Thấy chúng tôi kiên quyết như vậy, Bác lại rút chiếc khăn quàng cổ của Bác đưa cho tôi, Bác nói: “Cháu phải nghe lời Bác, quàng chiếc khăn vào cho ấm”. Đợi một lúc cho chúng tôi bình tĩnh, Bác nói: “Chiếc khăn quàng có hai màu tượng trưng cho hai miền Nam-Bắc nằm sâu trong tim Bác, nay Bác trao cho cháu”. Cầm chiếc khăn trên tay, xúc động trào dâng, nước mắt tuôn ra như một đứa trẻ, tôi ôm chầm lấy Bác và thầm hứa sống sao cho xứng với những tình cảm vô cùng lớn lao của Bác”…

Từ đó, chiếc khăn trở thành tài sản, vật bất ly thân, luôn đồng hành với bà Cúc trong những ngày điều trị trên giường bệnh rồi vào trường học bổ túc văn hóa, trên ghế giảng đường đại học và trở về quê hương Đà Nẵng sau ngày giải phóng. Mỗi khi gặp khó khăn, cầm chiếc khăn trên tay, bà lại có thêm nghị lực vượt qua bệnh tật, cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Sau này, bà Trần Thị Kim Cúc đã trao lại chiếc khăn quý giá cho Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Quân khu 5.

Bài và ảnh: AN VÕ