Chúng được treo trên trần, mắc vào tường, để trên giá hay được đặt dưới sàn nhà theo từng loại, rất dễ quan sát. Trong đó phải kể đến: Những chiếc áo trấn thủ, bình tông, vỏ đạn pháo, mũ cối, mũ phi công của quân ta và Mỹ, la bàn, ống nhòm, 2 chiếc cúp làm từ xác máy bay Mỹ thứ 2.000 và 4.000 do dân quân tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ) bắn rơi trên bầu trời miền Bắc, đặc biệt là tấm bản đồ gốc trận tiến công tiêu diệt cứ điểm làng Vây bằng đột phá hiệp đồng binh chủng trong hành tiến của Sư đoàn 304 trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh đêm 6, rạng ngày 7-2-1968...
Để có được những kỷ vật ấy, anh Thập được rất nhiều người giới thiệu và một mình anh đã đi hầu hết các tỉnh, thành phố trên đất nước Việt Nam để sưu tầm, mua lại, khi thì từ cơ sở thu mua phế liệu, khi thì từ nhà dân. Những lần như vậy là những lần anh đi lại rất tốn kém, khó khăn vất vả. Khi đã mua được, anh thường giấu kỹ trên gác xép. Đến lúc gác xép không còn đủ chứa nữa, anh mới tiết lộ và thuyết phục gia đình đồng ý để mở gian trưng bày hiện vật.
    |
 |
Anh Thập giới thiệu một trong những kỷ vật chiến tranh mà anh sưu tầm được. |
Trong lúc anh giới thiệu cho tôi về các kỷ vật chiến tranh thì có nhiều đoàn khách đến tham quan tỏ ý ngưỡng mộ. Một người khách trung tuổi tên Yêu, quê Hồng Châu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc cho biết: “Tôi đã nhiều lần nghe nói về bảo tàng tại gia của anh Thập, giờ mới được tận mắt chứng kiến một công trình đồ sộ như thế này. Thật khâm phục ý chí của một người trẻ tuổi như anh ấy, dành hết tâm huyết, tiền bạc xây dựng một công trình ý nghĩa mà rất ít người làm được”.
Trong một dịp Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc kỷ niệm họp mặt học sinh niên khóa 1974-1977 và giáo dục ngoại khóa, cô giáo Nguyễn Thị Trang đã mượn một số kỷ vật chiến tranh của anh Thập và có bài thuyết trình rất hay về đề tài chiến tranh thông qua những kỷ vật ấy. Cô chia sẻ: “Tôi có ý định thuê kỷ vật chiến tranh của anh Thập, nhưng anh ấy không lấy tiền và rất nhiệt tình giúp đỡ. Thông qua những kỷ vật này, các thế hệ giáo viên và học sinh nhà trường hiểu thêm về những đau thương, mất mát và chiến tích của cha ông ta thời kỳ đánh giặc cứu nước”. Không giấu được sự tò mò, hào hứng với những kỷ vật lạ mắt, em Khổng Mỹ Sơn, học sinh Lớp 10D1, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân chia sẻ: “Em rất thích những kỷ vật này. Chúng em không ngờ được tận mắt thấy những vật dụng của bộ đội ta sử dụng trong chiến đấu. Em rất tự hào và sẽ phấn đấu học giỏi để xứng đáng với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.
Bảo tàng của anh Thập vẫn đang ngày một nhiều thêm các kỷ vật chiến tranh, là nơi đón nhiều lượt khách tham quan, đặc biệt là các học sinh trên địa bàn đến tìm hiểu lịch sử, bổ túc cho môn học. Những kỷ vật ấy, dưới bàn tay của anh luôn được chăm sóc, bảo quản cẩn thận, là những tài sản vô giá, được anh gìn giữ cho muôn đời sau.
Bài và ảnh: HÀ THIỆN HÙNG